Báo cáo mới nhất về Chỉ số lãng phí thực phẩm của Liên hợp quốc cho thấy, thế giới lãng phí khoảng 1/5 lượng thực phẩm, gây tổn thất khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, ông Richard Swannell thuộc tổ chức WRAP (tổ chức công nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất toàn cầu) cho rằng, con số nêu trên là một ước tính rất thận trọng. Trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Vẫn theo Liên hợp quốc (LHQ), trên phạm vi toàn cầu, trong năm 2022, mỗi ngày các hộ gia dình trên thế giới đã vứt bỏ 1 tỷ bữa ăn, trong khi 800 triệu người bị đói. Số thực phẩm “bỏ đi” đó được cho là đủ để nuôi sống người dân ở 3 châu lục gồm: châu Phi, châu Mỹ và châu Âu trong vòng 1 năm.
LHQ đã đưa cảnh báo đó là một "thảm kịch toàn cầu" về lãng phí thực phẩm. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh, hàng triệu người đói vì thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế, gây hại cho môi trường khi mà lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ rác thải thực phẩm cao gấp 5 lần so với khí thải của ngành hàng không. Và hơn nữa, nó còn là vấn đề đạo đức.
Theo báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm mới nhất do LHQ phối hợp thực hiện với tổ chức phi lợi nhuận WRAP, số thực phẩm bị vứt bỏ tương đương gần 20% tổng số thực phẩm hiện có trên thị trường. Lượng thực phẩm bị vứt bỏ này trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Tỷ lệ thực phẩm bị vứt bỏ tại các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, căng-tin và khách sạn chiếm 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí. Con số này ở các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng thịt, rau củ 12%. Tỷ lệ ở các hộ gia đình là lớn nhất với 60% (khoảng 631 triệu tấn).
Bà Lisa Moon - Giám đốc điều hành Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) kêu gọi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm hợp tác chặt chẽ hơn với các ngân hàng thực phẩm để giảm lãng phí, hướng đến mục tiêu giải quyết nạn đói và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Lãng phí thực phẩm đã được coi là vấn đề toàn cầu. Trong đó, trái cây, rau, củ, hải sản, ngũ cốc, trứng và sữa là các loại thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất. Bên cạnh đó, lượng nước bị lãng phí trong quá trình sản xuất những loại thực phẩm này đủ để lấp đầy 3 hồ nước ngọt Geneva ở Trung Âu.
Đáng chú ý, theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), khoảng 37% thực phẩm có nguồn gốc động vật và 20% có nguồn gốc thực vật bị vứt bỏ sau khi đến tay người dùng. Thực tế đó như một thách thức khi hơn 70 quốc gia đã ký cam kết giảm lượng thực phẩm lãng phí. Cam kết này được ký tại Hội nghị thường niên của Nghị định thư Montreal, diễn ra tại trụ sở của FAO ở Rome (Italy), tháng 11/2019.