Cây điên điển còn gọi là muồng rút, thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, có nhiều ở các tỉnh phía Nam và vùng Đồng Tháp Mười. Chính người dân nơi đây cũng không nhớ nổi hoa có từ bao giờ và nguồn gốc xuất xứ như thế nào. Chỉ biết rằng cứ mỗi khi con nước lớn về là điên điển lại vàng rộ khắp những cánh đồng. Bông điên điển đặc biệt ở chỗ vừa là hoa, vừa là thức ăn giúp cho nhiều bà con ở vùng lũ có cơ hội khai thác, cải thiện cuộc sống gia đình.
Men theo các con rạch, bờ kênh, những bông điên điển vàng rực rỡ nở rộ từng chùm, sắc vàng tươi nổi bật trên nền lá xanh. Ngày trước, điên điển rộ bông vào độ tháng 8, tháng 9, bắt đầu mùa nước nổi nhưng giờ đây điên điển có quanh năm ở miệt An Giang, Tiền Giang do bà con quanh những con rạch xâm xấp nước.
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, muốn hái bông điên điển nên hái vào buổi chiều vì lúc đó bông vừa mới hé nhụy, tươi ngon. Còn hái vào buổi sáng hoa nở ong bướm đã lấy mật không còn tinh túy nữa. Có rất nhiều món ăn ngon được các bà, các chị chế biến từ những bông hoa điên điển. Như gỏi điên điển, điên điển xào tôm, điên điển chấm cá kho lạt, chấm mắm kho, bông điên điển bún nước lèo, canh chua bông điên điển...
Và trong đó, ngon nhất, nhớ nhất với nhiều người có lẽ vẫn là nồi canh bông điên điển. Những bông điên điển sau khi hái xong, nhặt lựa bỏ những bông khô héo rồi ngâm với nước muối loãng độ 10 phút cho sạch, vớt ra để ráo. Để nấu canh chua bông điên điển ngoài bông điên điển cần có thêm vài cọng bông súng, bạc hà, me, rau thơm, ớt và cá bông lau, cá linh. Bắc lên bếp nồi canh cá, nêm tí muối, tí me, đun cho nước sôi bùng, nêm đủ gia vị rồi cho bông điên điển và giá đỗ xanh vào.
Bông điên điển rất ngon, vừa ngọt, vừa bùi, cá linh béo ngậy cùng với vị chua của me, vị cay nồng của ớt, bạc hà tạo nên một dư vị đậm đà, vừa ngọt, thơm hòa quện rất hấp dẫn, đúng vị miền Tây. Chả thế mà món ăn này vẫn được coi là đặc sản của vùng đất này.
Các bà, các chị cũng biết cách làm dưa muối từ bông điên điển, rồi gỏi điên điển, điên điển xào tôm thịt… Lạ là món nào cũng ăn cũng thấy ngon.
Còn theo đông y, bông, lá của cây điên điển có vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, nhuận trường, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp cảm sốt do phong nhiệt, mụn nhọt, táo bón, mất ngủ, ăn uống kém. Theo kinh nghiệm dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta dùng bông điên điển làm món ăn bổ dưỡng cho tim như sau:dùng bông điên điển bỏ cuốn, chưng cách thủy với đường phèn, mỗi ngày ăn 100 - 200g. Ăn liên tục trong nhiều ngày.