Đức không chỉ là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, luôn thể hiện hình ảnh một đội bóng có lối chơi khoa học, đầy chất thép, mà còn có một điều rất đặc biệt ít ai biết.
Một "cỗ xe tăng" Đức không khoác áo đấu trên sân cỏ.
Từ những câu chuyện với CĐV Đức, người viết được biết thêm cầu thủ Đức không chỉ giỏi bóng đá, mà còn được học hành bài bản. Họ được ví như một đội bóng của những cử nhân, thạc sĩ đi đá bóng. Và, có lẽ sự học hành đầy đủ về các nguyên tắc vật lý, hình học không gian, khí động học…đã giúp đội tuyển Đức thi đấu đầy khoa học, kỷ luật, đang biến họ thành một “cỗ xe tăng” bất khả chiến bại.
Bóng đá là môn giải trí, nhưng khi thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì thương hiệu và đơn thuần là vì bữa cơm manh áo, thì bóng đá cũng cần được nghiên cứu dưới góc độ khoa học. Về điều này thì đội tuyển Đức vượt trội so với các đối thủ ở Euro năm nay. Để có thể áp dụng kỹ thuật và chiến thuật thành công, cầu thủ Đức đã phải sử dụng khả năng về hình học không gian, khí động học cùng nhiều nguyên tắc vật lý và khoa học cơ bản khác để hoàn thiện mình và vươn lên đỉnh cao.
Thật bất ngờ khi biết rằng ở đội tuyển Đức, ngoại trừ Toni Kroos, tất cả cầu thủ Đức đều ít nhất tốt nghiệp phổ thông trung học. Trong số những cầu thủ nổi tiếng học giỏi của Đức, không thể không nhắc tới tiền vệ Mario Goetze. Cầu thủ này chính là con trai của ông Juergen Goetze, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học hiện đang giảng dạy tại khoa Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ Dortmund.
Ngoài đam mê với trái bóng tròn, ngôi sao Bayern còn đang cùng cha mình và các đồng nghiệp là thành viên của Weitblick - một tổ chức phi chính phủ về hỗ trợ giáo dục.
Julian Draxler lại khiến nhiều người khâm phục bởi anh vừa đá bóng, vừa tự ôn luyện và đã thi đỗ đại học. Thủ thành Manuel Neuer từng tham dự chương trình “Ai là triệu phú?” ở Đức.
Với khối kiến thức của mình, anh đã xuất sắc giành được 500.000 euro (khoảng hơn 13 tỷ đồng). Có tố chất thông minh, phán đoán tình huống rất giỏi, nên ở Euro năm nay Manuel Neuer giữ sạch mành lưới 5 trận liên tiếp, trước khi tỏa sáng trong loạt penalty khiến người Italia phải về nước ở trận tứ kết siêu kịch tính.
Thật khó đòi hỏi một cầu thủ vừa đá bóng hay, vừa học giỏi, bởi họ phải có sự đánh đổi. Tuy nhiên, với một quốc gia có nền giáo dục phát triển như Đức, thì chuyện các cử nhân, thạc sĩ đá bóng chuyên nghiệp, thi đấu cho đội tuyển quốc gia là hết sức bình thường. Việc các cầu thủ được học tới nơi tới chốn không chỉ giúp họ vận dụng các kiến thức vào bóng đá, mà họ cũng là những người biết ứng xử trên sân. Bóng đá không chỉ bằng đôi chân, mà còn bằng cả cái đầu nữa!