Một bác sĩ sản khoa tài hoa

Tâm Như 11/02/2016 09:48

Xuân này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến bước vào tuổi 56, không sợi tóc bạc, gương mặt ngời sáng, giọng nói nhỏ nhẹ, vui vẻ nhưng ít nói về mình. Ông nặng gánh quản lý nhưng không nghỉ việc chuyên môn. Càng cống hiến càng yêu nghề, tận tụy với công việc và sống vì nó như một định mệnh - một bác sĩ sản khoa tài hoa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.

Mỗi ca mổ như một tác phẩm nghệ thuật

Chiều cuối năm, bước ra từ phòng mổ sau ca nội soi phức tạp, GS.BS Nguyễn Viết Tiến trở về căn phòng làm việc quen thuộc trên tầng 4 khu nhà E thoáng chút mệt mỏi. Giản dị trong chiếc áo blu trắng, giọng nói và cử chỉ điềm đạm, từng việc một ông giải quyết nhanh chóng và ổn thỏa với đối tác, đồng nghiệp và nhiều bệnh nhân – những người đã đợi ông khá lâu trước cửa phòng. Nhiều năm trước gặp ông trong khung cảnh ấy, tôi đã tự hỏi có hay không sự tận tình của ông khi đã chứng kiến quá nhân viên y tế cau có, thản nhiên đến vô tâm trước nỗi đau của người bệnh?

Băn khoăn ấy lần nữa lại khơi lên tối nay khi ngồi chờ ông bên hành lang bệnh viện hun hút gió lạnh. Ngoài cánh cổng sắt im lìm kia, phố Tràng Thi đang náo nhiệt dòng người, trong này tôi bị ám ảnh bởi những bước đi hối hả của y bác sĩ, nỗi đau đớn đến vật vã và cả niềm cả hân hoan trên gương mặt các sản phụ. BS Tiến mổ sắp xong rồi, trước đây ông ấy mổ 6-7 ca /ngày, nay thì khoảng 1-2 ca, một nữ bác sỹ vui vẻ trò chuyện giúp tôi bớt nóng lòng.

Kỳ lạ, dù đã có đến nhiệm kỳ thứ hai trong vai Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng hỏi về ông, từ nhân viên đến y tá, bác sĩ và đặc biệt là bệnh nhân, đều yêu mến, thân mật gọi ông là bác sĩ Tiến. Họ thấy ông gần lắm, hàng ngày vị thứ trưởng vẫn cùng y bác sĩ hội chẩn, cùng mổ, chăm sóc bệnh nhân và hiếm khi rời bệnh viện trước khi màn đêm buông xuống.

Làm thế nào để không mang theo mệt mỏi, căng thẳng và những áp lực công việc, lo toan gia đình vào phòng mổ? là câu hỏi mà tôi và nhiều đồng nghiệp từng hỏi ông. Vẫn nụ cười nhẹ tênh, chân thành và cởi mở, ông bảo: Khi làm việc gì thì đặt mình vào đúng vai đó. Trong phòng mổ tôi là kỹ thuật viên chứ không phải thứ trưởng và tính mạng bệnh nhận là điều quan trọng nhất.

Cũng như những bác sĩ khác khi bước vào phòng mổ mổ, đứng trước ca mổ dù đơn thuần hay phức tạp tôi học cách tập trung cao độ và giữ cho cái đầu thật tỉnh táo, tác phong ấy phải rèn rũa hàng ngày. Khi cầm dao mổ đôi bàn tay dù khéo léo và tài tình đến mấy mà tinh thần không tập trung thì hậu quả khôn lường. Chính vì thế ông tự nhắc mình và đồng nghiệp luôn cẩn trọng và tỉnh táo. Với người bác sĩ thì sinh mạng, niềm tin của người bệnh nằm trong tay họ. Lớn hơn nữa là đạo đức làm người.

Theo GS Tiến, làm ngành y cũng giống như nhiều nghề nghiệp khác thiếu đam mê thì không giỏi được. Mỗi ca mổ đều được ông xem như một tác phẩm nghệ thuật gắn với tên tuổi mình.

Giữ lửa và truyền cảm hứng

Là một trong số ít bác sĩ gắn bó với Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay từ khi ra trường, hơn 30 năm trong nghề với gần 10 năm giữ cương vị giám đốc bệnh viện, là thứ trưởng phụ trách nhiều mảng việc quan trọng, lại trực tiếp là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Chủ tịch Hội sản phụ khoa Việt Nam... có thể nói ông là người thành danh. Cũng bởi mang trên vai nhiều trọng trách, GS Tiến luôn cảm thấy thiếu thời gian cho cả công việc và gia đình.

Bao năm rồi vẫn thế, thứ bảy, chủ nhật với ông không phải là ngày nghỉ, đó là cơ hội để ông đi đến những vùng sâu, vùng xa mở thêm các mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ nghèo, hướng dẫn, chia sẻ với đồng nghiệp kinh nghiệm chăm sóc người bệnh và hỗ trợ kịp thời những ca sinh nở phức tạp... Cả cuộc đời hiến dâng cho ngành sản, ông cùng đồng nghiệp góp phần nâng cao chất lượng dân số người Việt- điều mà nhiều năm qua Chính phủ vẫn đang nỗ lực không ngừng.

Điều trăn trở nhất với ông hiện nay, theo GS Nguyễn Viết Tiến, Việt Nam có khoảng 14-15 % cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh. Từ khi mới thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản, 16 năm nay, ông không nhớ đã khám và chữa cho bao nhiêu trường hợp vô sinh nhưng ông mừng là tỉ lệ thành công đã đạt khoảng 50-60%, tỉ lệ đa thai cũng giảm đi đáng kể.

Mỗi ngày, GS Tiến dành nhiều thời gian trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, bệnh án của tất cả người chữa vô sinh. Người ta truyền tai nhau những bệnh nhân được ông chữa chạy hầu hết đều có kết quả khả quan. Vì thế họ tin tưởng ông như tin vào sự màu nhiệm, gặp được ông có nghĩa là còn hy vọng. Họ bấu víu vào niềm hy vọng ấy với lòng tin tuyệt đối dù khả năng thành công dẫu biết còn mong manh. Nhiều người đã thật lòng thổ lộ với ông nỗi khát khao cháy bỏng khiến ông có cảm giác như người mắc nợ. Nợ những niềm tin, nợ sự trông cậy.

Đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc ông băn khoăn, day dứt, làm gì đây để giúp cho những cặp vợ chồng mang ước vọng sinh con tần ngần khóc trước khoản kinh phí 40-50 triệu đồng/ lần thụ tinh ống nghiệm? Khát khao có con của người giàu và người nghèo không khác nhau, họ chỉ không nhau hoàn cảnh. Ông cứ day dứt, thương cảm và từng nhiều lần đề xuất Bảo hiểm Y tế nghiên cứu đưa những đối tượng này vào diện chi trả bảo hiểm.

Sự nghiệp nào cũng cần người khởi xướng, giữ lửa và truyền ánh sáng. Ông được cho là người lãnh xứ mệnh ấy trong lĩnh vực chữa hiếm muộn ở Việt Nam. Mong muốn đem lại niềm vui cho mọi gia đình, ông không chỉ dành thời gian tìm hiều công nghệ, nâng cao kỹ thuật cấy phôi, bảo quản phôi lạnh để người bệnh chỉ cần lấy trứng một lần có thể sinh con nhiều lần, giảm tối đa chi phí chữa chạy…mà còn tận tâm đào tạo đội ngũ kế cận tâm huyết với nghề. Trong đó, con trai ông cũng theo nghề cha, thừa hưởng ở ông tài năng và sự đức độ.

Tài năng nghề nghiệp đi liền bản lĩnh cuộc sống

Trực tiếp làm việc ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản, giúp nhiều bệnh nhân, ông nhận được vô số cách trả ơn. Ông bảo tiền quý thật song tình người làm sao mua được. Thương lắm sự ngơ ngác đến ngờ nghệch của những bệnh nhận ở các vùng quê. Họ thiếu thốn nhiều thứ nhưng hơn chúng ta ở sự chân thành.

Ông trân trọng những bệnh nhân đến tạ ơn mà không nói thành lời, chỉ có những giọt nước mắt đầy vơi. Có những người bệnh sẵn sàng chờ ông rất lâu trước cửa phòng với cân chè, quả trứng hay yến gạo thấm đượm mồ hôi và nước mắt của người quê nghèo chất phác. Với ông, đó là hạnh phúc, là niềm tin và động lực để không ngừng cống hiến. Ông cũng không buồn vì có kẻ qua sông quên người chở đò. Với ông cuộc sống phải biết cho đi mà không mong nhận lại.

Hỏi về những tiêu cực trong ngành y tế mà dư luận phản ánh, ở vị trí của người quản lý, ông xác nhận vẫn có nhiều nhân viên y tế ứng xử thiếu trách nhiệm khiến người dân chưa yên tâm, tin tưởng. Thậm chí, còn cửa quyền, hách dịch, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn cho bệnh nhân và gia đình họ. Còn nhiều lắm những cán bộ y tế bê trễ công việc, làng nhàng nghiệp vụ. Vẫn bác sĩ ấy nhưng hết giờ ở bệnh viện công ra phòng khám tư thì thái độ khác nhau một trời một vực…

Những tồn tại này, ông đã và sẽ giải quyết từng sự vụ bằng quy chế của ngành và bởi chính sự nghiêm cẩn của bản thân. Theo ông, ở bệnh viện nào cũng thế, bác sĩ không được phép biện bạch cho tình trạng quá đông bệnh nhân mà khám chữa bệnh qua loa, hời hợt hay cáu gắt với người bệnh.

Quyền lực và tiền bạc có sức cuốn hút rất ghê gớm. Nhưng tài nghệ và y đức mới là điều ông hướng tới. Vì thế dù bận bịu, căng thẳng đến đâu, ông cũng chưa bao giờ lớn tiếng hay đưa ra những mức kỷ luật mang tính áp đặt với cấp dưới. Theo ông thì gây áp lực với nhân viên có thể làm họ ngại nhưng họ không nể và tôn trọng mình, như thế là phản tác dụng. Tuyệt đối không thỏa hiệp với sai phạm và hướng cho nhân viên cùng với mình nỗ lực “học cái dốt và làm cái giỏi” là đâu sẽ vào đó – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến bật mí chia sẻ kinh nghiệm quản lý.

Một kinh nghiệm giản đơn là thế mà không phải vị lãnh đạo nào cũng làm được. Như ông nói, nghề gì cũng cần sự nỗ lực vì bất kể ai cũng đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp để đi lên.

Nhắc đến tài đức của ông, cán bộ, nhân viên và bệnh nhân đều ngưỡng mộ gọi ông là Giáo sư của nhân dân.

Đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc ông băn khoăn, day dứt, làm gì đây để giúp cho những cặp vợ chồng mang ước vọng sinh con tần ngần khóc trước khoản kinh phí 40-50 triệu đồng/ lần thụ tinh ống nghiệm? Khát khao có con của người giàu và người nghèo không khác nhau, họ chỉ không nhau hoàn cảnh. Ông cứ day dứt, thương cảm và từng nhiều lần đề xuất ngành Bảo hiểm Y tế nghiên cứu đưa những đối tượng này vào diện chi trả bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một bác sĩ sản khoa tài hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO