El Nino gây nắng nóng, khô hạn và sa mạc hóa nhưng ngược lại khí hậu cực đoan lại gây ngập lụt nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Theo giới chuyên gia khí tượng, mùa hè năm 2023 là mùa hè khó dự đoán nhất trong lịch sử.
Mới đây, Hà Lan đã phải hứng một trận bão mùa hè mạnh nhất từng được ghi nhận ở nước này. Giao thông hàng không, đường sắt quốc tế rơi vào hỗn loạn. Trận bão Poly mang theo gió mạnh với tốc độ lên tới 146 km/h và mưa lớn đã càn quét miền Bắc Hà Lan. Do ảnh hưởng của bão, sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam - một trong những cảng hàng không nhộn nhịp nhất châu Âu đã phải hủy 400 chuyến bay.
Trong khi đó, các chuyến tàu Eurostar từ Amsterdam (Hà Lan) đến thủ đô London của Anh và các chuyến tàu cao tốc đến các thành phố Cologne và Hamburg của Đức buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Cơ quan khí tượng Hà Lan (KNMI) đã phải đưa ra cảnh báo “đỏ” - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo thiên tai, cho 4 vùng phía Bắc đất nước này. Chính quyền đã gửi cảnh báo qua điện thoại di động kêu gọi mọi người ở trong nhà, đồng thời yêu cầu người dân chỉ gọi cho các dịch vụ khẩn cấp trong các tình huống “nguy hiểm đến tính mạng” vì hệ thống bị quá tải.
Mùa bão Hà Lan thường kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, năm nay, nó lại xảy ra vào cuối tuần thứ 2 của tháng 7. Tới nay, Hà Lan ghi nhận cơn bão dữ dội nhất là vào đêm 31/1 đến ngày 1/2/1953 làm 1.836 người thiệt mạng.
Tại châu Á, những ngày qua Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng phải chịu tấn công của mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng.
Chính quyền Trung Quốc đã phải ban hành cảnh báo mưa lớn và nguy cơ thảm họa địa chất do mưa trên diện rộng ở khu vực miền trung và tây nam nước này. Mô tả của truyền thông địa phương, trận mưa lớn “50 năm mới có một lần” đã khiến 95.000 người tại tỉnh Hồ Nam bị ảnh hưởng. Chính quyền đã huy động hơn 3.000 nhân lực giúp người dân vùng thiên tai thoát nước, nạo vét, tiêu độc khử trùng.
Còn tại thành phố Trùng Khánh, 30 triệu cư dân đã chứng kiến đợt mưa cực lớn. Giao thông đường sắt bị gián đoạn. Theo tờ South China Morning Post, lũ lụt ở thành phố Trùng Khánh đã làm ít nhất 15 người thiệt mạng, hàng nghìn người khác phải sơ tán. Mưa xối xả khiến người dân ở 2 bờ sông Ngô Kiều (quận Vạn Châu) bị mắc kẹt trong nhà vì bao quanh là biển nước. Trong khi đó Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) đưa tin, đợt mưa này đã ảnh hưởng tới 37.000 người trong quận Vạn Châu (thành phố Trùng Khánh). Chính quyền địa phương đã nâng mức ứng phó thảm họa lên cấp 3, mức cao thứ ba trong hệ thống ứng phó khẩn cấp lũ lụt và hạn hán gồm 4 cấp ở Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong khi lũ lụt nặng nề tại Tây Nam Trung Quốc thì Bắc Kinh lại đối mặt với sóng nhiệt trong 10 ngày liên tiếp nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Lần gần đây nhất nền nhiệt này diễn ra là vào năm 1961.
Cùng thời điểm khi nhiều địa phương Trung Quốc bị mưa lớn tấn công thì tại bang Gujarat (Ấn Độ), mưa lũ cũng đã làm 12 người thiệt mạng. Truyền thông Ấn Độ đưa tin, trong số các nạn nhân thiệt mạng, có 6 người tại huyện Jamnagar. Các trường hợp khác được ghi nhận tại 3 huyện Amreli, Botad và Anand. Trận mưa lớn trút xuống khu vực Visavadar (huyện Jamnagar) lên tới 349 mm chỉ trong 1 ngày.
Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo khả năng mưa to đến rất to tại bang Uttarakhand vẫn tiếp tục. Cảnh báo đỏ về mưa cực lớn đã được ban bố tại điểm du lịch nổi tiếng ở bang này. Mưa lớn cũng gây ra các vụ sạt lở đất tại nhiều vùng của bang Himachal Pradesh.
Theo giới chuyên gia khí tượng, mùa hè năm 2023 là mùa hè khó dự đoán nhất trong lịch sử, khi mà nơi thì hạn hán, nắng nóng dữ dội, nơi mưa như trút. Và điều này được cho rằng sẽ còn diễn biến phức tạp cho tới tháng 11 năm nay.
Ngày 10/7, Cơ quan Quản lý thảm họa Quốc gia (NDMA) của Pakistan chính thức cho biết, tỉnh Punjab ở miền Đông nước này bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các đợt mưa lũ với 43 người chết, 82 người bị thương. Những trận mưa xối xả cũng làm hư hại 44 ngôi nhà và chết nhiều gia súc. Trong khi đó, tại tỉnh Balochistan phía Tây Nam, 5 người đã thiệt mạng và 8 người bị thương. Tại thủ phủ Lahore, mưa lớn kéo dài đã gây ra nhiều đợt lũ lụt, nhấn chìm nhiều khu vực dân cư và làm gián đoạn giao thông đường bộ trong nhiều giờ. Theo số liệu do Cơ quan nước và vệ sinh Pakistan, lượng mưa lên tới 291mm đã được ghi nhận tại các khu vực của Lahore đã gây số sự cố điện giật và sập nhà. Lũ quét tại một số khu vực của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Như vậy tính từ đầu năm tới ngày 10/7, đã có ít nhất 67 người thiệt mạng và 125 người khác bị thương trong các vụ tai nạn liên quan đến mưa lũ ở Pakistan.