“Non nước đời anh” là cuốn sách trích hợp cảm nhận của nhiều người, xuất bản kỷ niệm 50 năm Ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời (1967-2017).
Bìa cuốn “Non nước đời anh”
Nhà thơ Tố Hữu, tức anh Lành, bạn cùng quê của anh Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), cùng Vịnh đồng hành trên con đường cứu nước từ tuổi vị thành niên, nặng tình đồng chí lại đồng hương. Bị địch bắt giam, hai anh nằm trong tù cùng nhớ “những xóm nhà tranh thấp”, “những chiều sương phủ bãi đồng”, Lành làm thơ tặng Vịnh:
“Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò” (1939).
Những ngày chiến tranh ác liệt nhất, anh Lành tiễn anh Vịnh vào Nam chỉ đạo quân dân ta đánh Mỹ:
“Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường…
…Đã hay đâu cũng nơi tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường” (1964).
Rồi đến một mùa hè oi bức năm 1967, anh Thao ra Hà Nội báo cáo tình hình với Trung ương, ít lâu sau anh ghé nhà chào tạm biệt bạn trước khi lên đường trở lại chiến trường. Nắm chặt tay nhau: “Thôi, mai tau đi nhé”. Thế mà định mệnh đã đánh thức nhà thơ dậy ngay trong đêm ấy, nghe tin cấp báo. Anh Lành lặng người đi thảng thốt:
“Anh Thanh ơi!
Anh mất thật rồi sao?”
Nhà thơ vào Bệnh viện Quân đội luôn trong đêm, nhìn mặt bạn lần cuối:
“Ôi! sống như Anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc, một con người” (7/1967).
Các tác phẩm thơ, văn, nhạc in trong tác phẩm “Non nước đời anh” là tấm lòng của nhiều người thuộc lớp sau bày tỏ cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nửa thế kỷ qua, không ít tên tuổi có bài trong cuốn sách đã lần lượt nối gót theo ông lên cõi vô cùng, như Trần Bạch Đằng, Văn Phác, Bảo Định Giang, Hoàng Cầm, An Thuyên...
Họ vẫn cùng những người đang sống chung tay, mỗi người một nét, tạo nên bức phác thảo chân dung một nhà lãnh đạo bản lĩnh, một vị chỉ huy kiên cường, một tướng lĩnh có công giúp Đảng và Nhà nước ta đưa quân đội từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, một chính khách bình dị lúc ngồi trước bữa tiệc thịnh soạn bạn nước ngoài tiếp “quốc khách” vẫn trăn trở nhớ và thèm món ăn làng quê: những con cá bạc má nhỏ kho mặn cùng mấy nhánh măng non trong cái trách đất, một vị tướng sẵn sàng xắn quần lội ruộng, thi cấy lúa với các chị nông dân, để từ đó cùng bà con nông thôn khơi nguồn “ngọn gió Đại Phong”, một người con hiếu thảo, một người chồng, người cha, người anh thắm tình ruột thịt..., tóm lại một nhân cách Việt Nam tràn ngập nhân văn, hay nói như nhà thơ Đỗ Trung Lai, “một Con Người viết hoa”.
Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967).
Các tác giả, mỗi người từ một góc nhìn, qua đôi điều cảm nhận, một mẩu hồi ức, một kỷ niệm, một giai điệu, chung sức làm ấm nồng thêm Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Đại tướng ra đi, khiến cho dân tộc ta chịu tổn thất, “chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn ra trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất” (lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tháng 7/1967).
Năm 1975, 8 năm sau ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi xa, dân tộc Việt Nam toàn thắng, non sông liền một dải. Nhà lãnh đạo, nhà thơ, nhà báo Trần Bạch Đằng từ miền Nam ra Hà Nội, việc đầu tiên của ông là đến Nghĩa trang Mai Dịch “thăm anh Nguyễn Chí Thanh”.
“Thắng rồi, tôi đến thăm anh
Bờ dương thu vẫn nhuốm xanh lối chiều
...Đến thăm anh - Ta thắng rồi!
Tiếng thu hay vẫn tiếng cười thân thương.”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi xa đến nay tròn nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian ấy, đất nước ta trải qua bao biến thiên, vượt lên mọi thách thức để đổi mới, phát triển, hội nhập. Nói như lời người con gái lớn của ông, chị Nguyễn Thanh Hà, trả lời phỏng vấn của nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Cha tôi chết đi nhưng không “mất”, có nghĩa ông vẫn sống thọ cùng đất trời. Khi ông đã ở trong lòng mọi người, ông không chết”.
Đúng vậy, thưa chị Thanh Hà! Anh Thao vẫn sống trong lòng chúng tôi. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn tồn tại lâu bền cùng dân tộc.