Trong một xã hội bình thường, tất cả mọi người từ trẻ đến già, từ người nghèo đến người giầu ai ai cũng phải mong ngóng đợi chờ. “Mong ngóng đợi chờ” là một cụm từ rất kỳ lạ, nếu tách riêng từng từ ra như: mong, ngóng, đợi, chờ thì mỗi từ lại có một nghĩa rất đặc sắc. Nếu ghép 2 từ một như: mong đợi, ngóng chờ, đợi chờ, chờ đợi, mong ngóng, mong đợi, mong chờ, ngóng đợi... thì mỗi cụm từ lại có một nghĩa riêng. Đành phải dựa vào Từ điển tiếng Việt để tạm khu trú lại ý nghĩa của nó cho tập trung.
Theo Từ điển tiếng Việt, tại trang 572 thì: “Mong là: 1/ Ở trạng thái trông ngóng chờ đợi điều gì, việc gì sẽ xẩy ra. Thí dụ: Mong cho chóng đến Tết. Hạn hán mong mưa. “Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về” (Nguyễn Du). 2/ Có nguyện vọng rằng, ước muốn rằng (không có chủ ngữ). Thí dụ: Mong anh thông cảm. Mong được gặp lại. 3/ Có thể được hy vọng (không có chủ ngữ). Thí dụ: Phải nỗ lực nhiều mới mong có kết quả”.
Cũng theo Từ điển tiếng Việt, trang 622 thì: “Ngóng là trông chờ, mong đợi một cách bồn chồn không yên, thường biểu lộ qua thái độ, cử chỉ. Thí dụ: Ra ngõ ngóng con. Ngóng chờ bưu phẩm gửi tới”.
Ở trang 157 thì: “Chờ là ở trong trạng thái đang mong ngóng ai hoặc chờ cái gì sẽ tới, sẽ xảy ra. Thí dụ: Chờ khách, chờ tin. “Sông sâu cá lặn mất tăm/ Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ” (Nguyễn Du).
Mong ngóng đợi chờ trong văn chương:
Con người ta thường hay mơ tưởng hão huyền, cái nhu cầu thật thì ít nhưng lúc nào cũng mong chờ một cái gì đó to hơn, nhiều hơn, hóa ra lại thành không tưởng, không đạt tới được, đâm ra buồn bã, thất vọng. Nhà triết học người Thụy Sỹ Johann Caspar Lavater (1741–1801) đã đúc kết cái ham muốn, thèm khát của con người bao giờ cũng vượt quá cái nhu cầu thật, cái mong ước thông thường khi ông viết thành một danh ngôn để đời: “Những mong muốn thật sự của ta thì ít, nhưng cái mơ tưởng khát khao thì lại bao la quá” (How few our real wants and how vast our imaginary ones). Chính cái mơ tưởng viển vông, thiếu thực tế, hão huyền của con người làm người ta mất sức lực, mất tiền của, mất thì giờ mà chẳng đi đến đâu, lại quay về số “O” tròn trĩnh.
Nhà thơ Chế Lan Viên có một câu rất hay: “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
Vậy người tỉnh táo, người khôn ngoan nên “liệu cơm gắp mắm”, phải dựa vào sức mình, hoàn cảnh và khả năng có thật của mình mà lên kế hoạch, mà định liệu cho tương lai, cho công việc trước mắt sao cho hợp lý nhất, khả thi nhất.
Một thành ngữ cổ của Pháp rất dễ hiểu nhưng rất thực tế là: “Khi người ta muốn đi tắm, chẳng ai lại ra chỗ xay gạo làm gì” (Quand on veut allez au bains, on ne va pas au moulin). Ấy thế mà trên thực tế cuộc sống rất nhiều cuộc đời trở nên dang dở, trở nên ế ẩm, trở nên “quá đát” chỉ vì không phân biệt được chỗ nào để tắm và chỗ nào để xay gạo. Ấy thế mà trên thực tế cuộc sống đã có rất nhiều câu chuyện “bán bò đi tậu ễnh ương”, nhất là trong thời buổi ảo thực, thực ảo của công nghệ thông tin, của internet, của tình yêu ảo, nhà đất ảo, tương lai ảo, trí tuệ ảo, tài chính ảo, tài nguyên ảo, tài năng ảo. Vì thế, đối với những người sống hiền lành, lương thiện, suốt đời chỉ phấn đấu để có một công ăn việc làm ổn định, với một hạnh phúc đơn sơ, với một ước mơ nho nhỏ thì suốt đời suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió vì họ áp dụng đúng theo lời khuyên của những người Pháp cổ là: “Người ta chỉ đạt được nguyện vọng khi người ta có thể chứ không thể đạt được những gì người ta mong muốn” (Qui ne veut quand il peut, ne peut quand il veut). Câu ngạn ngữ này cũng gần giống với câu “lắm mối tối nằm không” để chỉ những ai có nhiều người làm mối quá, nhiều người theo đuổi quá, nên phải kén chọn để tìm “người lý tưởng” nhưng chẳng thấy đâu, nên mãi cũng không lấy được vợ, không lấy được chồng.
Bàn về “mong ngóng đợi chờ” thì có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, luồng tương đối phổ biến là yên phận, chí thú làm ăn, năng nhặt chặt bị, mèo nhỏ bắt chuột con, liệu cơm gắp mắm, ăn trông nồi ngồi trông hướng, không mơ tưởng hão huyền, không a dua theo người khác để đuổi theo một đám sương khói ảo ảnh xa mịt mờ. Đó chính là tư tưởng chỉ đạo của nhà triết học La Boulaye: “Kẻ nào không mơ ước hão huyền thì luôn được thênh thang” (He who desires naught will always be free). Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo của nhà triết học cổ đại Terentius (năm 190 đến năm 159 trước Công nguyên) khi ông viết thành một danh ngôn để lại cho nhân loại hàng ngàn năm sau một hướng đi đúng đắn, thiết thực trong cuộc sống nhân sinh: “Vì không thể làm những gì anh ao ước, anh nên ao ước những gì anh có thể làm” (As you cannot do what you wish, you should wish what you can do). Mãi mãi biết ơn Terentius vì ông đã tháo gỡ bế tắc cho con người trong cái vòng xoắn luẩn quẩn “mong ngóng đợi chờ” để có một lối ra, để có một hướng đi nhẹ nhàng thanh thản cho cuộc sống vốn đã rất nhiều vất vả gian nan.
Mong ngóng đợi chờ trong cuộc sống đời thường:
- Xuân và Na yêu nhau từ hồi học phổ thông. Vì hoàn cảnh gia đình Xuân ở lại quê làm nông nghiệp, còn Na đi học Đại học ở Hà Nội. Na khuyên Xuân đừng vội vàng nghĩ đến chuyện cưới xin, phải biết kiên trì đợi chờ, khi Na tốt nghiệp xong, có công ăn việc làm ổn định cưới nhau cũng có gì là muộn. Thế là hàng tháng Xuân vẫn gửi tiền cho Na chi tiêu, học hành, vẫn kiên trì “trồng cây đợi đến ngày ăn quả”. Trong bốn năm học Đại học, Na đã thông tỏ mọi ngõ ngách của cuộc sống thành phố, đã học được cách ăn chơi đua đòi, đã học được cách sống gấp của thời đại Công nghệ, của một xã hội tiêu thụ. Những năm cuối, Na cố tình tránh mặt Xuân và cũng chẳng cần mấy đồng bạc chắt bóp của mối tình quê nghèo khổ. Na đã có đại gia bao. Chẳng cần đợi tốt nghiệp, Na đã nhận lời đại gia làm đám cưới và làm chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp phân phối cho một vùng dân cư rộng lớn. Ở quê nhà, sau khi biết Na đã lấy chồng, Xuân đã xây dựng gia đình với một cô xã viên, yên lòng chăm lo sản xuất. Thời gian cứ trôi đi. Một buổi chiều muộn, người ta thấy Na ăn mặc lôi thôi, tay dắt một đứa trẻ đi nhanh về nhà bố mẹ đẻ. Thì ra, đại gia chồng Na buôn bán vật tư giả, kém chất lượng lại trốn thuế đã phải đi tù, gia sản bị tịch thu, mẹ con Na trở nên trắng tay, đành phải về quê ăn bám bố mẹ.
Ai biết câu chuyện Xuân và Na cũng đều mừng thầm cho Xuân, may mà cái “mong ngóng đợi chờ” của anh đã thất bại, chứ nếu thành công thì chưa biết cuộc đời anh bây giờ sẽ ra sao? Bạn bè trong thôn, trong xóm cũng thì thào với nhau: “Cứ nhìn cái gương Xuân và Na, thôi ta cứ làm nông nghiệp chỉ cốt cần cù, chịu khó vẫn có tương lai, vẫn có hạnh phúc, chứ “cuộc thí nghiệm tuổi xuân” của Na cho các ảo tưởng hão huyền, muốn giầu nhanh mà làm ăn bất chính thì ắt phải gánh lấy hậu quả đau đớn”. Đó là “quy luật nhân quả” rất khoa học và rất đời thường!
- Trong một cuộc thi “hoa hậu” cấp thành phố, đến phần thi ứng xử, giám khảo nêu câu hỏi: “Em có mong muốn đợi chờ gì cho tương lai? ”. Thí sinh đáp: “Em muốn luôn luôn xinh đẹp để hấp dẫn mọi người”. Giám khảo lại hỏi: “Giữa sắc đẹp và đạo đức, nết na thì em chọn cái nào? “. Trả lời: “Em chọn sắc đẹp, vì sắc đẹp là trời cho mới được, còn đạo đức thì có thể học hỏi được, rèn luyện được”. Lại hỏi: “Em có nhận xét gì về câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” của các cụ ta để lại?” . Trả lời: “Em thấy câu này không đúng, vì cái đẹp có tội gì đâu mà đánh chết nó”. Những người có học thức và có giáo dục ngồi dự cuộc thi đều lặng lẽ trầm ngâm !
- Tại buổi liên hoan mừng các em học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học ở một trường nọ, người ta tổ chức cuộc thi “Đố vui có thưởng”. Giám khảo đưa ra câu hỏi: “Sau này em mong ước được làm việc gì?”. Có nhiều câu trả lời: Bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... Nhưng kỳ quặc nhất, gây chú ý nhiều nhất là câu trả lời: “Em muốn làm bất cứ nghề gì miễn là có thể kiếm được nhiều tiền”. Những người ngồi dưới có người vỗ tay tán thưởng, nhưng các thầy cô và nhiều phụ huynh học sinh im lặng, buồn bã!
Thì ra “mong ngóng đợi chờ” cũng như bữa cơm hàng ngày, nếu chỉ có những bữa cơm đạm bạc chủ yếu là rau dưa thì lâu bền vững chắc, nuôi sống con người hàng vạn năm nay. Còn nếu thêm nhiều cá, nhiều thịt thì cũng nên thận trọng, vì có người bị hóc xương cá, bị hóc xương gà, gây đau đớn khốn khổ, có khi còn thiệt đến thân!