Quốc tế

Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và dịch bệnh

Hà Anh 25/11/2023 10:38

Mùa hè năm 2023, thế giới ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong vòng 100 nghìn năm và tất cả các lục địa đều bị ảnh hưởng.

anh-bai-chinh.jpg
Khủng hoảng khí hậu đã làm tăng tần suất các đợt bùng phát sốt xuất huyết ở Jamaica. Nguồn: AP.

Báo cáo Lancet Countdown theo dõi mối liên hệ giữa sức khỏe và khủng hoảng khí hậu bản mới nhất cho thấy, các quốc đảo nhỏ đã trải qua 103 ngày nắng nóng đe dọa sức khỏe mỗi năm, từ 2018 đến 2022 –gần 1/3 thời gian trong một năm. Khi số ngày nóng trong năm ở mức này, các ca tử vong liên quan đến nhiệt nhiều khả năng tăng lên.

Dữ liệu gần đây nhất cho thấy, bên cạnh những mối nguy hiểm trực tiếp khi tiếp xúc với sức nóng dẫn đến sốc nhiệt, say nắng và nghiêm trọng là tử vong, nhiệt độ tăng còn làm rõ mối liên quan giữa khí hậu đối với sự lây lan các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét và vi khuẩn Vibrio, cụ thể là mở rộng phạm vi lây lan của chúng.

Các mô hình toán học về bệnh sốt xuất huyết cho thấy, tần suất bùng phát dịch tăng lên cùng với sự gia tăng nhiệt độ và củng cố thêm bằng chứng để khẳng định, cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm dày thêm tần suất các đợt bùng phát bệnh tật.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhạy cảm với khí hậu, lây lan qua nước bọt của muỗi Aedes cái khi đốt người chưa nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết biểu hiện qua việc sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau khớp và cơ, các triệu chứng khác giống cúm. Đây thường là một bệnh nhẹ có thể được điều trị đầy đủ bằng cách nghỉ ngơi, bù nước và dùng acetaminophen/paracetamol.

Tuy nhiên, bệnh cũng có thể nghiêm trọng, bệnh nhân phải nhập viện và trong một số trường hợp hiếm gặp có thể tử vong. Dạng nặng nhất là sốt xuất huyết Dengue. Virus này có 4 chủng: Denv-1, Denv-2, Denv-3 và Denv-4. Những chủng này khác nhau và khả năng miễn dịch đối với một chủng không có nghĩa là miễn dịch trước những chủng khác. Denv-2 là chủng nghiêm trọng nhất. Việc tiếp xúc với một chủng sau khi bị nhiễm một chủng khác sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và việc nhiễm trùng nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết.

Trước năm 2007, tần suất bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Jamaica là 10 năm một lần, sau năm 2007 tăng lên 3-4 năm một lần. Trận dịch gần đây nhất là vào năm 2019. Trong khi các yếu tố rủi ro khác như hành vi và môi trường có liên quan đến sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết, cuộc khủng hoảng khí hậu được cho là nguyên nhân đáng kể góp phần làm tăng tần suất bùng phát mà nhiệt độ tăng là nguyên nhân chính.

Mùa hè nóng bức năm 2023 ở Jamaica tạo điều kiện hoàn hảo cho muỗi sinh sôi. Đầu tiên, hạn hán dẫn đến việc tăng trữ nước, thường là trong các thùng chứa, lý tưởng cho muỗi sinh sản. Sau đợt hạn hán là một mùa hè khô nóng kỷ lục và kết thúc bằng những cơn mưa.

Hồi tháng 9, Bộ Y tế và Sức khỏe Jamaica công bố bùng phát dịch sốt xuất huyết ở nước này. Số ca được các quan chức y tế báo cáo tính đến ngày 6/11 là 3.147, 9 ca tử vong, gây thêm áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải của đất nước vùng Trung Mỹ.

Chủng virus đang lưu hành ở Jamaica chủ yếu là Denv-2 và tỷ lệ nhập viện là 72 người/tuần. Trẻ em từ 5 đến 14 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất với tỷ lệ cứ 100.000 em thì có 36 em nhập viện. Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều hơn vì đợt bùng phát sốt xuất huyết gần đây nhất với Denv-2 là chủng chiếm ưu thế xảy ra vào năm 2010; những đứa trẻ phải nhập viện lần này được sinh ra sau năm 2010 không có khả năng miễn dịch với Denv-2, vì vậy dẫn đến bùng phát.

Theo Tiến sĩ Georgiana Gordon-Strachan - Giám đốc trung tâm Lancet Countdown khu vực các quốc đảo nhỏ đang phát triển, khu vực này luôn trong trạng thái phục hồi liên tục sau những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Cộng đồng này mất đất, mất mạng sống và sinh kế vì khủng hoảng khí hậu.

Tiến sĩ Strachan cho rằng, khu vực không nên bỏ qua những tiến bộ đã đạt được: tỷ lệ tử vong liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan đã giảm, số ca tử vong ngày càng ít đi. Đây là kết quả của các hệ thống cảnh báo khí tượng sớm, khả năng chuẩn bị và quản lý thiên tai tốt hơn, các phản ứng y tế phù hợp, kịp thời.

Nhưng các quốc đảo cũng đang đứng trước nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu vượt qua sức mạnh của những nỗ lực thích ứng khi thế giới đi sai hướng qua việc mở rộng các hoạt động dầu khí, từ bỏ các cam kết tài trợ khí hậu.

Tiến sĩ Strachan khẳng định, phải thực hiện hành động khẩn cấp ở cấp độ toàn cầu để giảm sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhằm bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là những người sống ở các quốc đảo nhỏ, những người phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Sốt xuất huyết từng được coi là một căn bệnh lưu hành chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều khu vực khác trên thế giới đã ghi nhận những ca bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, thế giới đã ghi nhận 4,2 triệu ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2022, cao gấp 8 lần so với năm 2000.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO