Có nhà văn đã từng nói: Đợi chờ là hạnh phúc, nhưng với ông Nguyễn Văn Hà thì héo mòn vì chờ đợi. Về hưu đã 6 năm nay nhưng ông vẫn chưa một lần được nhìn hình hài sổ hưu của mình ra sao vì công ty nợ tiền bảo hiểm.
Nhà nghèo không được đi học nên khi được vào làm công nhân tại một tổng công ty lớn ông rất hãnh diện. Tiền lương hàng tháng tuy không cao nhưng ổn định và quan trọng khi về già ông có lương hưu. Rồi khi chủ trương cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty được triển khai, Công ty ông làm việc thuộc diện cổ phần hóa. Hàng tháng ông không nhận được lương vào ngày nhất định nữa, thay vào đó là 3 tháng, 6 tháng rồi thậm chí cả 9 tháng mới được nhận lương. Và cái tên công ty ông làm việc lúc nào cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn của thành phố. Ngày về hưu, ông ngậm ngùi nhận bó hoa và lời hứa sẽ sớm chốt sổ BHXH cho ông.
“Kinh tế khó khăn, suy thoái nên công ty khó khăn…”, là câu trả lời ông nhận được từ người lãnh đạo mỗi khi lên Công ty hỏi sổ hưu. Kèm theo đó là một phong bì lúc thì 2 triệu, lúc thì 3 triệu. Về hưu ông đến cơ quan cũ để đòi quyền lợi của mình chứ không phải để… xin. Vì lòng tự trọng từ đó ông không lên hỏi sổ hưu nữa, ở nhà ông túc tắc ngày vá xe, đêm đi làm bảo vệ sống qua ngày. Khi Bộ luật Hình sự BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) bổ sung nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông đã mừng lắm. Nhưng sau gần 1,5 năm Luật có hiệu lực, tên công ty ông vẫn nằm trong danh sách “đen”, và giấc mơ sổ hưu của ông vẫn chưa thành hiện thực.
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Hà không còn là hiếm mà khá phổ biến khi mà tình trạng trốn đóng, nợ BHXH đã trở thành “căn bệnh” nan y. Người đứng đầu cơ quan BHXH Việt Nam Tống Thị Minh đã phải thốt lên: Nếu tình trạng nợ đọng này kéo dài thêm vài năm, có lẽ trụ sở của BHXH Việt Nam sẽ không còn chỗ để tiếp những người không có lương hưu tới kêu cứu vì doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn, phá sản.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nợ đọng BHXH ngày càng tăng và diễn ra ở hầu khắp tỉnh, thành, các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Tính đến hết tháng 2/2019, tổng số nợ phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỉ đồng, so với thời điểm cuối năm 2018 tăng 1.300 tỉ đồng. Đáng chú ý, những doanh nghiệp nợ với con số “khủng” trên 10 tỉ đồng tập trung phần lớn ở Hà Nội và TP.HCM là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, thu hút đông đảo lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Mặc dù theo Bộ luật Hình sự mức hình phạt cao nhất như chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Tuy nhiên đến nay dù cơ quan BHXH các địa phương đã chuyển nhiều hồ sơ lên nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện chưa có sự đồng nhất của các luật trên. “Trên thực tế có 4 đạo luật: Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo hiểm, Luật Công đoàn với cùng một vấn đề về khởi kiện nợ đọng BHXH nhưng lại có những quy định khác nhau” – ông Ngọ Duy Hiểu nói. Về phía cơ quan BHXH cũng cho biết, hiện nay các văn bản hướng dẫn chưa có, chưa rõ địa vị pháp lý của BHXH Việt Nam, của cơ quan BHXH các cấp trong quá trình tham gia các thủ tục tố tụng. Bên cạnh đó cũng chưa có văn bản hướng dẫn chung của cơ quan nhà nước về việc thực hiện. Trong khi đó Bộ luật Hình sự có rất nhiều khái niệm, hành vi, tình tiết cũng cần được thống nhất thực hiện.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến đối với các dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các tội liên quan đến bảo hiểm. Báo cáo của Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TANDTC cũng chỉ ra rằng việc bổ sung 3 tội danh trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy vậy, Bộ luật Hình sự 2015 vẫn còn nhiều quy định chỉ mới định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Dẫu là muộn nhưng hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành những khúc mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật sẽ được giải tỏa để từ đó những giấc mơ cầm sổ hưu của ông Hà và hàng chục nghìn người lao động sẽ sớm thành hiện thực.