Từ khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố phát hiện virus lạ gây bệnh viêm phổi tại khu chợ hải sản ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Việt Nam lập tức vào cuộc ngăn chặn, phong tỏa, dập dịch. Đến nay sau hơn 100 ngày đêm, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Đó là thành công lớn không dễ gì quốc gia nào có được, trong khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên phạm vi toàn thế giới.
Kiểm soát chặt chẽ ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ảnh: Quang Vinh.
16 ca bệnh đầu tiên
Ổ dịch tại Việt Nam trong giai đoạn đầu của cuộc chiến được bắt nguồn từ 6 bệnh nhân là nhân viên của Công ty TNHH Nihon Plast được cử sang tập huấn tại Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 11/2019 và trở về Việt Nam ngày 17/1. Trong số các bệnh nhân nói trên, bệnh nhân số 5 (BN5) sau khi trở về quê quán tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã lây nhiễm SARS-CoV-2 cho 5 người tiếp xúc gần.
Ngay từ khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2, những biện pháp quyết liệt đã được thực thi.
Ngày 24/1, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã được kích hoạt bằng Quyết định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Tới ngày 6/2, học sinh trên cả nước được nghỉ học để ứng phó với dịch bệnh. Ngày 12/2, biện pháp phòng chống dịch bệnh mạnh mẽ nhất đã được thực hiện, đó là quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với 2.797 hộ, 10.645 nhân khẩu.
Giai đoạn thứ 1 của cuộc chiến phòng chống Covid-19 tại nước ta được khép lại bằng Quyết định dỡ bỏ phong toả xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vào lúc 0h ngày 4/3/2020, sau 21 ngày thực hiện phong toả cách ly mà không có ca mắc Covid-19 mới. Cũng trong những ngày này, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Đồng thời, toàn bộ 16 ca mắc Covid-19 trong giai đoạn này đều khỏi bệnh.
Những ca bệnh từ nước ngoài
Sau khi phát hiện và công bố ca nhiễm thứ 17 (BN17) vào đêm 6/3, đất nước chính thức bước vào giai đoạn thứ 2 của cuộc chiến chống Covid-19.
BN17 trở về nước từ Anh trên chuyến bay VN0054, 20 hành khách khác trên chuyến bay này cũng dương tính với SARS-CoV-2, đồng thời, BN17 cũng lây nhiễm cho 3 người tiếp xúc gần. Ngày 10/3, tại Bình Thuận, ghi nhận BN34 trở về từ Mỹ mắc Covid-19. Bệnh nhân này là nguồn lây cho 11 bệnh nhân khác. Tới ngày 19/3, nước ta ghi nhận 68 ca bệnh mới mắc Covid-19, trong đó 59 ca bệnh trở về từ nước ngoài.
Trong khoảng thời gian này, Việt Nam vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 trên nguyên tắc phát hiện nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để. Ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chiều 19/3, Vietnam Airlines thông báo tạm dừng tất cả đường bay quốc tế. Đến ngày 21/3, Thủ tướng tiếp tục quyết định tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài, đồng thời, mọi trường hợp nhập cảnh đều được cách ly tập trung 14 ngày.
Mất dấu F0
Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố BN86 và BN87 đều là điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai. Cùng ngày, BN91 là phi công của Vietnam Airlines được Bộ Y tế công bố.
3 bệnh nhân nói trên mở đầu cho giai đoạn thứ 3 của cuộc chiến chống Covid-19 tại nước ta, đây là giai đoạn nguy cơ cao dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và không thể truy vết bệnh nhân F0, bởi lẽ, 2 ổ dịch lớn trong giai đoạn này là Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh) đều có số lượng người liên quan rất lớn.
Bên cạnh Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha, giai đoạn 3 của cuộc chiến cũng ghi nhận ổ dịch mới như thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Hà Nội. Ổ dịch này được khởi nguồn từ BN243 và đã lây nhiễm cho nhiều người tại thôn Hạ Lôi khiến TP Hà Nội ra quyết định cách ly với thôn này.
Trong giai đoạn này, những biện pháp phòng chống dịch cấp bách, kịp thời đã được đưa ra một cách nhanh chóng và được quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc từ Trung ương tới địa phương.
Ngày 27/3/2020, để kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, yêu cầu hạn chế tụ tập đông người
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Đồng thời, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Nguyên tắc phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn 3 được Việt Nam áp dụng là phát huy mạnh mẽ phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch). Đây là chiến lược không thay đổi.
Kiểm soát dịch bệnh - chung sống an toàn
Nhận định về tình hình dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.
Với nhận định đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người. Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương Tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
“Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục thực hiện thật nghiêm, thật tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch.
Đồng thời, Phó Thủ tướng nhận định, vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, tuyệt đối không được chủ quan.
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân.
Theo ông, chúng ta dễ nhận thấy trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua, bên cạnh những vất vả trong công tác phòng, chống dịch, nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra và mang lại những hiệu quả và cả những giá trị rất đáng trân trọng. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau… đã được khơi dậy, nhân lên. Đó là hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế, và đặc biệt dù còn nghèo Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những gói hỗ trợ của Nhà nước cần tiếp tục khơi dậy và nhân lên mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái.
Đặc biệt, chúng ta cần thúc đẩy những thay đổi tích cực đã nhận ra từ lâu nhưng trong điều kiện dịch bệnh thì đã thay đổi nhanh hơn, tích cực hơn.
Muốn chung sống an toàn với dịch Covid-19, cần phải hiểu về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2. Rất dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt.