13 năm trôi qua, 119 hộ dân ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) không được bố trí nguồn vốn để thực hiện tái định cư. Do nằm trong vùng dự án hồ chứa nước bản Mồng, phải thực hiện tái định cư nên người dân không dám tu sửa nhà cửa. Và trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, gần 100 lao động của địa phương đã phải bỏ lại mẹ già, con thơ đi mưu sinh, tìm việc tại các tỉnh ngoài để kiếm sống...
Nằm trong vùng phải di dời do “dính” dự án hồ chứa nước bản Mồng nhưng đã 13 năm trôi qua, 119 hộ dân ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) không được bố trí nguồn vốn để thực hiện tái định cư.
Khó trăm bề
Tháng 5/2009, Dự án Hồ chứa nước bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt tại Quyết định 1478, sau đó phê duyệt bổ sung vào tháng 6/2017. Công trình xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Lòng hồ rộng 25km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).
Từ sau khi được phê duyệt điều chỉnh quy mô (tháng 6/2017), nâng cao trình đập lên tới +78,9m, thì phần diện tích 702,6ha gồm toàn bộ không gian sinh sống và sản xuất của thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân sẽ bị ngập lụt, phải di dời.
Xét thấy tầm quan trọng từ công trình trọng điểm trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý phương án tái định cư (TĐC), di chuyển 119 hộ dân với 430 nhân khẩu của thôn Thanh Sơn đến nơi ở mới. Tuy nhiên, trong 13 năm qua, dự án TĐC không được rót vốn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 119 hộ dân thôn Thanh Sơn.
Theo trưởng thôn Hà Văn Giới, bà con ở Thanh Sơn phần lớn sống bằng nghề nông nghiệp, lao động sản xuất tự do. Nơi đây cách trung tâm xã Thanh Hòa tới 22km, bởi vậy, việc giao thương, buôn bán với bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa mưa, cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi thôn thường xuyên bị cô lập ngắn hạn do nước dâng cao. “Có năm, nước ngập đến nửa ngôi nhà, người dân phải chèo thuyền ra ngoài để mua thực phẩm. Do cách xa trung tâm khiến ngôi làng này cũng thiếu hụt thuốc men và sự chăm sóc của đội ngũ y tế cơ sở” - ông Giới nói.
Lực bất tòng tâm
Do nằm trong vùng dự án, phải thực hiện TĐC nên người dân Thanh Sơn không dám tu sửa nhà cửa. Gần 30 năm nay, gia đình ông Kim Văn Sơn (64 tuổi) sống trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp bởi đất đai không được cấp mới, nhà cửa không được xây dựng, cơi nới, không được tách hộ. Không có đất làm ăn, con trai ông đã cùng vợ ra Bắc Ninh xin đi làm công ty, để lại con gái nhỏ 9 tuổi cho ông bà. “Chúng tôi chỉ mong có nơi ở mới, có căn nhà mới chứ cứ ở đây, rồi sống qua từng ngày, nhìn quê hương cứ mãi nghèo đói, thực sự rất buồn” - ông Sơn rầu rĩ.
Không chỉ có gia đình ông Sơn mà đa phần các hộ dân ở Thanh Sơn đều đang trong hoàn cảnh tương tự. Trong 13 năm qua, có ít nhất gần 100 lao động của địa phương phải đi mưu sinh, tìm việc tại các tỉnh ngoài để kiếm sống.
Nhắc đến dự án TĐC cho 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, ông Đỗ Tất Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: “Thực sự là quá lâu rồi, bà con ở đấy phải chịu rất nhiều khó khăn. Chứng kiến những vất vả của bà con, chính quyền cấp xã, huyện cũng rất muốn làm gì đó. Nhưng ngặt nỗi là đầu tư làm đường, rồi nâng cấp điện, tu sửa trường học… sẽ tốn rất nhiều chi phí. Nhưng nếu làm xong, dùng được 1-2 năm, người dân chuyển sang khu TĐC bên xã Xuân Hòa thì sẽ bỏ không, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bởi vậy, dù rất muốn, chúng tôi cũng không làm khác được”.
Cuối năm 2021, quỹ đất khoảng 300ha thuộc thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân do Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa quản lý đã được đơn vị này đồng ý bàn giao để làm khu TĐC. Dự kiến, mỗi hộ dân sẽ được cấp 400m2 đất ở, 600m2 đất vườn liền kề và bình quân mỗi hộ sẽ nhận hơn 2ha đất sản xuất. Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân được biết: Hiện tại, huyện đã lập xong quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu TĐC.
“Theo như tôi được biết thì hiện Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2 (từ 2021 - 2025). Tuy nhiên, để chờ phê duyệt thì chắc chắn sẽ phải còn thẩm định rất lâu, và có khả năng, trong năm 2022 này chưa chắc đã bố trí được nguồn vốn để triển khai dự án. Trước tình hình đó, huyện cũng chủ động quy hoạch chi tiết khu TĐC trước, để sau khi vốn về sẽ triển khai làm luôn” - ông Tuất thông tin.
Dự án hồ chứa nước bản Mồng, giai đoạn 1 (2016 - 2020) có tổng mức đầu tư là 5.318,4 tỷ đồng (trong đó, hợp phần đền bù, di dân, TĐC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 360,7 tỷ đồng). Vốn đã bố trí từ khởi công đến hết năm 2020 là 3.496,4 tỷ đồng (trong đó, hợp phần đền bù, di dân, TĐC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 7,5 tỷ đồng). Giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT bố trí 1.822 tỷ đồng (trong đó hợp phần đền bù, di dân, tái định cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 353,2 tỷ đồng) để tập trung đầu tư hoàn thành dự án.