Những ngày này, tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng… “sóng” bất động sản bỗng nổi lên, gây náo loạn cả vùng quê. Đất nông nghiệp, đất bỏ hoang được hô giá cả tỷ đồng. Vậy sự thật của những “con sóng” này như thế nào?
Ngay sau khi có thông tin khảo sát, lập quy hoạch dự án, nhiều đầu cơ, môi giới đất đai đã ùn ùn kéo về các địa phương miền Trung như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng… với mục đích tạo “cơn sốt” đất bằng cách đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế.
Cò đất “thổi giá” náo loạn vùng quê
Đất trồng hoa màu, thậm chí từng bụi tre, đất bỏ hoang huyện Hòa Vang, (TP Đà Nẵng) bỗng có giá cả tỷ đồng. Theo người dân địa phương, từ sau Tết đến nay, không hôm nào vắng người ra vào để trao đổi, giao dịch về đất.
Theo giới thiệu trên 1 trang web về nhà đất, đất vườn 100m2 với giá hàng tỷ đồng dù chưa có sổ đỏ. Trong khi đó, người dân vẫn không hiểu tại sao đất lại được giá…trên trời, vì vùng quê bao năm qua chỉ làm làm nông, trồng trọt và chăn nuôi.
Khảo sát của PV cho thấy, những thửa đất nằm bên bờ ruộng, bỏ hoang nhiều năm, cây cỏ mọc um tùm nay được “hét” giá 8-9 triệu/m2.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn, một môi giới nhà đất tư vấn, đầu tư mua đất ở đây sẽ sinh lời, thanh khoản nhanh vì sắp có dự án khu tái định cư tại địa bàn huyện Hòa Vang. Vì vậy nên các trang giao dịch bất động sản, giá đất ở các thôn Lệ Sơn, Nam Sơn, La Bông... đang được rao bán với giá trên dưới 10 triệu/m2. Nhiều mảnh thửa đất trong hẻm hóc, bỏ hoang bỗng có giá bạc tỷ.
Tuy nhiên theo lãnh đạo UBND xã Hòa Tiến huyện Hòa Vang, trên địa bàn không có dự án nào sắp triển khai, nhất là dự án lớn phải giải tỏa rộng, tái định cư. “Nếu có chính quyền địa phương sẽ công bố cho người dân được biết. Trong trường hợp việc môi giới, mua bán đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ vào cuộc, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý” – đại diện UBND xã Hòa Tiến cho biết.
Tương tự ở Hà Tĩnh, trước thông tin sắp khảo sát và quy hoạch dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), những ngày qua rất nhiều người, xe ô tô ùn ùn đổ về thôn Bắc Hòa, Phú Hòa, Mỹ Hòa... để giao dịch đất đai, khiến vùng đất lâu nay chẳng ai để ý lại trở nên “sốt xình xịch”. Người dân xã Yên Hoà cho hay, vùng đất này vốn lâu nay bình yên, nhưng từ khi có thông tin dự án, rất nhiều “cò đất” đổ về các thôn để giao dịch.
Vài tháng trước mỗi m2 đất có giá 2 - 4 triệu đồng, nhưng nay được đẩy lên cao, có lô giá trên 10 triệu đồng/m2. Từ những lô trị giá vài trăm triệu nay rao bán với giá cả tỷ đồng. “Thời gian qua, người địa phương khác về đây mua nhiều lắm, nhưng chủ yếu mua đi bán lại rồi tự đẩy giá lên cao” – chị Nguyễn Thu Hiền, người dân xã Yên Hoà cho hay.
Còn ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người dân thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến không khỏi bất ngờ khi đất vùng này từ trước đến nay rẻ như bèo, không ai ngó tới. Song, từ cuối năm ngoái đến nay, khi thông tin về một số dự án sẽ được triển khai trên địa bàn, dòng người từ khắp nơi đã tìm về để đặt chỗ, chèo kéo người dân bán đất tạo nên cơn sốt đất chưa từng có ở vùng quê này.
Theo các cò đất giới thiệu, thông tin về dự án khu công nghiệp VSIP sắp được triển khai trên địa bàn khiến giá đất tăng nhanh. Đặc biệt, khi dự án nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina do doanh nghiệp Mỹ đầu tư trực tiếp, vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận đầu tư tại xã Việt Tiến, thì giá đất cũng nóng lên từng ngày. Trước Tết, đất nền ở đây có giá dao động chưa đến 1 triệu đồng/m2 nhưng nay bỗng dưng tăng lên hơn 5 triệu đồng.Với những lô đất bám mặt tiền quốc lộ 15B, giá tăng vọt lên 15-20 triệu đồng/m2. Lãnh đạo UBND xã Yên Hoà cho biết, tình trạng “sốt đất” ở địa phương chỉ diễn ra một thời gian, đến nay không thấy bóng dáng một vị khách nào đến hỏi mua đất nữa.
Đầu cơ có dấu hiệu tái phát
Trong báo cáo đánh giá về xu hướng thị trường bất động sản năm 2022 vừa được gửi tới cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) lo ngại về tình trạng sốt đất ảo quay trở lại với những tác động xấu tới thị trường.
"Sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm nay cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nêu.
Theo ông Châu, cần có phương án xử lý kịp thời tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ "đầu nậu", "cò đất, cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Theo dữ liệu vừa công bố của một kênh thống kê bất động sản, trong tháng 2 năm nay, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết loại hình so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.
Một số ý kiến cho rằng đã đến lúc cần đánh thuế nhà ở, bất động sản song cũng có nhiều quan điểm lưu ý thận trọng đối với vấn đề này, bởi không sẽ lợi bất cập hại, tác động tiêu cực tới thị trường.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Bộ Tài chính mới chỉ đang nghiên cứu về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà, tài sản.
"Từ nghiên cứu đến lúc đưa ra đề xuất chính thức là cả một khoảng cách. Khi đánh thuế nhà ở, thuế tài sản thì còn phải cải cách toàn bộ hệ thống thuế bởi liên quan đến rất nhiều sắc thuế khác", ông Thịnh lưu ý đồng thời cho rằng thuế làm tăng thêm gánh nặng cho cả người dân và doanh nghiệp. Đánh thuế nhà thời điểm này không chỉ cản đường hồi phục của lĩnh vực bất động sản và của nền kinh tế hậu Covid-19 mà còn khiến giá nhà tăng.
Trước đó, ngày 21/2, mạng xã hội xôn xao clip ghi cảnh lãnh đạo và nhân viên công ty bất động sản có trụ sở ở Bình Dương đã đến Bình Phước liên tục chạy, chốt giá đất nền, tạo cơn sốt đất. Clip “làm tuồng sốt đất” gây xôn xao dự luận, ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm.
Theo tìm hiểu, khu đất được dựng rạp rao bán trên thuộc tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Hiện huyện Lộc Ninh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Cũng theo vị này, khu đất xuất hiện trong clip lan truyền trên mạng không thuộc dự án bất động sản nào được phép giao dịch.