Chị Yến từ chối một công việc tốt và cuộc sống đầy đủ ở thành phố để về vùng rừng núi dù bị nói là “khác người”.
Để có cuộc điện thoại với chúng tôi, chị Trương Hải Yến phải ra Thị trấn Đam Rông, Lâm Đồng - nơi cách chiếc lều chị sinh sống (ở xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) 8 km. “Tại thị trấn, sóng điện thoại tốt hơn”, chị lý giải.
Nơi chị ở không có điện, không có sóng điện thoại và phải hứng nước từ mạch ngầm để sinh hoạt. Mỗi lần muốn dùng mạng internet, chị phải trèo lên ngọn đồi cao nhất. Muốn mua sắm các thiết bị, đồ ăn và sạc pin điện thoại, máy tính… chị phải ra trung tâm thị trấn, cách đó 8km.
Khi được hỏi: “Sống như vậy có bất tiện không?”, chị lắc đầu cười. “Trái lại, tôi thấy rất thú vị”, người phụ nữ sinh năm 1983, quê ở Kiên Giang, nói về cuộc sống trên đỉnh đồi của mình.
Từ bỏ chuỗi ngày “chấm công” ở văn phòng
Tốt nghiệp một trường đại học ở TP HCM, chị Trương Hải Yến dành nhiều năm làm việc ở thành phố này để tìm cho mình một chỗ đứng. Từ năm 2011, chị về đầu quân cho doanh nghiệp nhà nước khá lớn.
Ở đây, chị đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm kinh doanh và marketing. Công việc cho chị thu nhập tốt, cơ hội thăng tiến và những người đồng nghiệp rất thân thiện. Nhưng chị Yến thừa nhận, cũng có lúc như bất cứ nhân viên văn phòng nào, chị không tránh khỏi những áp lực, lo lắng của cuộc sống hiện đại.
“Tôi vốn là người có khuynh hướng sống gần gũi thiên nhiên và muốn làm công việc về lĩnh vực môi trường. Tôi có ý định “bỏ phố về rừng” từ trước đó nhưng đến năm 2018 mới mạnh dạn viết đơn xin nghỉ việc”, chị kể.
3 lần chị nộp đơn đều bị người sếp gạt đi. Cuối cùng, biết không thể giữ chân chị, người người quản lý nói, chị có thể ra đi, thỏa đam mê “bay nhảy”. Khi nào “mỏi gối chùn chân”, chị vẫn có thể quay về với công việc cũ.
“Tôi nghỉ việc đã hơn 3 năm nhưng hiện tại, thỉnh thoảng trong các cuộc nói chuyện, sếp vẫn gợi ý tôi quay về”, chị kể.
Chị Yến vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình, dù từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để “về rừng”, chị nhận không ít lời nhận xét là “hâm dở”, “khác người”.
Năm 2018, từ Sài Gòn, chị ra làm việc tại một trung tâm chuyên bảo tồn thiên nhiên hoang dã ở rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Sau 2 năm làm việc ở Ninh Bình, đầu năm 2020, người phụ nữ này chuyển về sống tại Tây Nguyên.
Ở đây, chị cùng 3 người bạn mua 50 ha đất, bao gồm 9 ngọn đồi lớn, nhỏ, để phát triển trang trại. Trên diện tích đất này, họ thuê người dân tộc Ê Đê trồng cây ăn quả, rau sạch… Họ cũng phát triển xưởng sản xuất trà, nhang (hương) từ thảo mộc. Các hoạt động này giúp người bản địa có công ăn việc làm. Doanh thu từ việc kinh doanh, chị Yến và cộng sự dùng để làm các dự án thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào dân tộc.
Cuộc sống chốn rừng hoang
“Nơi tôi sống là một căn chòi trên đồi, không điện, không sóng điện thoại. Trang trại chỉ có một tấm pin năng lượng mặt trời đủ để sạc đèn nhỏ. Đây là nơi khá biệt lập, mỗi ngọn đồi chỉ có một hộ dân sống”, chị Yến chia sẻ.
Mỗi sáng, chị Yến dành thời gian để kiểm tra các hoạt động tại trang trại. Sau đó, chị lên ngọn đồi cách chiếc lều chị sống 800m - nơi có sóng internet, để hoàn thành các báo cáo, xử lý công việc.
Buổi chiều, chị Yến dành thời gian ra trung tâm thị trấn để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cho công nhân. Đây cũng là thời gian để chị nạp pin cho máy tính và điện thoại. Buổi tối, chị mắc võng ngủ trên đồi.
“Tôi muốn trực tiếp tương tác với thiên nhiên để cảm nhận được gió, sương, trăng đêm… Tôi không muốn sống với bốn bức tường bao bọc quanh mình”, chị nói.
Trở về rừng, chị Yến sống theo "chủ nghĩa freegan" - hạn chế sự tiêu thụ và bảo vệ môi trường bằng cách giảm rác thải, không mua đồ dùng mới và tận dụng, tái sử dụng thực phẩm, hàng hóa cũ.
Là một người phụ nữ, nhưng chị nói không với trang sức, mỹ phẩm. Nhiều năm nay, chị Yến không dùng dầu gội, sữa tắm. Thay vào đó, họ tắm bằng chanh và muối, gội đầu bằng nước sả, bồ kết, vỏ bưởi…
“Tôi cũng tự cắt tóc để không tốn tiền và không phải dùng dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm... Về chuyện ăn uống, tôi chủ trương ăn chay với rau, củ quả. Vì nhu cầu của bản thân rất thấp nên tôi mới có thể sống được trong môi trường rừng núi này”, người phụ nữ 37 tuổi kể.
Để hướng tới cuộc sống đơn giản, hạn chế tiêu thụ, chị hình thành các thói quen như từ chối túi nilon, đồ nhựa dùng một lần. Chị Yến cũng hạn chế mua sắm quần áo, giảm rác thải thời trang. Để đáp ứng các nhu cầu tối giản, chị tìm cách tái chế, sử dụng đồ cũ…
Đồng thời, chị và nhóm bạn đang sống và làm việc tại trang trại cũng rất chú ý đến vấn đề xử lý rác thải.
“Chúng tôi tìm cách để không tạo ra rác thải, đặc biệt là các loại rác thải nhựa, phải xử lý bằng cách đốt”, chị nói thêm.
Họ hình thành thói quen phân loại rác. Với rác hữu cơ, họ bỏ ra đất rừng làm phân cho cây, làm thức ăn cho côn trùng và động vật nhỏ trong rừng. Với rác vô cơ (chai nhựa, bao bì gói thức ăn, đồ hộp...), họ đốt hoặc bán ve chai theo dạng rác có thể tái chế.
“Khi bạn thực sự nghĩ cho môi trường và thiên nhiên, bạn sẽ hành động khác, thay vì nuông chiều thói quen tùy tiện của mình, mà thời nay người ta gọi là tiện lợi và hiện đại”, chị Yến nhấn mạnh.
Không cảm thấy bất tiện, trái lại chị Yến dần quen với cuộc sống ở núi rừng.
“Vì công việc, thỉnh thoảng tôi phải đi công tác ở TP HCM, Hà Nội, Ninh Bình… Dù mỗi chuyến đi chỉ đi vài hôm nhưng tôi cũng thấy rất nhớ rừng”, chị nói.
“Từ ngày tôi còn bé, ba mẹ luôn tôn trọng và tin tưởng mọi quyết định của con. Khi biết tôi bỏ phố về rừng, ba mẹ tôi không hề ngăn cản. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy ngày càng yêu mến với công việc, con người và thiên nhiên nơi đây.
Tôi thuyết phục ba mẹ chuyển lên đây sinh sống nhưng họ đang tuổi nghỉ hưu, thích cuộc sống vui vẻ với bạn bè ở thành phố, nên chưa đồng ý”, chị Yến chia sẻ thêm.