Đến Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nhiều người nhắc tôi đừng bỏ lỡ cơ hội lên núi Thiên Ấn, bởi trên đó có nhiều chuyện lạ. Lạ nhất là chiếc giếng quanh năm không hết nước, được người dân gọi là “giếng Phật”.
Một góc chùa Thiên Ấn.
Chùa cổ trên núi cao
Nắng ở xứ Quảng quả thật là dữ dội, dù vậy, khi vừa men theo con dốc dài chạy quanh co sau lưng núi Ấn, chúng tôi đã nhận ra một không khí mát mẻ tràn ngập. Sừng sững trên triền núi rợp cây xanh, ngôi chùa Thiên Ấn hiện lên với vẻ cổ kính, an nhiên.
Lâu nay, người ta từng nói núi Ấn, sông Trà là 2 địa danh nổi tiếng, làm lên thương hiệu riêng của Quảng Ngãi. Trên núi Thiên Ấn (thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) có ngôi chùa cổ Thiên Ấn với chuông thiêng và “giếng Phật”.
Núi Thiên Ấn nằm trên ngọn đồi cao, tục danh là núi Hó, từ xưa đã được xem là “đệ nhất phong cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi với mỹ danh “Thiên Ấn niêm hà” (tức Ấn trời đóng trên sông). Sông ở đây là sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh, ngày xưa cá bống đầy sông. Sở dĩ núi có tên là Thiên Ấn vì đỉnh núi rộng, bằng phẳng, nhìn xa giống như một cái triện lớn. Sườn núi Thiên Ấn có nhiều cỏ tranh, phía đông sườn núi có chùa Thiên Ấn nằm giữa ùm cây cổ thụ rậm rạp.
Ấn tượng đầu tiên đó là một không gian thoáng, có cổng chùa cổ kính, mấy cây vạn tuế, dễ cả vài trăm tuổi. Chùa Thiên Ấn do thiền sư Pháp Hóa khởi công dựng vào năm 1694 và khoảng 1 năm sau thì hoàn thành. Thiền sư Pháp Hóa (1670 – 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến (Trung Hoa). Ban đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ, tịch mịch, sau đó được trùng tu mở rộng. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho nhà chùa biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946.
Một nhà sư trong chùa cho biết, chùa cũng đã trải qua 5 lần trùng tu, vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959. Từ khi khai lập đến nay, chùa đã có nhiều đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi chung là lục tổ. Phía sau chùa Thiên Ấn có khu viên mộ, nơi an táng của các vị sư tổ và các thiền sư trụ trì.
Gắn liền với chùa Thiên Ấn còn có sự tích của quả đại hồng chung linh thiêng. Chuông được dân làng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đúc cho chùa làng của mình, nhưng đánh không kêu. Vào năm 1845, Thiền Sư Bảo Ấn, là tổ thứ ba của chùa Thiên Ấn đang tham thiền, thì thấy có một vị hộ pháp bảo hãy tới thỉnh quả chuông ấy về chùa. Sau khi chuông được thỉnh về chùa Thiên Ấn, trong ngày lễ khai chuông, sau khi chú nguyện, thiền sư Bảo Ấn đã gióng lên những tiếng chuông trầm ấm ngân vọng khắp vùng. Hiện nay chuông này vẫn còn treo bên trái chính điện của chùa. Năm 1716, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biểu ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn Tự” cho chùa.
Giếng Phật hiện nay đã được bảo vệ.
Kỳ lạ giếng nước quanh năm không cạn
Nhiều người đến chùa Thiên Ấn khá bất ngờ khi ở trên núi cao có chiếc giếng quanh năm không cạn nước. Người ta gọi đây là “giếng Phật”. Những người dân sống quanh chùa cho biết, đây là giếng nước đầu tiên của vùng núi Thiên Ấn, có từ mấy trăm năm.
Giếng Phật sâu tới 21 m, đường kính 3 m, quanh năm nước trong mát. Những người bán hàng quan quanh chùa kể rằng, câu chuyện truyền lại về việc tổ Pháp Hóa đào giếng này cũng khá ly kỳ. Theo đó, giếng Phật phải đào mất 20 năm mới xong. Sau nhiều năm vỡ núi tìm nguồn nước, tưởng đã vô vọng, vị sư trụ trì đã đụng đến viên đá tảng chắn ngang nguồn nước. Đêm về, sư được báo mộng, nạy hòn đá lên sẽ có được nguồn nước thiêng. Khi nguồn nước phụt lên từ đáy giếng, vị sư cũng “hoá” theo dòng nước. Sau này, người dân có thơ rằng: “Ông thầy đào giếng trên non/ Đến khi có nước không còn thầy ơi!”
Dân trong vùng vẫn truyền tai nhau về việc nguồn nước giếng Phật là vô biên, có dùng máy bơm cũng không cạn. Riêng điều này đã là một sự lạ, bởi ở trên núi cao, lại ở một vùng đất nắng lửa quanh năm như Sơn Tịnh thì nguồn nước mát lành của chiếc giếng cổ này quả thật quý giá.
Du khách đến với núi Thiên Ấn.
Tuy nhiên, với nhiều người dân ở các tỉnh khác, người ta tìm về núi Thiên Ấn này bởi nghe đồn uống nước giếng Phật có thể “chữa được bách bệnh”. Lại có người kể, có người thân đi viện nằm vật vã hàng năm trời, bị bác sĩ đã “trả về” rồi, vậy mà lên chùa Thiên Ấn thắp hương xin nước giếng Phật về uống liền khỏi bệnh.
Những câu chuyện này cứ được truyền miệng, người nọ kể người kia, dần dần lan xa, nên có thể bắt gặp ở đây cả người dân các tỉnh miền Bắc lẫn người dân miền Nam. Chẳng rõ khi uống nước giếng Phật có hiệu nghiệm thật không, hoặc có thể do nước giếng trên núi cao này có chứa nhiều khoáng chất hữu ích cho cơ thể, khiến nhiều người tin tưởng. Thực hư ra sao, rất cần có sự kiểm nghiệm của các nhà khoa học. Nhưng có một điều rất thật, đó là dù nằm trên đồi cao hơn 100 m, nhưng nước ở giếng Phật chùa Thiên Ấn không bao giờ cạn, nước trong xanh, mát và ngọt.
Theo một vị lãnh đạo thị trấn Sơn Tịnh: Giếng ở chùa Thiên Ấn không bao giờ cạn là có thật, nhưng việc nhiều người tin nước giếng này biến thành “nước thiêng” chữa được bách bệnh thì chưa được khoa học kiểm nghiệm xác minh. Chúng tôi mong người dân không nên đồn thổi mà làm sai sự thật.
Thiên Ấn niêm hà được ví là “Đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng thắng cảnh - di tích vào năm 1990. Đây từng là nơi đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thi sĩ như: Cao Bá Quát, Bích Khê... nhất là hai nhà khoa bảng Nguyễn Cư Trinh và Phạm Trinh. |