Văn hóa

Một Liên hoan nhiều cảm xúc

Phương Lan 05/12/2024 10:36

Liên hoan Múa châu Á năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã mang đến màu sắc văn hóa dân tộc phong phú của các quốc gia; phản ánh chân thực, sâu sắc, sinh động cuộc sống của xã hội và con người.

anhbaiduoi.jpg
Các nghệ sĩ tham dự Liên hoan Múa châu Á 2024. Ảnh: Phương Lan.

Đây là hoạt động thường niên được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Năm nay, Liên hoan diễn ra tại Hà Nội do Học viện Múa Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức.

Giám đốc nghệ thuật Liên hoan Múa châu Á năm 2024 Lee Chul-jin bày tỏ niềm hạnh phúc khi trở lại Hà Nội, nơi ông từng có cơ hội giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam cách đây 2 năm. “Tôi mong muốn đem Liên hoan Múa châu Á năm 2024 đến với Việt Nam để kết nối các nước châu Á đến Việt Nam như một cầu nối gắn kết các quốc gia châu Á qua nghệ thuật múa. Hy vọng rằng, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ xây dựng mối quan hệ gắn bó và thấu hiểu sâu sắc hơn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đầy cảm xúc này” - ông Lee Chul-jin cho biết.

Các tác phẩm tham gia Liên hoan năm nay được đánh giá là có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện rõ nội dung tư tưởng, hình tượng nghệ thuật và sự đầu tư tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện. Các yếu tố về cấu trúc tác phẩm, kết cấu ngôn ngữ múa, âm nhạc... được đảm bảo. Kỹ thuật biểu diễn của diễn viên tốt và tương đối đồng đều.

Một số tác phẩm nổi bật như: Múa truyền thống Jinju Gyobang Gutgeori Chum, tác phẩm múa quạt geomungo do 2 nghệ sĩ Hàn Quốc Cha Myung-hee và Hong Eun-joo thể hiện. Tác phẩm múa cổ điển Ấn Độ Baal Gopal Tarangam của nghệ sĩ Bijal Haria. Tác phẩm Múa đương đại Nhật Bản 52Hz do nghệ sĩ Takayoshi Tsuchida biểu diễn.

Liên hoan năm nay, các nghệ sĩ, diễn viên múa của Việt Nam mang đến nhiều màu sắc cho chương trình bằng các tác phẩm chất lượng như: “Dâng” của nghệ sĩ Nguyễn Đinh Bảo Bảo tới từ TPHCM; “Khúc biến tấu Cao Lan” của Nhà hát Nghệ thuật Dân tộc Việt Bắc; “Mùa hoa ban nở”, “Hy vọng”, “Giác ngộ” và “Ngày qua ngày” của Học viện Múa Việt Nam.

Với chủ đề “Giữ gìn bản sắc chung của châu Á thông qua nghệ thuật Múa và tăng cường mối quan hệ các nước trong khu vực”, chương trình biểu diễn như bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa. “Các nghệ sĩ múa từ nhiều quốc gia đã mang đến những tiết mục đặc sắc, vừa tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống, vừa lồng ghép yếu tố đương đại, tạo nên sự giao thoa độc đáo” - TS Nguyễn Thúy Nga - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam nói.

Có thể nói, Liên hoan Múa châu Á 2024 với sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực múa đã mang đến một tín hiệu tích cực cho tương lai chia sẻ, hợp tác bền vững của nghệ thuật múa tại khu vực châu Á. Sự kiện này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, mà còn thúc đẩy sự hợp tác nghệ thuật giữa các nước trong khu vực, mở ra những cơ hội mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một Liên hoan nhiều cảm xúc