Bộ Công thương mới đây lại có đề xuất Chính phủ gây xôn xao dư luận về việc cho phép xuất khẩu than cục, than cám. Lý giải đề xuất này, Bộ Công thương cho rằng, hiện mỗi năm trong nước dư thừa khoảng 2,1 đến 2,2 triệu tấn than cục, than cám chất lượng cao. Tuy nhiên, khi mà nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước đang ngày càng cạn kiệt, đề xuất này xem ra không nhận được sự đồng thuận.
Dù phải nhập hàng triệu tấn than mỗi năm, ngành than vẫn có ý định xuất khẩu.
Cần tính đến dự trữ
Lý giải nguyên nhân tại sao đưa ra đề xuất này, Bộ Công thương cho hay, hiện mỗi năm cả nước dư thừa khoảng 2,1 đến 2,2 triệu tấn than cục, than cám chất lượng cao (đây là lượng than mà theo ý của Bộ Công thương, trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết – PV).
Đề xuất này của Bộ Công thương ngay lập tức nhận được ý kiến phản đối của Bộ Tài chính. Cụ thể, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh: “Với khối lượng dư thừa 2,1 đến 2,2 triệu tấn mà Bộ Công thương đề cập không được coi là lượng than trong nước không có nhu cầu hoặc không sử dụng hết mà cần xem đây là lượng than trong nước chưa sử dụng đến” .
Theo phân tích của Bộ Tài chính, trữ lượng của các mỏ than có hạn, đặc thù khai thác mỏ là không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác, thời gian đầu tư kéo dài từ 6 đến 8 năm nên việc khai thác, sử dụng cần được tính toán phù hợp để tránh lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khoáng sản khai thác phải được ưu tiên sử dụng cho ngành điện và cân đối cho các hộ tiêu thụ than trong nước. “Đề xuất xuất khẩu than cục, than cám trong bối cảnh nguồn than đang cạn kiệt và nước ta đang nhập khẩu than với mức tăng “phi mã” hiện nay là không hợp lý, cần tính đến chuyện dự trữ mặt hàng này phục vụ vấn đề an ninh năng lượng quốc gia” – Văn bản của Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Còn nhớ, tại buổi làm việc với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hồi năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được xuất khẩu than cám, than cục nhằm phục vụ kế hoạch dự trữ than cho sản xuất điện năm 2018-2020.
Nhập khẩu than tăng mạnh
Con số thống kê cho biết, tính đến trung tuần tháng 3, cả nước nhập khẩu gần 2,8 triệu tấn than tăng tới 2,1 triệu tấn tương đương 300% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ nhập gần 700 nghìn tấn).Theo kế hoạch của TKV và Bộ Công thương, giai đoạn 2016 – 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 20 – 30 triệu tấn than, riêng năm 2017, nhập khẩu than ước tính sẽ đạt 5,5 triệu tấn.
Về dài hạn, từ năm 2020 trở đi, ngành than sẽ phải nhập từ 40 - 50 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, Việt Nam ngày càng phải nhập khẩu nhiều than hơn trong giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu 2030 nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hơn 20 nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước.
Như vậy, rõ ràng đề xuất nói trên của Bộ Công thương là đang đi ngược với mục tiêu dự trữ than cho sản xuất điện của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu than để phục vụ các nhu cầu trong nước, thì đề xuất cho phép xuất khẩu than của Bộ Công thương là hoàn toàn bất hợp lý.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết về đề xuất nói trên của Bộ Công thương, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than Đồng bằng sông Hồng nhận định, trong tình hình nguồn cung than đang thiếu trầm trọng như hiện nay, đề xuất của Bộ Công thương là bất hợp lý.
Theo ông Sơn, hiện nay, lượng than chất lượng thấp tồn kho rất lớn (của cả TKV và Đông Bắc) đang cần phải pha trộn với than chất lượng cao để tiêu thụ. “Chúng ta không thể xuất khẩu anthracite chất lượng cao để nhập khẩu than bitum hay sub-bitum về để pha trộn với anthracite được. Vì đây là những chủng loại than rất khác nhau để pha trộn và các hộ dùng than trong nước càng chưa quen pha trộn để sử dụng. Phương án hiệu quả nhất (nếu tính đến cả chi phí vận tải than và chi phí lãi vay vốn lưu động) là sử dụng anthracite chất lượng cao trộn với anthracite chất lượng thấp để huy động hết lượng than tồn kho hiện nay” – ông Sơn phân tích và khẳng định: Quan điểm “có xuất, có nhập” hay “xuất khẩu loại than tốt mà trong nước không dùng đến” như lý giải của Bộ Công thương là không đích đáng, thể hiện rằng nhà quản lý đang “nhắm mắt” trước thực tế Việt Nam đang phải nhập hàng triệu tấn than mỗi năm.