Một kỳ họp đặc biệt

Hoàng Mai 27/07/2021 10:28

Kỳ họp thứ nhất của khóa này có nhiều đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội và cũng có một số đại biểu vắng mặt. Đó là các đại biểu ở những vùng có dịch. Họ xin phép Quốc hội vắng mặt để ở lại đồng hành với Nhân dân chống dịch trong tình thế khẩn cấp nên sự vắng mặt ấy là hợp lý, hợp tình.

Toàn cảnh một phiên họp tại hội trường của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Vinh.

1. Ngày 20/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu tại phiên khai mạc, khi nhìn lại tổng thể hoạt động của Quốc hội suốt 75 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Quốc hội các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Trong 75 năm qua, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã luôn đảm nhận tốt trọng trách mà Nhân dân giao phó. Và, trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV khai mạc hôm 20/7 vừa qua vào đúng lúc tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp tại nhiều tỉnh thành, Nhân dân lại một lần nữa, trông chờ, kỳ vọng vào sự chung tay góp sức của các đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp thứ nhất của khóa này có nhiều đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội và cũng có một số đại biểu vắng mặt. Đó là các đại biểu ở những vùng có dịch. Họ xin phép Quốc hội vắng mặt để ở lại đồng hành với Nhân dân chống dịch trong tình thế khẩn cấp nên sự vắng mặt ấy là hợp lý, hợp tình.

2. Theo thông lệ, kỳ họp thứ nhất của một khóa Quốc hội mới bao giờ cũng dành thời gian thích hợp để làm công tác nhân sự. Và ngay tại kỳ họp này cũng vậy. Dù rút ngắn nhưng công tác nhân sự cũng được dành một thời lượng thích đáng trong nghị trình Quốc hội.

Phát biểu với báo giới trong cuộc gặp mặt ít hôm sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV, ông Vương Đình Huệ tâm sự: “Khi nhậm chức và làm việc với các cơ quan của Quốc hội, gặp các ĐBQH chuyên trách, tôi đều nói những thành tựu, nền móng chúng ta được tiếp thu là quá lớn. Quốc hội khóa XV có thuận lợi kế thừa và phát huy những thành tựu đã có, nhưng cũng đặt ra áp lực tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng như thế nào… Phấn đấu duy trì được những thành quả của khóa vừa rồi đã khó rồi, tiến thêm bước nữa cũng rất khó khăn”.

Chính vì áp lực ấy mà không chỉ Chủ tịch Quốc hội mà cả các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là các nhân sự cấp cao của Quốc hội đều cảm nhận rõ niềm tin mà Nhân dân trao gửi. Trong chương trình hành động, mỗi đại biểu cũng đã nêu nét chính cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia.

Với vị thế của những người đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, thì việc “Phải gắn trách nhiệm với từng cơ quan, nhất là người đứng đầu” là điều kiện tiên quyết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đặt mục tiêu mà Quốc hội luôn luôn theo đuổi là xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định lâu dài, khả thi, đáp ứng được yêu cầu...

Và, với trách nhiệm của mình, Quốc hội đã lựa chọn những người tiêu biểu để bầu giữ các chức vụ quan trọng của Nhà nước. Công tác nhân sự chắc chắn sẽ được các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, thảo luận thích đáng để có thể có được bộ máy lãnh đạo hoàn hảo nhất, giúp việc hoạch định các chính sách phát triển của đất nước không chỉ khoa học mà còn sáng tạo. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần, rất cần một đội ngũ lãnh đạo không chỉ có tâm mà còn phải rất có tài và dám chịu trách nhiệm để đưa đất nước cất cánh ngay cả trong gian khó.

3. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV họp trong bối cảnh nhiều địa phương trong cả nước đang phải căng mình chống dịch. Vì thế, câu chuyện chống dịch đương nhiên đã trở thành mối quan tâm rất lớn của Quốc hội.

Ngay tại nghị trường, nhiều đại biểu đã gửi tâm tư của mình và của những người mà mình đại diện tới các cơ quan quản lý với mong muốn, góp thêm một tiếng nói giúp sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu đoàn TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan- nơi đang là “tâm dịch” của cả nước sau khi ghi nhận việc chúng ta đã thay đổi chiến lược phòng, chống dịch khi chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vaccine rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, song đại biểu này cũng đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vaccine.

“Đến nay hầu hết vaccine có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch…, nhưng với biến chủng Delta bây giờ, thì đó có còn là những biện pháp căn bản hay không?”, nữ đại biểu băn khoăn.

Đây cũng là lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân. “Chúng ta cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vaccine “nội” vào sử dụng. Các nước hiện đã triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn”, ông Ngân nói.

“Làm sao Chính phủ huy động được các doanh nghiệp tham gia bằng cách Chính phủ giữ vai trò cấp phép, kiểm định chất lượng, cho giá tối đa để doanh nghiệp trực tiếp đàm phán đưa vaccine về càng nhanh càng tốt. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các địa phương đàm phán, tiếp cận vaccine”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ.

Những lo lắng ấy của đại biểu Quốc hội cũng chính là lo lắng của người dân đang ở trong tâm dịch cũng như ở những địa phương khác. Bởi dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn, đời sống của dân khó khăn- điều ấy chúng ta đã thấm rất nhiều, trong gần 2 năm nay. Vì thế, dễ hiểu khi phòng chống dịch bệnh là chủ đề được quan tâm nhiều tại kỳ họp này.

Đã bắt đầu một kỳ họp mới của một Quốc hội khóa mới. Chúng ta chờ đợi và hy vọng Quốc hội thực sự nói lên tiếng nói của Nhân dân; các đại biểu Quốc hội thực sự là những đại biểu của dân, vì dân.

Quốc hội rút ngắn thời gian họp 3 ngày

Chiều 24/7, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình và được Quốc hội thống nhất thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đây là lần thứ 2 Quốc hội điều chỉnh thời gian của kỳ họp này. Trước đó, chương trình kỳ họp đã được rút ngắn xuống còn 12 ngày (từ 20 đến 31/7), thay vì đến ngày 5/8 như dự kiến ban đầu.

Theo chương trình vừa điều chỉnh lần 2, Quốc hội sẽ làm việc thêm vào ngày chủ nhật 25/7, giảm 1 ngày thảo luận ở hội trường của một số nội dung về tài chính, ngân sách, đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia do các nội dung này đã được các vị đại biểu thảo luận ở tổ.
Quốc hội cũng tận dụng 1 ngày thời gian họp nội dung nhân sự và kéo dài một số phiên họp (đến sau 11h30 hoặc 17h).

Như vậy, kỳ họp sẽ kết thúc sớm hơn 3 ngày so với chương trình đã được Quốc hội thông qua tại phiên trù bị, và sẽ bế mạc vào ngày 28/7.

P.V

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một kỳ họp đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO