Báo cáo giám sát về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) công bố mới đây cho thấy, nợ đọng xây dựng NTM của 35/41 tỉnh thành 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Hồ Xuân Hùng- Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng, điều quan trọng cái được mà chương trình này đã mang lại cho người dân nông thôn nhiều hơn mất.
Giao thông nông thôn, một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Hồ Xuân Hùng chia sẻ, về khoản nợ trong xây dựng NTM, con số mới đây nhất mà ông vừa cập nhật là 46 tỉnh nợ với con số gần 11.000 tỷ đồng. “Khoản nợ này không phải là nhỏ, song tôi cho rằng, cần phải nhìn một cách khách quan hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chương trình NTM đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân ở khắp các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương các cấp các ngành đã vào cuộc hết sức nỗ lực, tôi cho đó là tinh thần cần phải tuyên dương, phải nhìn thấy điều đó. Đừng chỉ thấy con số nợ mà nhìn với ánh mắt thiếu thiện chí.
Trong dư luận xã hội, nhiều ý kiến đã rất ủng hộ, đồng thuận với chương trình vì từ đó đã làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng, địa phương khu vực nông thôn. Đời sống của người dân nông thôn cũng được nâng lên. Và từ khi chương trình này được triển khai, đã có cả sự tham gia, vào cuộc của người dân nông thôn. Cho đến thời điểm hiện nay, đã có 21,6% số xã đạt NTM. Đây là con số đáng khích lệ”.
Quay trở lại với khoản nợ gần 11.000 tỷ đồng trong xây dựng NTM, đó là con số không nhỏ. Song, người dân nông thôn vẫn được hưởng thụ từ chương trình này. Số nợ này không phải là nợ xấu ở ngân hàng hay doanh nghiệp nợ, phá sản không trả được. Nợ này vẫn có thể trả, chỉ là vấn đề thời gian. Quan trọng là, cái chúng ta được nhiều hơn cái chúng ta mất. Do đó, đừng vì mó nợ này mà có cái nhìn thiếu thiện chí với chương trình, với những người đã lao tâm khổ tứ dồn sức vào xây dựng NTM. Như vậy, thật oan cho họ.
PV:Ông có suy nghĩ gì khi dư luận cho rằng, các khoản nợ này là do các địa phương đã cố chạy theo thành tích, không đánh giá đúng năng lực hiện có nên mới dẫn đến nợ lớn, nợ khó trả, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Hùng.
Ông Hồ Xuân Hùng: Nói là chạy theo thành tích thì quá nặng. Đối với món nợ trong xây dựng NTM, tôi cho nguyên nhân chính ở đây là do thiếu cơ cấu nguồn lực. Để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ Trung ương xuống tỉnh, huyện, xã đều có nghị quyết các cấp nên các cấp cũng tổ chức làm rất quyết liệt. Khi duyệt chương trình, trong tổng nguồn vốn huy động, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 31,4%, trong khi đó cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách phải là 40%, như vậy là chúng ta còn thiếu đến 8,6% nguồn lực từ ngân sách.
Cộng với một số nguồn lực có nhưng còn giải ngân chậm... dẫn tới nợ đọng của các địa phương. Tôi có theo dõi giám sát một số địa phương cho thấy, nhiều địa phương chủ yếu nợ nhà máy xi măng, nợ doanh nghiệp (DN) triển khai thi công là chính. Và nếu chia bình quân số nợ cho tổng số xã trên toàn quốc thì mỗi xã nợ vào khoảng 1 tỷ đồng, đây là con số vẫn trong tầm kiểm soát, và các địa phương vẫn có khả năng trả nợ.
Thưa ông, tuy nhiên món nợ là không thể chia đều, vì có nơi nợ rất lớn, đến độ không thể chi trả? Điều đó được coi là họ đã “vung tay”quá mà không lượng sức mình?
- Bên cạnh những mặt được từ chương trình này, vẫn còn những “hạt sạn”. Báo cáo tại một số địa phương cho thấy, tình trạng nợ xây dựng NTM khá lớn, có xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh… nợ tới hơn 20 tỷ đồng, thậm chí, có xã nợ tới hơn 30 tỷ đồng. Số tiền này đối với những xã khó khăn là rất lớn. Họ xây dựng những cổng chào quá khoe mẽ, những nhà văn hóa, trường học, bệnh viện xây lên… rồi bỏ không.
Bởi họ không lượng được sức mình. Trong khi, sức dân huy động đã kiệt và đọng lại thành món nợ lớn. Rồi có thể kéo theo nhiều DN cũng chết oan. Vì hầu hết DN ở địa phương là DN nhỏ, họ đâu có dồi dào nguồn vốn, phải đi vay ngân hàng để xây dựng, và khi có vấn đề, nợ ngân hàng đổ lên đầu họ. Tôi cho rằng, đối với những trường hợp như vậy, cần phải xử lý rất nghiêm khắc. Cần phải làm rõ vai trò của các lãnh đạo mà chỉ đạo không hiệu quả, làm trường mà học sinh không học, làm chợ mà dân không họp thậm chí có những công trình kê khai khống. Nhất định không buông tay, phải mạnh tay với những trường hợp như vậy.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhắc lại, lợi ích mà chương trình xây dựng NTM mang lại lớn hơn nhiều so với những điểm “gợn” mà chúng ta đã chứng kiến. Bởi vậy, tôi cũng mong rằng dư luận cần bình tĩnh hơn, để không làm nhụt chí những người đang rất tâm huyết với chương trình này.
Nhưng dẫu sao thì món nợ NTM cũng là rất lớn, chỉ xét trên số tiền. Đúng là cần xử lý nghiêm với những trường hợp khuất tất, gian dối ảnh hưởng tới Chương trình mục tiêu quốc gia này. Theo ông, trong chặng đường tiếp theo cần phải làm gì để chương trình xây dựng NTM thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho bà con nông dân?
- Tôi muốn nhấn mạnh tới 3 trụ cột để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thành công: Một là hạ tầng nông thôn (đặc biệt là giao thông nông thôn), thứ hai là đưa khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất. Thứ ba là phải tổ chức tiêu thụ được sản phẩm cho nông dân. Bám vào 3 trụ cột này mới tạo được sự phát triển bền vững cho nông thôn, mới xây dựng thành công mục tiêu NTM.
Để làm được điều đó, tôi cho rằng chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về xây dựng NTM để tạo động lực cho chính quyền địa phương. Quan trọng là trong quá trình thực hiện dứt khoát phải minh bạch, tránh tình trạng đổ nợ, huy động quá nhiều trong dân. Việc gì rất bức xúc, cần làm thì làm trước, việc gì cần thư thả thì làm sau. Đừng quá “tham”, cái gì cũng muốn làm rồi dẫn đến không làm được cái gì đến nơi đến chốn gây ra nợ đọng. Chúng ta đã biết, hơn ai hết các đoàn thể, Hội Cựu chiếu binh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc là gần dân, hiểu dân hơn cả.
Họ chính là những người có vai trò quan trọng trong phong trào xây dựng NTM. Song, để các đoàn thể hoạt động tốt, cũng cần phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ. Cuối cùng là phải có chính sách thu hút DN vào xây dựng NTM, tập trung vào việc đầu tư sản xuất, đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn. Tất nhiên, để thu hút DN đầu tư vào nông thôn, Nhà nước cần có chính sách thu hút, ưu đãi rõ ràng.
Trân trọng cảm ơn ông!