Vậy là đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – một kỳ thi được đánh giá là đặc biệt nhất trong lịch sử thi cử Việt Nam, đã khép lại. Hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước đã trải qua một kỳ thi đáng nhớ, khi mà đại dịch Covid-19 vây bủa, gây khó khăn cho không chỉ thí sinh mà còn đặt những người làm giáo dục phải đưa ra những quyết định “cân não”.
1. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong hơn 1.021.000 thí sinh đăng ký dự thi, có 39.920 thí sinh tự do, gần 222.300 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, gần 35.800 em chỉ để xét tuyển sinh, hơn 763.200 em vừa lấy kết quả thi xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh (74,73%). Số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên gần 358.800 (chiếm 35,13%); Khoa học xã hội 655.620 (chiếm 64.19%).
Chiều 8/7, ngay sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong số hơn 1.021.000 thí sinh đăng ký, có 96,15% đã dự thi. Số thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa thể dự thi đợt 1 là hơn 23.500, chiếm 2,31%.
Trong hai ngày, có 18 thí sinh bị đình chỉ thi, giảm mạnh so với hai năm gần đây (năm 2020 là 38, năm 2019 là 71). Đặc biệt, một số địa phương đã xảy ra tình huống bất thường. Buổi thi Toán chiều 7/7, mạng xã hội xuất hiện thông tin lọt đề ra ngoài. Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã vào cuộc, xác định một thí sinh mang điện thoại vào điểm thi trường THPT Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn “thót tim” vì kỳ thi của lứa học sinh sinh năm “Dê vàng”. Quyết định tổ chức kỳ thi trong bối cảnh đại dịch vẫn có nhiều diễn biến phức tạp đã khó, nhưng với nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình ở TP HCM, nơi mà trong ngày thi đầu tiên có số ca bệnh vượt 7.600, thì việc đồng ý với thăm dò khi Sở GD-ĐT TP HCM đưa ra quả không mấy dễ dàng.
2. Nếu ở những kỳ thi trước, câu chuyện đề thi, thí sinh vi phạm, thí sinh đi muộn, lộ đề thi hay đến nhầm địa chỉ ghi trên giấy báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, thì năm nay, những thông tin ấy có vẻ lẩn xuống phía sau. Phía trên của lớp thông tin này, vẫn là những câu chuyện về thí sinh là F0, F1, nơi này phải dừng thi, nơi kia phát hiện thí sinh dương tính, rồi chuyện phụ huynh phải vất vả tìm chỗ chờ con trong mùa giãn cách…
Dù năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra trong bối cảnh Covid-19 mới xuất hiện, tuy nhiên không gây nhiều băn khoăn, lo lắng như kỳ thi năm nay. Đồng thời, diễn biến của đại dịch Covid-19 hiện nay cũng có nhiều dấu hiệu phức tạp hơn. Vì thế, chuyện trong kỳ thi năm nay, tỉnh Khánh Hòa có 404 thí sinh bị dừng thi do liên quan Covid-19 cũng rất được quan tâm. Cụ thể, các thí sinh bị dừng thi gồm 238 thí sinh của 10 phòng thi tại trường THPT Phạm Văn Đồng, và 166 em của 7 phòng thi trường THCS Võ Thị Sáu. Các em sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, thời gian được thông báo sau. Quyết định này được ngành giáo dục đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thông báo quá trình điều tra dịch tễ phát hiện những thí sinh này có liên quan tới ca dương tính SARS-CoV-2 là học sinh trường THPT Dân Lập Lê Thánh Tôn, phường Phước Long, vào chiều 7/7.
Tương tự, ngay sáng 7/7, Phú Yên dừng khẩn cấp tổ chức thi tốt nghiệp tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa và điểm thi trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa. Nguyên nhân là hai điểm thi này có yếu tố về dịch tễ. Hơn 700 thí sinh sẽ thi vào đợt 2.
Còn tại TP HCM, nơi đang là điểm nóng của đại dịch Covid-19, thì phát hiện 3 thí sinh được xác định F0 dự thi tại điểm trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú), THPT Lê Quý Đôn (quận 3) và THCS Lý Phong (quận 5). Thông tin khá bất ngờ này được ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP HCM, Phó ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cho biết tại buổi họp báo của UBND TP HCM, tối 8/7. Ngoài ra, còn có 7 ca F1 liên quan đến kỳ thi. Các em này âm tính trong đợt xét nghiệm ngày 3/7, nhưng phụ huynh lại dương tính khi xét nghiệm cộng đồng vài hôm sau, nên không biết mình là F1, đã đến điểm thi.
TP HCM tính phương án xét tuyển lớp 10
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chưa thể diễn ra trong tháng 7 như dự kiến trước đó bởi dịch bệnh phức tạp. Sở đang xây dựng các phương án: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển để chuẩn bị cho các tình huống khác nhau. Đầu tháng 8, Sở sẽ trình các phương án này để UBND TP HCM quyết định.
Được biết, năm nay, TP HCM có 83.300 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 67.000. Kỳ thi dự kiến diễn ra ngày 2 và 3/6 tại 140 điểm thi nhưng sau đó bị hoãn.
3. Dư luận đến thời điểm này vẫn còn có ý kiến trái chiều về việc tổ chức thi cử, tức là không tránh khỏi tụ tập đông người, trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, đại diện Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh trước kỳ thi cho thấy "quan điểm của thí sinh mâu thuẫn với phụ huynh". Cụ thể, hơn 29% yên tâm và đồng ý cho con thi đợt 1; hơn 33% không yên tâm nhưng vẫn đồng ý, còn lại hơn 36% không yên tâm và không đồng ý. Sau khi được tham mưu, UBND TP HCM ra quyết định thi 2 đợt. Số lượng làm thủ tục đăng ký dự thi là hơn 95%.
Từ phía Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng, "Bộ không ép các địa phương tổ chức thi, trên cơ sở căn cứ các quy định, các địa phương được chủ động triển khai. Chúng ta không nên ứng xử riêng biệt với từng thí sinh mà ứng xử trên cơ sở gói tổng thể về việc xử lý dịch Covid-19 nói chung thì sẽ thấy hợp lý".
Cũng theo ông Trinh, những khâu liên quan đến phòng chống Covid-19 đều tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế. Ở một số địa phương như TP HCM, Phú Yên, Đồng Tháp, khi phát hiện thí sinh dương tính với SARS-CoV-2 trong buổi thi, các địa phương đã có cách xử lý phù hợp. "Những tình huống bất ngờ này đều nằm trong kịch bản tổ chức kỳ thi và đã được kích hoạt ngay lập tức. F0 được đưa đi cách ly, F1, F2 liên quan được thi giãn cách, thi ở phòng dự phòng và sẽ được đưa đi cách ly", ông Trinh nói.
Ngay sau kỳ thi đợt 1 kết thúc, từ ngày 9/7, các tỉnh, thành phải rà soát số lượng thí sinh thi đợt 2. Cũng ngay buổi thi ngoại ngữ chiều 8/7, nhiều thí sinh thi cùng phòng với ca F0 tại điểm thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP HCM, nán lại để chuẩn bị theo xe được phân phối đi cách ly theo quy định…
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), các mốc đáng chú ý thí sinh cần chú ý sau khi thi tốt nghiệp THPT năm 2021, bao gồm:
- Từ ngày 10/7 công tác chấm thi sẽ được tổ chức và phải xong trước ngày 24/7.
- Vào ngày 26/7/2021, Hội đồng thi công bố kết quả thi.
- Ngày 28/7 sẽ tiến hành xét công nhận tốt nghiệp.
- Trước 30/7: Sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT cho các thí sinh.
- Sẽ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho học sinh; in và gửi giấy chứng nhận kết quả cho học sinh chậm nhất ngày 2/8.
- Thu nhận đơn phúc khảo và nhận danh sách phúc khảo từ 26/7 đến 5/8.
- Chậm nhất vào ngày 20/8: Sẽ xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo cho các thí sinh.