Một chữ cũng là thầy

Trần Hữu Thăng 20/11/2021 10:26

Những ai có may mắn được học hay được đọc hai cuốn sách giáo khoa sớm nhất ở nước ta được xuất bản lần đầu cách đây gần 100 năm đều tự hào và sung sướng.

Đó là hai cuốn “Luân lý giáo khoa thư” và “Quốc văn giáo khoa thư” do các học giả hàng đầu của nước ta thời đó biên soạn. Cả hai cuốn sách không dầy nhưng gần như dạy đầy đủ các kỹ năng cần thiết nhất để học làm người. Mỗi chủ đề chỉ có 2 trang, bao gồm 5 phần: Phần một là lý thuyết ngắn gọn xúc tích, phần hai là giải nghĩa các điển tích và chữ khó để người học dễ hiểu, phần ba là các câu hỏi gợi ý để đào sâu bài học, phần bốn là một thí dụ rất đời thường mà ta gặp hàng ngày và phần năm là phần kết luận bằng một câu danh ngôn hoặc ca dao, tục ngữ mà ta phải nhớ suốt đời. Cách đây 100 năm mà cách trình bày sách giáo khoa đã rất gọn ghẽ, sáng sủa, dễ hiểu, dễ thấm, dễ nhớ như thế thật đáng khâm phục.

Bài viết này xin nhắc đến một chủ đề cực kỳ quan trọng cho những ai đã từng đi học, đã từng là học trò, đó là lòng biết ơn đến các thầy các cô giáo. Tại sao phải biết ơn thầy, cô giáo? Vì như một câu ca dao rất bình dân của ông bà ta đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”! Như thế, bất kỳ làm việc gì cũng phải có người dạy, người bảo ban, người chỉ dẫn, người hướng dẫn.

Trong một cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, người ta đã kể lại một câu chuyện như sau: Một lần ở một trường Tiểu học kia được lệnh làm vệ sinh, chuẩn bị ngăn nắp các lớp học, học trò phải mặc quần áo chỉnh tề để đón tiếp một nhân vật quan trọng đến thăm trường. Vị khách hôm đó là một vị Tướng nổi tiếng tài ba của đất nước. Ông Tướng cẩn thận bước vào lớp 2B, là nơi ông đã học cách đây hơn 30 năm. Thầy giáo Albert đã già rồi, gần 60 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh và vẫn đang đứng lớp. Vị Tướng bước vào lớp và vội ôm lấy thầy, cảm động nước mắt dàn dụa. Cả lớp cũng xúc động, nhiều em học sinh đã khóc. Vị Tướng đứng giữa lớp, cúi chào cả lớp rồi ôn tồn nói: “Tôi là học trò lớp 2B này cách đây hơn 30 năm, nay được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng là vì tôi nhớ tới và làm theo lời dạy của thầy Albert lúc đó. Thầy đã nhắc cho tất cả biết bao thế hệ học trò câu nói bất hủ của Đại văn hào Jules Michelet là: “Cái điều mà mọi trẻ em phải học trước nhất, đó là phải biết yêu Tổ quốc mình và biết yêu bà mẹ của mình”. Nay tôi là anh lớn của các em, tôi cũng nhắc nhở các em là “Phải yêu Quê hương, Đất nước và Gia đình mình” các em nhé”. Cả lớp và đoàn đến thăm lớp đứng lên vỗ tay vang dội.

Bài học của vị Tướng Anh hùng trong chiến tranh chống phát xít của nước Pháp đã nhắc nhở tất cả chúng ta một ý thức rất quan trọng, đó là phải nhập tâm, phải thuộc lòng, phải tuân theo mọi quy định về đạo đức làm người từ lúc còn tuổi ấu thơ mà các thầy cô giáo và cha mẹ đã dạy cho chúng ta.

Đông phương Cổ học Tinh hoa cũng đã từng dạy: “Dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy” (Nhất tự vi sư, bán tự vi sư) chẳng phải cũng muốn chúng ta thấm nhuần công ơn của thầy cô giáo đã nâng đỡ tâm hồn, đã vun đắp trí tuệ cho con người từ tuổi niên thiếu đến lúc trưởng thành hay sao.

Về quan hệ thầy-trò, ông Tướng Anh hùng sau hơn 30 năm vẫn ôm lấy thầy giáo cũ mà xúc động căn dặn các thế hệ trẻ phải yêu lấy đất nước, quê hương, phải biết yêu quý và biết ơn thầy giáo cũ, vì không có thầy thì sao có mình ngày nay. Đó là đạo lý làm người. Đó là trách nhiệm của người thầy, lúc nào cũng phải đứng đắn, nghiêm túc, thị phạm. Đó là trách nhiệm của người học trò, phải biết kính trọng, biết ơn và làm theo những lời dạy của thầy.

Thời chưa xa, nhiều vùng dân cư ở nước ta vẫn còn giữ phong tục tốt đẹp của ngày Tết: Mùng 1 Tết đi lễ Phật, mùng 2 Tết đi lễ Tết ông bà, cha mẹ, mùng 3 Tết đi lễ Tết thầy cô giáo cũ. Có người có đạo đức với lòng biết ơn vẫn giữ đạo lễ Tết thầy đến tận khi thầy khuất núi.

Trong một xã hội văn minh, hiện đại có hai nghề cao quý được gọi là Thầy, đó là Thầy giáo và Thầy thuốc. Một thầy rèn luyện cho ta tâm hồn cao thượng, dạy ta cách làm người. Các thầy đã dạy ta chuyên môn nghề nghiệp trong các trường dạy nghề chuyên nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng, các trường đại học với nhiều ngành nghề, giúp ta duy trì và phát triển cuộc sống. Còn các thầy thuốc thì vất vả ngày đêm dạy ta cách rèn luyện thân thể, các kiến thức phòng bệnh như ăn, uống, làm việc, nghỉ ngơi một cách khoa học theo lứa tuổi, theo các giai đoạn của cuộc đời. Các thầy thuốc là những chiến sĩ áo trắng đã tận tụy hy sinh trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 vừa qua ở các tỉnh phía Nam, đó là những tấm gương sáng để toàn dân biết ơn, kính trọng và noi theo gương sáng của các thầy. Cùng tham gia trong đợt chống dịch này, trong số các chiến sĩ áo trắng cả dân y lẫn quân y có nhiều thế hệ thầy trò đã gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, có dịp cùng nhau thực hành y đức.

Tại sao ta phải biết ơn các thầy đã dạy ta nghề nghiệp? Đó là một mối quan hệ nhân-quả cực kỳ quan trọng vì những lý do sau đây:

Nếu chúng ta thực sự yêu mến các chuyên ngành, các chuyên khoa, các chuyên môn mà các thầy ta đã dạy thì phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, từ đầu đến cuối, tỉ mỉ thận trọng. Đó là vì cuối cùng ta lại cũng có học trò là những người yêu mến chuyên ngành ấy, muốn ta dốc hết sức, hết lòng mà truyền thụ lại cho họ.

Quan hệ thầy-trò là quan hệ giữa người và người, nhất là sự chuyển giao tri thức từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vì thế phải có tình cảm, phải có lòng quý mến chân thành, phải có sự tận tâm thì nghề nghiệp mới phát triển được theo sự tiến hóa chung của nhân loại.

Nhà bác học người Đức, ông Marcelin Berthelot (1827 – 1907) đã hết sức tỉnh táo và nhân bản khi chỉ rõ: “Chính nhờ các học vấn được truyền thụ mà xây dựng nên những căn bản bất di bất dịch của luân lý vậy”. Luân lý bất di bất dịch mà ông Berthelot nêu ra là:

- Nghĩa vụ của người thầy là phải yêu thương học trò như con, như em mình mà hết lòng truyền nghề cho họ, giúp cho xã hội ngày càng phát triển.

- Nghĩa vụ của người trò là kính trọng, biết ơn thầy đã hết lòng truyền thụ các bí mật nghề nghiệp cho mình. Sau này khi trở thành thầy nối nghiệp chuyên ngành, ta lại có nghĩa vụ truyền thụ lại cho các lớp học trò kế tục.

Như thế mới là Học vấn đúng đắn.
Như thế mới là Luân lý đúng đắn.
Như thế mới là quan hệ thầy-trò đúng đắn.
Như thế mới là Dạy và Học đúng đắn.

Cũng chính nhà bác học Berthelot đã có câu nói rất nghiêm khắc trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cuộc đời: “Đời là một nghĩa vụ. Đời không phải là một thú vui”. Cũng chính nhờ cái khẩu hiệu nghiêm khắc ấy mới có các phát minh mới, sáng tạo mới và những thành quả khoa học mới thể hiện ở các giải thưởng Nobel được công bố vào tháng 10 hàng năm. Nội dung của các giải thưởng năm sau cao hơn năm trước chính là nhờ Berthelot đã định hình một nghĩa vụ cho cuộc đời của các nhà khoa học chân chính.

Trong các chương trình nêu gương “Người tốt việc tốt” trên truyền hình, trên đài phát thanh hàng ngày, ai ai cũng cảm phục khi thấy những hình ảnh các ông giáo, bà giáo già nhận dạy miễn phí các chương trình phổ thông, dạy ngoại ngữ cho các em học sinh nghèo không có điều kiện đến trường, đến lớp. Thấy những mái đầu bạc, da mặt nhăn nheo của các thầy, các cô giáo nhìn các em học sinh bi bô tập đọc, tập nói tiếng Anh bằng cặp mắt trìu mến, thương yêu, đúng như câu nói: “Thương người như thể thương thân”, thật xúc động. Chắc chắn nếu không có tình thương mến thật sự, giản dị, chân thành thì không thể có những ánh nhìn xúc động đến như thế của các thầy cô.

Cùng với mạch suy nghĩ về Thầy và Trò, nên nhớ đến câu nói ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa của Joseph Stalin (nhà lãnh đạo Liên Xô cũ):

“Thứ quý giá nhất là cuộc sống.
Thứ cần thiết nhất là học hành.
Thứ vui thích nhất là làm việc.
Thứ quan trọng nhất là Tình thầy, Tình bạn”.

Không biết trên đời có bao nhiêu phần trăm con người được hưởng cả bốn thứ quý báu mà Stalin đã nêu ra. Có tác giả đã mạnh dạn phát biểu: “Đúng như lời dạy đã nêu ở trên, có Tình thầy, Tình bạn chúng ta sẽ có cả 3 thứ ở 3 dòng trên. Nghĩa là ta được học hành, có được công việc để làm và như thế cuộc sống sẽ tốt đẹp”.

Khi bàn về quan hệ thầy-trò, phương Đông và phương Tây có chút khác biệt. Ở phương Đông cổ, học trò coi thầy như cha mình (gọi là Sư phụ), coi vợ thầy như mẹ mình (gọi là Sư mẫu) với lòng thành kính vô hạn, lúc thầy còn sống thì lễ Tết, khi thầy mất thì thờ cúng (gọi là sống Tết chết Giỗ). Ngày nay chỉ còn một số nước giữ được phong tục ấy, còn nói chung đã hòa nhập với văn minh phương Tây, đó là: Trò phải biết ơn và tôn trọng thầy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một chữ cũng là thầy