Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các nhà cao tầng trên địa bàn. Nếu các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về PCCC, ngoài xử lý hành chính còn xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra.
Dư luận xã hội vô cùng đồng tình với chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Song, nhiều ý kiến cho rằng, nếu có thái độ cương quyết như vậy từ lâu, có lẽ đã không xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại về người và tài sản đến vậy. Vốn hành lang pháp lý khá kín kẽ, chỉ vì chế tài chưa nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các chung cư cao tầng đều phải đảm bảo hệ thống PCCC hoạt động hiệu quả trước khi đi vào sử dụng. Song, lâu nay có không ít (nếu không muốn nói là hầu hết) các chung cư đều chỉ có hệ thống PCCC “trang trí” mà không thể phát huy tác dụng khi thực sự xảy ra các vụ cháy, khiến nhiều người thiệt mạng.
Thực tế, đầu tư một hệ thống PCCC đạt chuẩn khá tốn kém nên hầu hết các chủ đầu tư luôn tìm cách để “trốn”. Nhưng vì quy định của pháp luật là bắt buộc phải có hệ thống PCCC nên họ chỉ làm “tượng trưng” cho có để đối phó với cơ quan chức năng. Vì thế các hệ thống PCCC hầu như vô dụng mỗi khi bà hỏa viếng thăm các tòa nhà cao tầng.
Chưa nói đến hệ thống dập lửa là các vòi phun nước tự động, bình cứu hỏa (phải trang bị tại các tầng), chỉ riêng hệ thống chuông báo cháy ở không ít chung cư cũng “tậm tịt” lúc “nổ” lúc “xịt”. Ngay đến việc báo động cho mọi cư dân trong tòa nhà biết đang có hỏa hoạn còn không có, thì hy vọng gì hệ thống chữa cháy tại chỗ hoạt động.
Đó chính là lý do, cứ mỗi lần “có sự” thì có vẻ như rất khó hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Do không có hệ thống chữa cháy tại chỗ nên sự sống của cư dân phụ thuộc hoàn toàn vào sự ững cứu của lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Chỉ cần lực lượng PCCC, cứu hộ, cứu nạn đến trễ vài phút, thậm chí chỉ 1 phút thôi, thì hậu quả đã rất thảm khốc.
Rất may là lực lượng cảnh sát PCCC cũng rất tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm nên đã nhiều phen ứng cứu kịp thời các vụ cháy lớn, hạn chế được phần nào thiệt hại về người, còn tài sản thì hầu như khó giữ. Sau mỗi lần xảy cháy, người ta cứ than rằng, giá như có hệ thống PCCC tại chỗ thì có lẽ số người thương vong đã không nặng nề đến vậy.
Ai cũng biết là vào ở tại các tòa nhà chung cư thiếu hệ thống PCCC hoạt động tốt là rất nguy hiểm, có thể mất mạng, tiêu tán tài sản bất cứ lúc nào. Song, không lẽ lại vì nỗi sợ “ở thì tương lai” mà chấp nhận màn trời chiếu đất, không có chỗ để chui ra chui vào hay sao? Vì thế, đa số người dân đều chấp nhận mạo hiểm mua nhà ở, dù nơm nớp lo sợ.
Vấn đề ở chỗ, vì sao rất nhiều tòa nhà chung cư không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC mà vẫn có thể đưa vào hoạt động, khai thác thương mại? Chẳng phải pháp luật quy định rất rõ, nếu không có hoặc có nhưng hệ thống PCCC không đảm bảo hoạt động tốt thì công trình xây dựng không được phép đưa vào khai thác, sử dụng đó sao?
Nếu như chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không thiết kế hệ thống PCCC, hoặc giả có làm nhưng nó không hoạt động, thì các cơ quan chức năng chỉ việc “phanh lại” không cho đưa vào khai thác, sử dụng cho đến khi nào chủ đầu tư khắc phục xong. Khi ấy, liệu chủ đầu tư có thể cố tình vi phạm pháp luật được không? Chắc chắn là không rồi!
Vậy thì câu chuyện ở đây chính là các cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra, giám sát hệ thống PCCC tại các tòa nhà cao tầng đã thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, hay có tiêu cực nhấm nháy với chủ đầu tư để bỏ qua vi phạm. Đó là cách lý giải duy nhất logic với thực tế đang diễn ra.
Với việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự các chủ đầu tư nếu cố tình vi phạm về PCCC là đã tốt rồi, nhưng chưa đủ mà còn thiếu hẳn nửa vế còn lại. Đó là cần phải xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự cả với cá nhân, đơn vị cố tình bỏ qua vi phạm PCCC cho chủ đầu tư.
Trên đời có hai loại người dám cố tình vi phạm pháp luật, một là họ có “máu liều”, hai là được bảo kê, chống lưng. Các cơ quan chức năng đã từng thử nghĩ, trong số các vụ cháy thương tâm, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tỷ lệ bao nhiêu chủ đầu tư dám liều mạng phạm luật?
Hay phần lớn trong số các chủ đầu tư đó đã nhận được cái “gật đầu” cho phép của người có thẩm quyền phê duyệt, giám sát hệ thống PCCC của tòa nhà chung cư để phạm pháp? Nếu không trả lời được câu hỏi đó, e rằng chưa thể đảm bảo an toàn tính mạng cho các cư dân đang sống tại các tòa nhà cao tầng mỗi khi bào hỏa ghé thăm.