Chúng tôi thật may mắn khi có được một người lái xe chẳng những nhiệt tình mà còn rất am tường về văn hóa xã hội, nhất là về du lịch. Thú thực khi ngó nhìn vào chiếc xe bảy chỗ đang đậu trước cửa khách sạn nhỏ nơi chúng tôi nghỉ, tôi đã nghĩ đó là một người đàn ông. Nhưng khi tôi đánh tiếng: “Chào bác tài”. Người ấy quay đầu lại. Thì ra đó là một người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi, ngồi tự tin sau tay lái.
Đúng là từ thành phố Quy Nhơn nếu muốn lên Tây Sơn xem “con gái Bình Định cầm roi đi quyền” cũng hơi xa. Còn nếu muốn ra Tam Quan “uống nước dừa ừng ực” cũng tầm đường đất dài như vậy. Cuối cùng chúng tôi đồng ý theo đề nghị của cô Hậu là “Các bác nên đi biển. Biển Bình Định rất sạch và đẹp”.
Vậy là điểm sẽ đến đầu tiên của chúng tôi là bãi biển Kỳ Co. Ái dà, cái tên nghe vừa lạ vừa hấp dẫn. Chiếc xe innova nhanh chóng lao đi. Chặng đường từ thành phố Quy Nhơn ra bãi biển Kỳ Co đủ dài để tôi tranh thủ hỏi chuyện, hơn nữa con đường này chạy như xuyên qua những trảng cát trắng nên khá êm ái. Thấy tôi mở cuốn sổ tay và cầm cây bút nên cô Hậu hỏi: “Bác là nhà báo à?”. Tôi gật đầu: “Cũng nghỉ hưu rồi”.
Xứ Nẫu là gì?
Theo như cô Hậu thì danh xưng “Xứ Nẫu” vốn là để chỉ cho hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, tuy nhiên mọi người thường mặc nhiên dành danh xưng đó cho Bình Định. Tôi hỏi: “Sao lại có danh xưng xứ Nẫu?”. Cô Hậu vừa nghiêng người đánh tay lái đoạn đi qua một khúc cua rộng vừa trả lời: “Nẫu ở đây các bác nên hiểu là không phải là “nẫu gan hay nẫu ruột” mà “Nẫu” gọi ở đây là chỉ về đơn vị hành chính”. Điều này thì giờ tôi mới biết, xưa nay cứ nghĩ “nẫu” là để chỉ về điều gì đó từa tựa như chuyện không vui.
Cô Hậu cho hay, từ dạo chúa Nguyễn Hoàng mở cuộc “hành phương Nam” thì vốn dĩ vùng đât dọc biển miền Trung này còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, những người dân theo Chúa đã tiến hành khai mở đất đai lập dần nên những làng những xóm ven biển. Những đơn vị hành chính lần lượt được hình thành. Dưới cấp huyện có cấp “Thuộc” dưới cấp “Thuộc” là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như phường nậu man.
Phường là các làng nghề có quy mô như “phường Lụa” chẳng hạn. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề người đứng đầu gọi là “đầu nậu”. Tôi vội à lên: “Thì ra “đầu nậu” mà ta hay gọi những người đứng ra làm một gì đó có vẻ không đàng hoàng lại bắt nguồn từ đây?”. Thực ra nghĩa của từ “Nậu” như cô Hậu giải thích thì đó là cách chỉ một đơn vị hành chính hay chỉ một nhóm người có cùng một nghề.
Cô Hậu nói thêm: “Ví dụ như chỉ nhóm người làm muối thì gọi là “nậu Rổi”, chỉ nhóm người đi cấy thuê thì gọi là “nậu Vựa”. Lâu ngày cách chỉ đơn vị hành chính ấy không được sử dụng nữa và “nậu” dần chuyển qua thành cách chỉ danh xưng ngôi thứ ba. Sau đó lại được gọi chệch đi thành “nẫu” một phần cũng do cách phát âm của người dân địa phương không rõ ràng phân biệt dấu hỏi với dấu ngã.
Bãi biển Kỳ Co
Chuyện vui làm con đường ngắn lại, thoáng cái xe đã tới điểm dừng. Tôi ngẩn ngơ nhìn cái bến tàu ồn ào như bến cá mà ngao ngán. Cô Hậu đến bên an ủi: “Các bác phải đi tàu một chặng nữa mới tới bãi biển Kỳ Co”. Nói rồi cô khoát tay chỉ: “Nó ở bên kia dãy núi. Tới đó các bác có khi lại không muốn về nữa”.
Bãi biển hay còn gọi là bãi tắm Kỳ Co là một vịnh nhỏ, được bao bọc bởi ba bề là núi. Điều khác biệt là dãy núi bao bọc bãi tắm không những là núi cao mà đó là một dãy núi vách gần như thẳng đứng, đá ở đây là thứ đá gan gà trơn trượt và không cỏ cây nào mọc được. Thảo nào muốn tới bãi tắm du khách phải đi tàu kiểu như “vòng từ ngoài biển vào”. Đó là một bãi tắm còn giữ nhiều nét hoang sơ, cát trắng mịn. Không khí nơi này vô cùng thoáng đãng, những làn gió mang theo hơi mặn chát đặc trưng của biển khơi làm tâm hồn mỗi người trở nên thư thái. Tuy nhiên, điều khiến Kỳ Co thu hút nhất chính là màu nước biển. Từ ngoài khơi vào bờ, nước biển được chia thành các dải màu, chuyển dần từ xanh đậm sang xanh dương rồi đến màu xanh ngọc bích trong vắt. Thả mình vào dòng nước trong xanh như nhìn sâu tận đáy này, du khách sẽ có cảm giác đang bơi giữa một hồ bơi khổng lồ, tuyệt đẹp.
Bấy giờ chúng tôi mới thấy lời của cô Hậu là đúng. Được thoả thích ngâm mình trong làn nước biển đủ màu khiến ai cũng hồ hởi. Anh chàng Cường, nhỏ tuổi nhất trong nhóm chúng tôi, thì luôn miệng hò hét. Chắc cậu ta đang thích mê tơi bãi tắm còn hoang sơ này.
Lại nhớ lúc còn ngồi trên xe tôi đã hỏi cô Hậu: “Sao lại tên là Kỳ Co?”. Cô Hậu cười: “Vì có người bảo đứng ở trên núi cao nhìn xuống bãi biển trông thấy nó giống như một con kỳ nhông nằm co mình nên gọi là kỳ co”. Cô Hậu khẽ đánh mắt sang nhìn tôi có vẻ thấy câu trả lời ấy chưa thỏa đáng, đúng là con gái Bình Định có khác, vừa giỏi võ lại vừa thông minh. Cô Hậu bảo: “Tên gọi Kỳ Co bắt nguồn từ tiếng Chăm. Tại vì ngày xưa nơi đây là đất của người Chăm, và cái tên nguyên gốc của nó là Kaico. Dịch ra tiếng Việt mình có nghĩa là: “Eo nhỏ – Biển nhỏ” – một bãi biển nhỏ, trong xanh và đẹp tuyệt vời. Người Việt mình nghe phát âm Kaico nhưng hay đọc ngắn gọn, lược bỏ và Việt hóa nên thành tên gọi là Kỳ Co”. Phải thế chứ, nói như thế mới đúng chứ, tôi thầm nghĩ.
Về ngôi mộ của Hàn Mặc Tử
Đầu giờ chiều khi chúng tôi từ Kỳ Co quay về thành phố Quy Nhơn. Chặng đường 25 cây số nhoáng cái đã tới thành phố. Hẵng còn sớm nên tôi đề nghị cô Hậu: “Giờ chưa hết giờ cô nhỉ?”. Cô Hậu đáp: “Dạ. Vẫn còn đủ để các bác tới thăm một địa điểm lý thú nữa”. Tôi vội hỏi: “Ta sẽ tới đâu vậy cô?”. Cô Hậu hồn nhiên đáp: “Thăm làng phong Quy Hòa”.
Làng phong Quy Hòa hay như tên gọi bây giờ là “Bệnh viện Phong và da liễu Quy Hòa” nằm cạnh thành phố Quy Nhơn. Hai bên chỉ ngăn cách nhau bởi một ghềnh đá nhô ra biển. Vì vướng ghềnh đá đó nên muốn vào “làng phong Quy Hoà” mọi người phải đi thêm 4 cây số nữa. Nói là “xa” nhưng thực ra thì hiện nay “làng phong Quy Hòa” thuộc phường Ghềnh Ráng của thành phố Quy Nhơn. Sự ngăn cách bởi ghềnh đá đã khiến lâu nay mọi người cứ nghĩ làng phong này “tách biệt” với cộng đồng. Hiện nay đây cũng là một địa chỉ du lịch cho du khách mỗi khi đến với Xứ Nẫu, nhất là cho những ai mến mộ tài thơ Hàn Mặc Tử.
Cô Hậu dừng xe rồi mới nở nụ cười, thì ra làng phong Quy Hòa khá đẹp, sạch sẽ và rất nên thơ. Bãi biển Quy Hòa khá thoáng, cát mịn và sóng vỗ dập dờn. Chúng tôi đứng trên bãi cát hưởng làn gió biển đâu như chừng mươi phút thì cô Hậu gợi ý, cô bảo: “Mời các bác tới viếng mộ Hàn Mặc Tử”. Hơi bất ngờ tôi hỏi lại: “Tưởng mộ của Hàn thi sĩ ở Ghềnh Ráng bên thành phố Quy Nhơn kia mà?”. Cô Hậu bảo: “Mộ Hàn Mặc Tử ở đây được xác định là mộ chôn lần đầu của Hàn thi sĩ”.
Tối hôm đó sau khi cơm nước xong chúng tôi quyết định lên Ghềnh Ráng. Đây là một vị trí rất thuận cho việc ngắm biển Quy Nhơn nhất là vào ban đêm. Đêm nay biển có trăng, ánh trăng soi lênh loáng trên miền nước biển dập dờn, ánh trăng như từ trong thơ Hàn Mặc Tử bước ra.