Một huyền thoại tình yêu

PV 10/08/2023 05:59

Vào khoảng năm 1936, nhà văn Khái Hưng viết truyện “Trống Mái”. “Trống Mái” là câu chuyện tình lãng mạn của một cô gái Hà Nội (Hiền) đi du lịch đến Sầm Sơn (Thanh Hóa), gặp và yêu anh chàng tên Vọi. Thế nhưng mối tình ấy dù ngọt ngào cũng không đi đến đâu. Kết thúc câu chuyện là khi Hiền trở lại, Vọi đã qua đời, nhưng trên hòn Trống Mái vẫn còn ghi chữ tắt V.H - tên của hai người để lưu giữ kỷ niệm về tình yêu...

Hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long,

Trong bối cảnh xã hội ngột ngạt lúc bấy giờ, với bút lực khác thường, Khái Hưng đã viết lên một huyền thoại về tình yêu đôi lứa cũng như nghĩa vợ chồng, sống chết không bao giờ rời xa.

Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận hòn Trống Mái ở Sầm Sơn là di tích cấp quốc gia nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh thắng núi Trường Lệ. Vậy mà cách đây 10 năm, năm 2013, hòn Trống Mái ở Sầm Sơn cũng phải “kêu cứu” vì có nguy cơ biến mất do phong hóa tự nhiên.

Còn tới hôm nay, sau 10 năm, thì hòn Trống Mái tuyệt đẹp trên vịnh Hạ Long cũng lại kêu cứu.

Ngày 31/7, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khoa học xung quanh vấn đề bảo tồn hòn Trống Mái vịnh Hạ Long.

Ông Hồ Tiến Chung - Phó trưởng phòng Kiến tạo và địa mạo (Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản) mô tả, hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống mái cao khoảng 13,9 m; chân đảo thót lại tạo tư thế chênh vênh. Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long xuất hiện nhiều khe nứt, tiềm ẩn sự biến dạng làm mất đi hình ảnh biểu tượng của di sản thế giới vịnh Hạ Long.

Cụ thể, phân tích ảnh mô hình 3D đã xác định tại hòn Trống Mái có 40 khối nguy cơ trượt lở. Trong đó hòn Trống có 11 khối và hòn Mái 29 khối.

Nhiều giải pháp được đưa ra để cứu biểu tượng hòn Trống Mái của vịnh Hạ Long, trong đó có việc bơm trám xi măng vào các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo giúp xử lý độ ổn định chân đế.

Tuy nhiên, các phương án kĩ thuật này không giống với chuyên gia của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (TS Rainder Kumar và TS LLoyd Warren), khi họ cho rằng bảo tồn nhưng không làm thay đổi cảnh quan và chỉ tác động nhỏ nhất để đảm bảo độ ổn định của hòn Trống Mái theo thời gian; thay vì tác động quá lớn theo cách gia cố.

Nhân đây cũng xin được nhắc lại, vào năm 2016, vịnh Hạ Long từng mất đi hòn Thiên Nga khi phần đầu thiên nga bị đổ. Còn tại Kiên Giang, hòn Phụ Tử (cha con) được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1989, cũng đổ ngã vào năm 2006, chỉ còn hòn Tử (con).

Trở lại với hòn Trống Mái - biểu tượng của vịnh Hạ Long, việc bảo vệ lâu bền là vô cùng cần thiết. Trách nhiệm chính thuộc về giới chuyên gia và nhà quản lý. Trong cuộc đời, câu chuyện tình yêu ngọt ngào son sắt, tình nghĩa vợ chồng mặn nồng da diết đã “hóa đá”, đã trở thành huyền thoại nhắc nhở muôn đời con cháu về tình nghĩa thiêng liêng ấy. Để biết sống thủy chung son sắt.

Vì thế, cách nào cũng phải giữ bằng được hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một huyền thoại tình yêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO