Không phân biệt nơi khám, chữa bệnh ban đầu
Theo Công văn số 2259 của BHXH Việt Nam về khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giai đoạn dịch bệnh COVID-19 quy định: Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì BHXH tỉnh thông báo và hướng dẫn để người bệnh BHYT được KCB tại cơ sở KCB thuận lợi nhất trên địa bàn, không phân biệt nơi đăng ký KCB ban đầu.
Điều này được hiểu là người tham gia BHYT có thể đi đến tất cả các bệnh viện khác với nơi đăng ký KCB ban đầu để khám, chữa bệnh thì vẫn được xem như đi đúng tuyến và được hưởng quyền lợi KCB BHYT.
Ngoài ra, Công văn 2259 còn quy định người bệnh BHYT được làm các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và được quỹ BHYT hoặc ngân sách nhà nước chi trả theo quy định.
Được xin cấp lại thẻ BHYT ở bất cứ đâu
Ngày 16-8, BHXH Việt Nam đã ra Quyết định 811/QĐ-BHXH về việc sửa đổi, bổ sung quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT,…
Theo đó, BHXH huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT mà không thay đổi thông tin theo mẫu BHYT mới cho người tham gia BHXH ở những huyện, tỉnh khác.
Trong khi đó trước đây, tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, BHXH Việt Nam chỉ quy định BHXH huyện, tỉnh nào thì có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT đối với thẻ không thay đổi thông tin cập nhật ở huyện, tỉnh đó.
Như vậy, hiện nay người tham gia BHYT khi bị mất thẻ, thẻ bị rách, hư hỏng có thể đến làm thủ tục đổi lại thẻ (mà không thay đổi thông tin) tại bất cứ BHXH huyện hay tỉnh nào trong cả nước.
Quy định này tạo điều kiện cho người dân, nhất là người ở quê đi làm ăn xa, thuận tiện trong việc đổi lại thẻ BHYT khi cần thiết mà không phải về quê để đổi.