Những năm qua, việc thực hiện đổi mới môi trường kinh doanh được Chính phủ quan tâm đặc biệt bằng chủ trương cụ thể, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ảnh minh họa.
Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đứng trong hàng ngũ ASEAN 6, sau đó là ASEAN 4 – những nước có môi trường đầu tư tốt. Đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho hay, năm 2010 Việt Nam chỉ đứng thứ 71/125 nhưng đến năm 2015 Việt Nam đã đứng ở vị trí 52/141. Trong Asean 6, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore và Malaysia. Điều này chứng tỏ, chỉ số về môi trường cạnh tranh kinh doanh có sự tiến bộ. Kết quả này phải kể đến quá trình nỗ lực thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ, một số ngành như: thuế, hải quan…
Mặc dù vậy, trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn chưa hài lòng về môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp than thở, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng phải trải qua “một rừng” giấy phép con. Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu khắt khe, ngặt nghèo không cần thiết, thay vì kiểm tra đơn giản lại áp dụng phương pháp phức tạp. Chưa hết, thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhưng có đến 9 bộ ngành cùng tham gia.
Doanh nghiệp thắc mắc, 9 bộ - ngành cùng tham gia thì không thể gọi là hình thức một cửa liên thông trong xuất nhập khẩu hàng hóa được. Rõ ràng, đang áp dụng một cửa chính cùng với nhiều cửa phụ, cơ chế một cửa nhưng hàng hóa chưa thông. L
iên quan đến cửa chính, cửa phụ trong xuất nhập khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp phàn nàn với lãnh đạo TP HCM, Bộ Tài chính thông tin cụ thể, cơ chế một cửa mới chỉ đạt khoảng 30% trong tổng lượng thủ tục hành chính. Riêng đối với việc xuất nhập khẩu, quá cảnh, cơ chế một cửa quốc gia mới thực hiện được 40%.
Bộ Tài chính cho biết thêm, theo mục tiêu trong kế hoạch liên ngành xây dựng cho giai đoạn 2016 – 2020, phải tới năm 2018 tất cả các hoạt động Bộ - ngành phải thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia cấp độ 4, trừ một số trường hợp nhất định.
Trước những khó khăn và băn khoăn về môi trường đầu tư cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội các ngành nghề, lãnh đạo địa phương mong mỏi có một sự đột phá hơn nữa trong cải cách hành chính để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bởi vì, hội nhập càng đến gần cạnh tranh trên thương trường ngày càng gay gắt thì một rào cản nhỏ cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mong muốn xây dựng một môi trường đầu tư tốt nhiều quan điểm cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt hơn, cắt giảm thủ tục để giảm chi phí chính thức và không chính thức. Xây dựng cơ chế một cửa liên thông thật sự để tạo một “guồng máy” hoàn chỉnh hỗ trợ tốt cho hoạt động thương mại, đảm bảo nâng cao năng lực và hiệu quả cạnh tranh.