Chúng ta có thể nghĩ rằng, việc hoạt động du lịch bị ngắt quãng đột ngột do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một điều tốt cho thiên nhiên, khi một số khu vực đã trở nên yên tĩnh, động vật có thể đi lang thang thoải mái hơn và hệ thực vật có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, tác động của du lịch đến các loài và hệ sinh thái không hoàn toàn là tiêu cực.
Thúc đẩy tiếp cận bền vững
Bà Anna Spenceley, một nhà nghiên cứu độc lập và là chủ tịch của một nhóm chuyên nghiên cứu về các khu bảo tồn của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) cho biết: “Các nhà bảo tồn nhận ra rằng, khi các cộng đồng không còn nhận được bất kỳ lợi ích nào từ du lịch, họ sẽ bắt đầu săn bắt bất cứ thứ gì, những thứ mà chúng tôi cố gắng bảo vệ, trong khu vực bảo tồn của chúng ta, bởi vì họ không có nguồn thu nhập”.
Thoát khỏi đại dịch Covid-19, các nhóm bảo tồn, các chính phủ và một số công ty lữ hành đang cố gắng thúc đẩy cách tiếp cận bền vững hơn đối với du lịch, sắp xếp lại mối quan hệ với thiên nhiên để khuyến khích đa dạng sinh học hơn là làm suy giảm nó. Nhưng đây là một hành động cần sự cân bằng tinh tế.
Ông Brian O’Donnell - Giám đốc Chiến dịch Vì thiên nhiên cho rằng: “Du lịch có thể vừa là một trong những động lực lớn nhất gây mất đa dạng sinh học, nhưng cũng vừa là một phương tiện để bảo tồn đa dạng sinh học. Tất cả phụ thuộc vào các chính sách được áp dụng từ các chính phủ và cách tiếp cận mà các nhà điều hành du lịch và chính du khách thực hiện”.
Có rất nhiều hướng dẫn cho những tác nhân đó, từ khuôn khổ do Công ước Đa dạng sinh học soạn thảo, hướng dẫn của IUCN và các tiêu chí do Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu phát triển. Điều thứ hai, đặt ra các yêu cầu tối thiểu cho cả chính phủ và các doanh nghiệp du lịch là duy trì các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo đàm phán Khung chiến lược Toàn cầu mới về Đa dạng sinh học sau năm 2020 về việc đạt được thỏa thuận bảo vệ 30% đất đai và đại dương vào năm 2030 (được gọi là tầm nhìn “30 đến 30”), việc có được sự cân bằng phù hợp thậm chí còn quan trọng hơn khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng của những điểm bùng phát sẽ chứng kiến sự mất đa dạng sinh học không thể phục hồi.
Các mục tiêu trước đây đã đến và đi, không được đáp ứng trong nhiều năm và cái gọi là tầm nhìn “30 đến 30” là một nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn sự đi xuống. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là du lịch có tương thích với tầm nhìn “30 đến 30” không?
“Chắc chắn rằng việc mở rộng phạm vi các khu bảo tồn có thể giúp phân tán du lịch khỏi một số địa điểm đông đúc nhất trên hành tinh trong khi những nơi khác bị bỏ qua. Tuy nhiên, du lịch có thể không phù hợp với tất cả các hình thức khu bảo tồn, chẳng hạn như các khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt hoặc các khu vực hoang dã” - bà Spenceley nói.
Điều đó có nghĩa là khoản tài trợ cho công tác bảo tồn sẽ phải được tìm thấy từ các nguồn khác, chẳng hạn như nợ hoán đổi thiên nhiên (trong đó một phần nợ của các quốc gia đang phát triển được xóa để đổi lấy các biện pháp bảo tồn hoặc môi trường của địa phương), hoặc quỹ nhà nước, hoặc hoạt động từ thiện.
Vai trò của du lịch
Câu hỏi ngành du lịch sẽ đóng vai trò ở đâu và to lớn như thế nào sẽ không được giải quyết cho đến khi các quốc gia xây dựng kế hoạch tài chính và đa dạng sinh học quốc gia sau Hội nghị Đa dạng sinh học COP 15 sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tại Canada.
Các tác động kinh tế mà tầm nhìn “30 đến 30” đề xuất cho thấy rằng, những nỗ lực bảo tồn như vậy có thể dẫn đến những lợi ích kinh tế hữu hình. Trong lĩnh vực tự nhiên, phần lớn doanh thu tăng trưởng dự kiến đến từ sự gia tăng du lịch. Như việc hoạt động ngắm nhìn động vật hoang dã ở châu Phi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc mở rộng du lịch của lục địa này.
Du lịch thiên nhiên đã đóng góp rất lớn vào GDP toàn cầu, nhưng IUCN đã phát hiện ra rằng, trong khi các khu bảo tồn toàn cầu tạo ra thu nhập hơn 600 tỷ USD vào năm 2015, chỉ 2% trong tổng số đó được đầu tư vào việc bảo tồn.
“Hàng chục nghìn khách du lịch đến để ngắm nhìn những kỳ quan thiên nhiên và do đó, lợi nhuận của các công ty du lịch liên quan trực tiếp đến đa dạng sinh học và thiên nhiên. Nhưng chúng ta không thấy sự tái đầu tư từ các công ty vào việc duy trì và bảo tồn bản chất đó” – ông O’Donnell nói.
Một ví dụ là điểm du lịch nổi tiếng Vịnh Maya trên đảo Phi Phi Leh của Thái Lan. Du khách đã tạo ra khoảng 9,5 triệu bảng Anh doanh thu, nhưng các rạn san hô đã bị phá hủy và rác thải chất thành đống. “Các chính phủ có thể xem xét thu phí vào cửa đối với tàu du lịch và thu thuế nhà trọ - đã được sử dụng ở các điểm đến khác nhau. Tuy nhiên, thu nhập mà các biện pháp đó tạo ra cần phải ở lại địa phương, để cộng đồng thấy được lợi ích và tiền có thể được sử dụng để quản lý môi trường và bảo vệ chính hệ sinh thái mà du khách đã đến tận hưởng” - O’Donnell nói.
Một số quốc gia ở châu Phi, chẳng hạn như Kenya và Namibia, đã áp dụng cách tiếp cận dựa trên bảo tồn, trong đó trách nhiệm được giao cho các cộng đồng địa phương, những người có kiến thức sâu sắc về đất đai.
Theo tổ chức Northern Rangelands Trust, tập thể gồm 26 nhóm bản địa sinh sống trên diện tích 2,5 triệu ha phía Bắc Kenya, cơ hội cho thương mại tại đây là hạn chế, bởi khí hậu thay đổi đồng nghĩa với việc kiếm sống từ chăn nuôi gia súc là một thách thức lớn. Nhưng du lịch, tập trung vào động vật hoang dã, mang lại cơ hội việc làm trong các cơ sở lưu trú và cơ sở vật chất.
“Điều đó nâng cao nhận thức về giá trị của động vật hoang dã trong cộng đồng địa phương, những người đã sống chung với động vật hoang dã suốt đời nhưng chưa bao giờ thấy bất kỳ động lực tài chính nào để bảo vệ nó” - ông Ian Craig, người điều hành tổ chức Northern Rangelands Trust cho biết.