Một ngày nắng nóng cuối tháng tư, sau cuộc hẹn qua điện thoại, Hồ Quang Lợi đem đến cho tôi tập bản thảo khá dày, gần 300 trang khổ giấy A4. Tôi muốn nói lời chúc mừng Hồ Quang Lợi về một cuốn sách mới sắp ra đời.
Tôi biết Hồ Quang Lợi khá sớm. Đơn giản, vì những bài báo mang bút danh Quang Lợi xuất hiện thường xuyên trên tờ Quân đội Nhân dân đã gây chú ý chẳng phải với riêng tôi mà với đông đảo bạn đọc cả nước từ lâu.
Hơn hai chục năm làm việc ở Ban Tuyên giáo Trung ương, sau này là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nhất là khi tôi được phân công phụ trách mảng báo chí - xuất bản, tôi thường xuyên đọc những bài anh viết. Từ ngày ấy, tôi đã rất thích và nể phục Hồ Quang Lợi, một cây viết rất có nghề và có tầm. Nhưng nói biết là qua văn chương chữ nghĩa, qua bút danh, chứ nào đã biết người. Sau này, khi anh lên tới chức Phó Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân thì thi thoảng tôi có gặp ở những sự kiện báo chí. Mến mộ một cây viết sắc sảo, tài năng, vừa có nhãn quan, tầm nhìn, tôi đã giới thiệu anh với một số đồng chí lãnh đạo để đưa anh về làm công tác quản lý, chỉ đạo báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương. Dường như cái duyên làm công tác quản lý chưa tới với anh. Chẳng hiểu điều đó nên vui hay không, bởi biết đâu sớm vướng bận vào công việc quản lý, lãnh đạo thì hôm nay chắc gì anh đã thêm một cuốn sách dày dặn và hấp dẫn thế này.
Mọi người đều biết Quang Lợi là cây bút chủ lực trên tờ Quân đội Nhân dân chuyên viết bình luận quốc tế. Ngoài ra anh còn ký những bút danh khác trên nhiều tờ báo. Từ lâu anh đã được bạn đọc dành cho rất nhiều sự yêu mến. Đồng nghiệp cũng coi anh là cây bút trẻ, đầy triển vọng. Ảnh hường, sức hấp dẫn từ những bài báo của anh được nhiều người so với những cây bút chính luận, bình luận quốc tế rất có uy tín ngày ấy, như Lê Bình, Quang Đạm, Nguyễn Hữu Chỉnh trên tờ Nhân Dân và một số cây viết bình luận quốc tế trên các báo khác. Các bài viết ký tên Quang Lợi, từ đặt “tít”, nội dung, lập luận, chính kiến, định hướng tư tưởng đến văn phong sớm định hình một phong cách, một bút pháp khó lẫn với ai. Đọc anh, mọi người đều có chung cảm nhận về năng lực tư duy sắc bén, khoa học, một bút lực dồi dào, cuốn hút. Bình luận về các vấn đề thời sự luôn luôn là những cuộc vật lộn cân não, là sự thách thức nhọc nhằn đối với người cầm bút. Vừa bị câu thúc về thời gian, vừa là những đòi hỏi cao của độc giả về năng lực tư duy, phân tích, về đánh giá, dự báo diễn biến của sự kiện. Thế mà mỗi khi những bài báo ký tên Quang Lợi lên trang, người đọc dường như luôn cảm thấy một sự sảng khoái như vừa được thưởng thức món ăn mà mình đang ao ước được chính tay một đầu bếp tài hoa chuẩn bị. Rất nhiều bài viết của anh bây giờ đọc lại, tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng.
Trong đội ngũ những người làm báo, Hồ Quang Lợi là người sớm nổi tiếng. Mặc dù với nếp nghĩ truyền thống, khi nói sự nổi tiếng về nghề của một ai đó rất hiếm khi chúng ta suy tôn người trẻ. Hầu như các danh hiệu tôn vinh, kể cả đến bây giờ, đều luôn luôn mang dáng dấp của sự “kính lão đắc thọ”. Một nghệ sĩ hát rất hay, múa rất đẹp, thường chỉ được tôn vinh, được nhận những danh hiệu phong tặng khi đã về già. Dẫu ai cũng biết làm như thế là trái với sự tổng kết vô cùng chí lý trong dân gian: “Thầy già, con hát trẻ”. Với Hồ Quang Lợi, có lẽ không phải chờ đến bây giờ, khi anh đã gần 40 năm tuổi nghề, hơn 60 năm tuổi đời, mọi người mới gọi anh là một nhà báo nổi tiếng. Một cây bút từ lâu đã lựa chọn cho mình một thể loại bài không hề dễ dàng, chuyên viết bình luận, chính luận; đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, toàn quốc; là Phó Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân; Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam... Có lẽ nhiều người không nhớ và cũng không biết đến những chức danh lãnh đạo của anh, nhưng nói đến nhà báo Hồ Quang Lợi thì chẳng mấy ai lại không biết. Tôi nghĩ, với những người lao động bằng nghề cầm bút, thì đó là niềm vui, là vinh dự lớn lao nhất. Và tôi dám chắc, những người có tiền rừng bạc biển, chức trọng quyền cao, dẫu muốn đổi, muốn mua cũng không được.
Nhà báo Hồ Quang Lợi trong buổi giới thiệu sách “Thế sự và mắt nhìn”.
Trở lại với tập bản thảo mà anh đưa cho tôi. Nội dung ấy, cung cách đặt tên sách ấy, đích thị là Hồ Quang Lợi. “Cái “tạng”, cái tầm và mối quan tâm bao trùm trong hầu hết các bài viết của anh lâu nay luôn luôn là những vấn đề thời cuộc và văn hóa. Cả hai chủ đề ấy đều là sở trường và thế mạnh ở anh.
Biết tôi là người cũng có viết về văn hóa, từng làm công việc quản lý, chỉ đạo trên lĩnh vực này, nên anh muốn tôi đọc tập bản thảo của anh và viết đôi lời giới thiệu.
Người ta thường nói, văn là người. Tôi đã đọc văn Hồ Quang Lợi từ lâu. Lại thêm còn quen biết anh, hơn tám năm làm việc ở Thủ đô, là Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội. Khi tổ chức điều động anh thôi Tổng Biên tập báo để làm Trưởng ban Tuyên giáo, tôi đã động viện: “Tới đây làm Trưởng ban Tuyên giáo nhưng ông đừng bỏ nghề báo chí nhé”. Tôi nói với anh thế là rất thực lòng. Và cũng có phần suy bụng ta ra bụng người. Trong quá trình làm việc, dù bận bịu đến đâu tôi cũng luôn dành thời gian để viết báo. Và quả nhiên, Hồ Quang Lợi dù đi đâu, làm gì, anh vẫn luôn là người yêu nghề và giỏi nghề báo.
Tập bản thảo mà tôi đã đọc trong những ngày nắng nôi tràn ngập các sự kiện trong nước và thế giới trải suốt mấy chục năm. Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được đề cập trong các bài báo Hồ Quang Lợi luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá khứ, mà còn bao quát hiện tại và dự báo cho tương lại. Cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới của Hồ Quang Lợi luôn luôn đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện chứng giữa lý trí, tư duy chính trị và tính nhân văn, văn hóa bắt nguồn từ tài năng và cái tâm của người cầm bút.
Nhà báo Hồ Quang Lợi ký tặng sách “Nước Nga- Hành trình tới tương lại” cho độc giả.
Ai đó đã nói, nhà văn, nhà báo là những thư ký của thời đại, Hồ Quang Lợi là một thư ký chuyên cần và xuất sắc của THỜI CUỘC VÀ VĂN HÓA, một tập hợp 54 bài báo, tuyển chọn theo chủ đề, được viết trong khoảng thời gian trên 20 năm, sẽ ra mắt bạn đọc. Những bài viết hôm nay đọc lại vẫn như còn nguyên hơi thở nóng hổi của thời cuộc.
Tôi tin cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc rất nhiều khám phá và bổ ích.
Xin chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi!
Hà Nội, ngày 30/4/2019