Vấn đề nợ công đang tiếp tục gây sự chú ý, trong đó không ít ý kiến thể hiện sự lo lắng. Tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015, nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% còn 43%.
Ảnh minh họa.
Tính đến hết năm 2014, dự nợ Chính phủ đã lên gần 86 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu tỷ VNĐ). Trong năm nay, Chính phủ dự tính vay hơn 20 tỷ USD (452.000 tỷ đồng), trong đó khoản trả nợ là 12 tỷ USD (273.000 tỷ đồng). Nguyên nhân gia tăng nợ công được lý giải do áp lực huy động vốn cho hoạt động đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Mặc dù nợ công ở mức khá cao song Bộ Tài chính vẫn khẳng định, nợ công đang ở trong mức giới hạn cho phép. Mức an toàn có thể được Bộ Tài chính vin vào đó là, nợ công chưa đến 65% GDP – mức chuẩn quốc tế. Quan điểm này không nhận được sự ủng hộ. Lý do, cách tính toán nợ công của Việt Nam khá đơn giản. Theo các nước, nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp…
Tại Việt Nam nợ công chỉ bao gồm nợ của Chính phủ và nợ của bộ máy công quyền chứ không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích, bảo hiểm xã hội. Nếu cộng gộp tất cả các khoản nợ - như cách tính của các nước thì nợ công của Việt Nam không còn nằm ở ngưỡng an toàn theo mức chuẩn quốc tế. Theo chuyên gia kinh tế, nợ công đang ở mức trên 62% GDP, rất gần với mức trần 65% GDP và nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP (vượt giới hạn cho phép 0,3%).
Trước tình hình nợ công gia tăng các chuyên gia kinh tế băn khoăn, nếu quản lý không chặt sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Rõ ràng lo lắng của mọi người về nợ công hoàn toàn không thừa khi cách tính nợ công không đủ, cách tính GDP còn nặng thành tích với những con số đẹp. Bên cạnh đó, ngân sách hạn hẹp vì hệ thống an ninh tài chính cả nước đang rơi vào tình trạng bội chi gia tăng.
Tình trạng đầu tư phát triển dàn trải chưa chấm dứt từ dự án nhỏ đến dự án lớn, từ dự án của địa phương cũng như những dự án mang tầm cỡ quốc gia. Cá biệt, có nhiều dự án, công trình quy mô lớn “án binh, bất động” do không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng vùng, việc làm. Tất cả các yếu tố này đang dần dần đưa nợ công Việt Nam đến thời điểm vỡ nợ lúc nào không hay.
Vấn đề đặt ra hiện nay trong kiểm soát nợ công, Việt Nam cần phải giảm tốc độ tăng chi ngân sách, giảm bớt thâm hụt ngân sách, giảm bớt nhu cầu vay nợ,… Song song đó, tăng huy động thu ngân sách, sử dụng nợ một cách hiệu quả, giám sát chặt chẽ đầu tư công hạn nhằm chế đầu tư dàn trải, lãng phí. Đồng thời, đảm bảo cân đối nợ một cách tốt nhất tránh hệ lụy không tốt cho an ninh tài chính quốc gia.