Một hương vị Tết đã xưa

Điện Hồng - Gò Nổi (Tết Kỷ Dậu-Tháng 2-1969) Trần Mai Hạnh 18/02/2018 09:15

Ngày cuối cùng của Mậu Thân tới nhanh quá. Tết Kỷ Dậu đến rồi. Đêm nay tôi sẽ đón Giao thừa đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Tôi muốn bắt đầu những trang viết về Tết vào một buổi sáng. Buổi sáng ngay ngưỡng cửa năm mới mà sa mù vẫn đục trắng như sữa.

Một hương vị Tết đã xưa

Một góc Đà Nẵng (1966). (Ảnh: Edgar).

Sa mù là dấu hiệu của những ngày nắng. Cái Tết ở miền Nam không gắn với cái rét ngọt sắc còn rớt của cữ đông và những tấm màn xiên xiên của mưa phùn giăng mắc thành thử cái hương vị gợi nhớ của Tết cũng không rõ lắm. Ở với tiểu đoàn 3 mấy ngày qua, không ngày nào là không chạm địch. Ngày đánh nhau, đêm tập kích tiêu diệt sinh lực địch, rồi hành quân ra khỏi vòng vây, rồi lại chạm địch… Cuộc sống căng thẳng đến hết mức, chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ ngợi, suy tưởng nữa.

Đang mơ màng, chợt giật mình vì tiếng đạn nổ. Lúc đầu tưởng đạn pháo ở Đồn Giao Thủy bắn xuống, nhưng sau hàng loạt AK rộ lên mới hốt hoảng choàng dậy. Nồi quân dụng cơm to đùng vừa cạn nước, Nguyễn Văn Huệ cùng một chiến sĩ tiểu đội anh nuôi đang rửa rau ở bờ sông thì súng nổ ngay sau lưng. Tốp biệt kích Mỹ đầu tiên đột nhập vào đội hình tiểu đoàn, thấy ánh lửa ở hầm anh nuôi xộc tới nổ súng xối xả và ném lựu đạn xuống hầm.

Quần thảo suốt ngày với địch. Sau một ngày kịch chiến, đội hình tiểu đoàn bị dồn tới bờ sông Thu Bồn. Tứ bề chạm địch. Không tìm được đường thoát ra, ngày mai địch có xe bọc thép yểm trợ tấn công tổng lực, đơn vị có nguy cơ bị tiêu diệt. Không khí tiểu đoàn bộ rối như canh hẹ. Đường tắc hết. Địch dày đặc bên này sông và địch cũng đóng quân ở cả Gò Nổi bên kia sông. Chỉ duy nhất khu vực cầu Kỳ Lam hiện không có địch. Phải bằng mọi giá tới được cầu rồi bí mật vượt sông Thu Bồn giấu quân vào bãi bói lớn um tùm như một cánh đồng nhỏ bên kia sông. Nhưng làm sao soi đường vượt vòng vây dầy đặc địch để tới được cầu Kỳ Lam? Nghinh, tiểu đội trưởng trinh sát nhận lệnh soi đường, còn đang ngụy trang thì Dật đã túm lấy, kéo lại sát bên mình nói: ”Nghinh, mày nghe tao nói đây. Đạn B40 không còn một quả. Phải bằng mọi giá soi đường thoát ra, nếu không ngày mai đơn vị chỉ có nước giơ cùi tay mà chiến với xe bọc thép thôi!”.

…Nghinh vóc người nhỏ nhắn như con gái, mặc độc chiếc quần đùi, khắp người chỉ trừ đôi mắt còn trát đầy bùn đất nghi trang, dẫn đường phía trước. Cả tiểu đoàn từng tốp một ngậm tăm bám sau, lần theo lộ tiêu trinh sát đã rải sẵn, sáng trắng lên trong ánh đèn dù thả liên tục. Xuyên qua những cánh đồng trống mênh mông bỏ hoang lâu ngày, cỏ gianh lên lút đầu người rồi lại bắt gặp những con đường mòn đi ngược triền sông Thu Bồn. Đêm khuya mới tới được cầu Kỳ Lam. Thuyền ghe không đủ, quá nửa tiểu đoàn phải liều vượt qua cầu. Cây cầu gẫy gục vì bom, chỉ còn một nhịp nhưng cũng bị xô nghiêng tới 40 độ, phải dùng ván gỗ lát chìm dưới mặt nước dập dềnh như cầu treo thăng bằng. Nói là hành quân vượt qua cầu Kỳ Lam cho oai, thực ra là lần mò sờ sẫm dưới nước trên những thanh ván mỏng rộng chưa đầy 30 phân. Thỉnh thoảng có chiến sĩ trượt chân, rơi tùm xuống sông.

*
* *

…Bãi bói chật ních người. Không chỉ có bộ đội mà dân trong vùng chạy càn cũng rúc vào bãi bói. Lần mò chỗ nào cũng đụng người, bị la nhưng không dám la to mà chỉ cằn nhằn và sụyt suỵt vậy thôi. Lệnh truyền qua cái nắm tay từng người nhắc khẽ nhau: “Gần địch. Tuyệt đối im lặng. Không bật lửa, không mở đài, không mở miệng”. Sờ sẫm lần mò chỗ ngủ. Mãi rồi cũng tìm được chỗ trống, rải vội mảnh áo mưa lấy chỗ ngả lưng. Muỗi nhiều như trấu, không dám đập mạnh phải vuốt tay giết từng con. Có thuốc lá không dám hút. Có đài không dám mở nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Đêm giao thừa cứ nằm cuộn khoanh như thế mà tống cựu nghênh tân. Sương xuống nặng trĩu. Mặt người và mặt đất tê cóng. Chiến tranh là thử thách tàn khốc nhất mà mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người phải gánh chịu. Mơ ước lúc này thật giản dị - Ước gì có được một vỉa hè trên đường phố Hà Nội trong đêm giao thừa, tạm ngưng bom đạn chết chóc, để yên tâm thiếp đi trong giấc ngủ.

Một hương vị Tết đã xưa - 1

Mãi tận trưa mùng 3 Tết tôi mới được hưởng một chút hương vị của Tết. Chiều mùng 2 địch đồng loạt rút quân chấm dứt cuộc càn, cả vùng Gò Nổi bên này và vùng Điện Thái, Điện An, Điện Thọ bên kia sông Thu Bồn đều sơ khoáng bóng địch. Tại nhà anh Ba Lường, xã đội trưởng Điện Hồng, trên bàn thờ đã thấy khói nhang. Gọi bàn thờ chứ thực ra là một cái bàn gỗ lim cháy dở, đen xạm mà đạn đại bác đã phạt cụt một chân, đã thấy bày lên những phong oản bọc trong giấy bóng màu xanh, những tập giấy vàng đủ các dấu ấn phù chú thường dùng vào các buổi lễ hóa vàng chiều mùng ba Tết. Mấy nén nhang cắm trên cái lon cá cháy gần hết, tàn rơi lả tả vào chén nước. Cạnh đấy mấy đòn bánh tét để chơ chỏng, lạt đã bung, lá gói đã khô queo. Người đến mỗi lúc một đông, mảnh đất mà chúng tôi đang nghỉ lại đây rộn rã hẳn lên. Người ra vào, lời thăm hỏi chúc tụng, tiếng nói cười hoan hỉ, bếp lửa nổ lép bép. Trong phút chốc người ta sống thật thoải mái phớt cả chiếc “gọng bừa” đang quần những vòng rộng trên đầu và cả những tên Mỹ người đỏ như gà chọi đứng trên nóc lô cốt chĩa ống nhòm soi mói. Những cánh áo hồng, áo tím, áo trắng vừa là “hợp pháp” với đồn Kiểm Lâm, vừa mang theo hương vị của ngày Tết thấp thoáng trên những con đường mòn vắt qua các hục bom rồi từ gò này sang gò khác. Một em gái mặc áo hoa, tóc bím ngang vai (có lẽ đây là điều thu hút tôi nhất) đang chơi lò cò một mình trên mảnh sân nhỏ, gạch ngói lộn xộn.

Qua đây với chú, cháu! Tôi gọi.

Em dừng chơi ngước sang gò bên này, dễ chừng hỏi ý mẹ em.

Qua chơi với chú nghe con! Bà mẹ âu yếm nói.

Em chạy sang chỗ tôi, nhưng trước khi sang còn ngước mắt dè chừng thằng “tàu rà” đang lượn trên đầu. Ngày Tết mà bước chân vui nhảy của em ta cũng phải đắn đo dè dặt.

Chúng tôi gần như đủ cả tiểu đoàn bộ bộ quây quần trong chiếc hầm của anh Ba. Người đến chơi và mang quà cho bộ đội đồ đoàn gồng gánh tấp nập. Mãi đến hôm nay, chiều mùng ba Tết, bộ đội mới thực hiện được cái gọi là phong tục “tắm một cái tất niên” để mà “tống cựu nghênh tân”.

Người đến và mang quà cho bộ đội lúc mỗi đông. Xóm làng rộn rã thơi thới cái không khí của những ngày chảy hội mùa. Người đến sau cùng là chị Mười, một thiếu phụ mặn mà nhan sắc, chồng mất sớm. Chị mang đến ít đòn bánh tét, rất nhiều bánh tráng bánh ú, mấy phong kẹo đậu phụng, một can đầy rượu và đặc biệt có cả mấy gói ô mai gửi mua tận Đà Nẵng gọi là để anh em bộ đội ngậm trong chiến đấu cho đỡ ho. Lúc này nhìn chị tươi rói. Chị nói, cặp mắt đen láy sắc sảo đong đưa, cái miệng chúm chím và đôi má thì ửng rựng lên. Mọi động tác ở chị đều rất khỏe, dứt khoát. Ngoài tình cảm quân dân thắm thiết, với tiểu đoàn chị còn có những gắn bó riêng tư. Những tháng dài đứng chân ở vùng này, nhiều lần tiểu đoàn bộ đặt ở nhà chị. Chị thương tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Thanh, nay đã là tiểu đoàn trưởng vì anh đã ngoại tứ tuần mà vẫn chưa vợ; cuộc đời chỉ những lo đánh giặc; áo rách không ai vá, ốm đau không ai nâng giấc… Còn anh thương chị hay không chính anh cũng không rõ. Nhưng anh không thể không thấy ấm áp khi lần đầu trong đời được sự chăm sóc của một người phụ nữ.

…Cơm đã chín, anh Ba Lường quát cô con gái lớn trải tấm vải nhựa ra giữa nền nhà rồi trịnh trọng bê mâm cơm cúng trên ban thờ xuống. Bữa cơm tương đối thịnh soạn, có đủ món nhắm. Vừa rót can rượu chị Mười mang tới vào những chiếc bát sứ mới toanh anh vừa nói “Cái bộ bát đĩa này tui phải cho vào thùng đại đại liên chôn sâu tới cả thước đất mới còn đây. Ba cái thằng Mỹ ngụy nó phá quá đi!”. Chiều tối mùng 2 Tết, Mỹ vừa rút, đã thấy anh Ba hì hụi khui hòm bát đĩa và chiếc lư đồng với hai con hạc lên, rồi cũng lại mình anh lấy tro lụi hụi đánh bóng tất cả. Anh xoa xoa tay vào nhau: “Nào xin mời tiểu đoàn trưởng, mời các anh trong tiểu đoàn bộ. Gọi là có ít món nhắm. Ấy cũng phải tranh thủ để chiều muộn bà con còn ra đồng rồi tối còn chuyển đạn cho tiền phương”. Thế rồi tiếng bát đũa va vào nhau lách cách, tiếng nói cười thăm hỏi lại rộn lên. Chị Mười ngồi ngay cạnh tiểu đoàn trưởng Thanh, luôn tay rót rượu… Mùi rượu mạnh đưa cay nồng nàn; ngoài sân nắng vẫn đỏ hoe, thấp thoáng những cánh áo hồng áo tím. Chiều đi vào những làn khói nhang nghi ngút, những chuyện tưởng không bao giờ có kết thúc và cả những lời nói cười hoan hỉ. Trên mảnh đất hằn sâu vết tích chiến tranh này, cái Tết đầu tiên trên chiến trường đã bừng lên trong tôi những hương vị, cảm xúc không bao giờ quên được…

________________________

(*) Trích trong tự truyện "Thời tôi sống"

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một hương vị Tết đã xưa