Một năm vụ nổ Cảng Beirut: Nỗi mất mát chưa vơi

Hà Anh 06/08/2021 08:45

Một năm kể từ vụ nổ kép, gây ra bởi một lượng lớn chất hóa học amoni nitrat được lưu giữ tại cảng Beirut trong nhiều năm, Leban đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, còn người dân nước này vẫn chưa có được một lời giải thích thỏa đáng bởi chưa có ai đứng ra giải trình và nhận trách nhiệm sau vụ nổ kinh hoàng.

Tổn thất tinh thần và khủng hoảng kinh tế

Cách đây 1 năm, vào ngày 4/8/2020, thủ đô Beirut của Liban bất ngờ rung chuyển bởi hai vụ nổ kinh hoàng tại khu vực Cảng Beirut. Vụ nổ kép đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Ít nhất 218 người đã thiệt mạng và hơn 7.500 người khác bị thương, trong khi hơn 300.000 người mất nhà cửa.

Vụ nổ khiến phần lớn thủ đô Beirut, được mệnh danh là “Paris của Trung Đông” bị hủy hoại. Tổng thiệt hại về tài sản ước lên tới 15 tỷ USD. Đây là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được ghi nhận, được cho là do 2.750 tấn amoni nitrat bị bỏ lại tại Cảng Beirut từ năm 2013 gây ra.

Một năm sau sự kiện đáng quên trên, Liban tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế, trong bối cảnh lạm phát ngày một leo thang, đồng nội tệ mất giá thảm hại.

Liban hiện đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế-tài chính hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của nước này. Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mỳ, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong những tháng qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) miêu tả đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2021, WB đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Libanon là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.

WB ước tính, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Liban năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong năm 2019. Trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020. Lạm phát luôn ở mức trung bình 84,3% trong năm 2020, do giá các mặt hàng liên tục leo thang.

Do khủng hoảng tài chính, GDP thực của Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm 2021. Nền kinh tế Liban nếu tính theo đồng USD có thể chỉ còn 15 tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức 40% và một nửa dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ.

Theo đánh giá của giới phân tích, Liban hiện rất cần một gói cứu trợ quốc tế rộng lớn. Khoản viện trợ cần cho Liban lúc này có thể lên tới 357 triệu USD, (theo ước tính của Liên hợp quốc), để giải quyết các vấn đề cấp bạch liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, y tế và cung cấp nước sạch.

Bên cạnh đó, những tổn thất về tinh thần đối với các trẻ em ở Liban cũng đang được cho là một vấn đề nan giải. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), một năm sau vụ nổ khủng khiếp tại cảng Beirut, 1/3 gia đình tại Liban có trẻ em vẫn có dấu hiệu sang chấn tâm lý.

Bà Yukie Mokuo, đại diện UNICEF tại Liban nói: “1 năm sau sự kiện bi thảm đó, cuộc sống của trẻ em vẫn bị tác động sâu sắc. Những gia đình đó đang phải vật lộn để khôi phục cuộc sống sau hậu quả của vụ nổ”.

Bà Mokuo nhấn mạnh, cuộc sống của trẻ em gặp nhiều rủi ro trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh leo thang làm phần lớn các gia đình không thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản.

Theo UNICEF, gần như tất cả các gia đình yêu cầu trợ giúp sau vụ nổ ở cảng Beirut vẫn cần giúp đỡ, đặc biệt là tiền mặt và lương thực.

Nỗi đau chưa vơi

Tuyên bố trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ tại Cảng Beirut được tổ chức hôm 4/8, Giáo sĩ Cơ đốc giáo cấp cao Maronite Bechara Boutros Al-Rai của Leban khẳng định, không thể có quyền miễn trừ truy tố trong vụ nổ thảm khốc tại cảng Beirut. Ông Bechara Boutros Al-Rai cho rằng, các quan chức đang trốn tránh việc điều tra trong khi nhiều người Leban vẫn đang miệt mài đi tìm công lý sau 1 năm xảy ra vụ nổ kép.

Một năm sau vụ nổ, tiến trình điều tra vẫn chưa có kết quả và bị đình trệ bởi quyền miễn trừ đối với các cựu quan chức. Từ đó, không có quan chức cấp cao nào ở Liban có trách nhiệm giải trình về vụ việc khiến nhiều người dân thất vọng.

Ngay cả trước đó, làn sóng biểu tình đòi công lý đã nổ ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước Liban, khiến Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức vào ngày 10/8/2020.

Các hóa chất đã đến trên một con tàu chở hàng thuê của Nga đã dừng lại đột xuất ở Beirut vào năm 2013. Reuters công bố một báo cáo của FBI vào tuần trước cho biết, ước tính khoảng 552 tấn amoni nitrat đã phát nổ, ít hơn nhiều so với 2.754 tấn lưu trữ tại cảng.

Giáo sĩ Cơ đốc giáo cấp cao Maronite Bechara Boutros Al-Rai bày tỏ: “Thật đáng xấu hổ khi các quan chức trốn tránh cuộc điều tra dưới vỏ bọc miễn trừ, không có quyền miễn trừ nào chống lại công lý”.

“Chúng tôi muốn biết ai đã mang chất nổ vào ..., ai cho phép dỡ hàng và cất giữ, ai đã loại bỏ số lượng chất nổ và nó được gửi đi đâu”, ông Al-Rai nói.

Thiệt hại vẫn có thể nhìn thấy ở phần lớn Thủ đô Beirut của Leban, đặc biệt là các quận có số đông dân theo đạo Thiên chúa ở phía Đông Beiru. Cảng Beirut hiện giống như một bãi bom khổng lồ, nó vẫn chưa được sửa chữa.

Hàng nghìn người dân Leban đã tham dự lễ tưởng niệm, trong đó có nhiều người cầm theo di ảnh của người thân, những người đã thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng 1 năm trước, không thể kìm nén được cảm xúc khi nhớ lại ngày kinh hoàng.

“Chúng tôi sẽ không quên và không tha thứ. Nếu họ không thể giải trình được, chúng tôi sẽ tự làm”, bà Hiyam al-Bikai ôm chặt bức ảnh của cậu con trai đã mất trong vụ nổ bức xúc.

Điều hành các buổi cầu nguyện tại một bệnh viện bị hư hại nặng trong vụ nổ, Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp Elias Audi cũng cho biết, không ai có thể đứng trên luật pháp và “bất cứ ai cản trở công lý đều là tội phạm, ngay cả khi họ có vị trí cao”.

Thủ tướng mới được chỉ định của Liban Najib Mikati mới đây cũng khẳng định, ông ủng hộ một cuộc điều tra minh bạch về vụ nổ tại Cảng Beirut.

Vụ nổ kép kinh hoàng tại Cảng Beirut của Liban là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được ghi nhận, vụ nổ đã khiến ít nhất 218 người đã thiệt mạng và hơn 7.500 người khác bị thương, trong khi hơn 300.000 người mất nhà cửa. Sự ảnh hưởng của nó còn được cảm nhận ở Síp, cách đó hơn 240 km.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một năm vụ nổ Cảng Beirut: Nỗi mất mát chưa vơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO