Giáo dục

Môn không thi tốt nghiệp THPT, học sinh có mặn mà?

Nguyễn Hoài 21/11/2023 18:12

Đề xuất giảm số môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 khiến nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ không mặn mà với môn không thi.

Tạo điều kiện để thí sinh phát huy năng lực

Tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực mới đây, Bộ GDĐT đã kiến nghị, đề xuất với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 2+2.

Theo phương án này, mỗi thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2+2), gồm: Thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

W_z4467662695989_60ba69be72fed23257b39d104a5e5955.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Lý do Bộ GDĐT đề xuất phương án này là nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; số buổi thi 3 buổi giảm 1 số buổi thi so với hiện nay; sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

Bộ cũng cho rằng, phương án này không gây nên sự mất cân bằng giữa của việc chọn khối Khoa học xã hội nhiều hơn Khoa học tự nhiên như hiện nay. Tạo điều kiện để thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đối với 9 môn học thí sinh được lựa chọn để dự thi, các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ; trong quá trình dạy học, học sinh đã được đánh giá quá trình học tập một cách toàn diện, trong quá trình dạy trên lớp.

Việc được chọn 2 môn trong số 9 môn học này, các em sẽ có 36 cách thức lựa chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Cần đảm bảo sự công bằng về nội dung thi

Đề xuất giảm số môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 khiến nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ không mặn mà với môn không thi, dẫn tới tình trạng học lệch.

Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp Bộ GDĐT cho rằng, trong mấy năm qua, một số đại học và trường đại học đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Đây có thể là những bài học kinh nghiệm và tham khảo cho ngành giáo dục trong quá trình đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở ứng dụng công nghệ.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, chỉ có thi đánh giá năng lực học tập tổng hợp cộng với điểm hồ sơ đánh giá kiểm tra ở nhà trường được thực hiện khách quan, công bằng bởi thầy cô giáo và với sự kiểm soát của công nghệ mới hy vọng giảm bớt câu chuyện "thi gì học nấy" đúng với Nghị quyết 29 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Quan niệm "thi gì học nấy" sẽ được thay đổi bởi văn hóa "học gì thi nấy".

W_z4468122215465_690c0ed61b8a3fd7591d22a7981ef389.jpg
Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Về hiệu quả kinh tế, TS Vinh cho rằng, tối ưu nhất là chỉ còn một kỳ thi duy nhất, vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học. Sẽ không còn các kiểu thi đánh giá năng lực của các đại học và một số trường đại học, khiến xã hội bối rối và chi phí tham gia đánh giá nhiều lần tốn kém. Điều này về hiệu quả kinh tế thuyết phục hơn là chỉ thi tốt nghiệp 4 môn.

Đồng tình với đề xuất phương án 2+2 của Bộ GDĐT, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở giai đoạn này chưa thể thực hiện bài thi đánh giá năng lực chung, chuyên biệt.

Lý do bởi cho dù năm 2025 toàn bộ học sinh tốt nghiệp THPT là những học sinh đã học đủ 3 năm theo chương trình mới với tiếp cận phát triển năng lực nhưng cũng chính các học sinh này đã học 9 năm theo chương trình theo chương trình 2006.

Việc tổ chức dạy và học bậc THPT cũng đang trong quá trình chuyển đổi, các phương pháp phát triển năng lực đang áp dụng, nhưng cần thêm thời gian để thực sự nhuần nhuyễn.

Tức là, về mặt phát triển tư duy, nhận thức của các học sinh này vẫn đang là sự pha trộn của hai hình thức tiếp cận giáo dục theo nội dung và tiếp cận phát triển năng lực. Thế nên, GS. TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, việc thi hoàn toàn theo hướng đánh giá năng lực sẽ chưa phù hợp và việc thi theo môn vẫn là cần thiết cho một số năm nữa.

GS. TS Nguyễn Quý Thanh lưu ý, dù học sinh chọn một hay bao nhiêu môn trong số các môn tự chọn thì Bộ GDĐT vẫn cần chuẩn bị dạng thức đề và ngân hàng câu hỏi cho cả 9 môn lựa chọn.

Mặt khác, cũng cần đảm bảo sự công bằng, nhất là về nội dung thi cho các thí sinh chọn các môn khác nhau và đảm bảo chất lượng đầu ra cho học sinh có chọn thi hay chỉ thi học kỳ bình thường.

Theo đó, nếu theo phương án 2+2, Bộ GDĐT công bố dạng thức cho 11 môn và hướng dẫn các địa phương tổ chức thi học kỳ 2 các môn tương ứng theo dạng thức đó cho các môn còn lại mà học sinh không chọn.

Như vậy, theo GS. TS Nguyễn Quý Thanh, dù thi lấy điểm tốt nghiệp do Bộ GDĐT chủ trì hay thi hết học kỳ 2, các môn đều theo một dạng thức, một chuẩn kiến thức. Điều này đảm bảo mặt bằng về chất lượng để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có căn cứ tuyển sinh nếu không làm bài thi riêng.

“Nếu không tính đến thì rất có khả năng sẽ tăng thêm các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng và quá nhiều kỳ thi riêng cũng không phải là điều tốt cho hệ thống”, GS. TS Nguyễn Quý Thanh nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môn không thi tốt nghiệp THPT, học sinh có mặn mà?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO