Một sự việc, nhiều câu hỏi

Lê Anh Đức 04/05/2020 08:00

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 đến 2/5) đã xảy ra 91 vụ tai nạn giao thông (TNGT), khiến 61 người chết, 48 người bị thương. Như vậy bình quân mỗi ngày có 30,3 vụ TNGT và có hơn 20,3 người chết, tăng hơn 2,9 vụ TNGT và tăng hơn 1,1 người chết so với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2019. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao số vụ TNGT và số người chết năm nay đều tăng so với năm 2019, trong khi vừa hết giãn cách xã hội, người đi lại chưa thật đông.

Theo lý giải của Cục CSGT (Bộ Công an), nguyên nhân số vụ TNGT và số người tử vong tăng do nhiều nguyên nhân như: Đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát gây tai nạn; sử dụng rượu bia; vượt xe không đúng quy định; chuyển hướng không đúng quy định; không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước... Song, có lẽ cách lý giải trên chưa thực sự thuyết phục, bởi những lỗi vi phạm giao thông mà Bộ Công an đưa ra thì năm nào mà chẳng có.

Việc người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn làn... là những lỗi vi phạm phổ biến luôn xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm chứ không nhất thiết là trong dịp nghỉ lễ. Vậy tại sao trong mỗi dịp nghỉ lễ con số thương vong lại tăng đột biến? Khi lý giải được đúng bản chất thực sự của vấn đề, cơ quan chức năng mới có thể kiềm chế và kiểm soát được các vụ TNGT, giảm thiểu số người chết và bị thương. Nếu vẫn chỉ thấy phần “ngọn” thì sự việc tương tự sẽ tiếp tục lặp lại vào năm sau.

Các cơ quan chức năng đã khá đau đầu trong việc tìm cách kéo giảm số vụ TNGT hàng năm, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết. Song, có vẻ như mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng đều chưa tỏ ra hữu hiệu, không phát huy hiệu quả rõ rệt. Điều đó được chứng minh bằng các con số, có đôi khi số vụ TNGT, số người chết và bị thương giảm nhẹ, nhưng có lúc những chỉ số này lại tăng vọt đột biến. Những “con số biết nói” đó cho thấy rõ các biện pháp đưa ra chưa thực sự giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Nói như vậy sẽ có ý kiến đặt vấn đề, vậy thì tác nhân chính khiến số vụ TNGT, số người chết và bị thương tăng là gì? Tất nhiên, nguyên nhân của TNGT có gì khác ngoài ý thức của người tham gia giao thông, trình độ lái xe, hạ tầng giao thông... Song, ngay cả khi nói rằng ý thức của người tham gia giao thông kém, phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, lấn làn... thì đó mới chỉ là hiện tượng bên ngoài, cần phải chỉ ra cho được nguồn gốc sâu xa vì sao người tham gia giao thông có ý thức kém.

Hay nói trình độ lái xe của người tham gia giao thông kém thì phải nghĩ ngay đến chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe của các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, cũng như khâu kiểm tra, giám sát và cấp bằng lái xe của ngành GTVT. Quy định pháp luật đã có và đã rõ, đó là những người chưa đạt trình độ lái xe theo quy định của luật thì đương nhiên thi sẽ không đỗ, không được cấp giấy phép lái xe. Nếu làm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật thì làm sao có thể “lọt” lái xe không đủ trình độ ra đường?

Trên thực tế, có không ít chiếc xe không đạt chuẩn kỹ thuật vẫn được các trung tâm đăng kiểm “duyệt” cho tham gia giao thông thì làm sao tránh khỏi gây tai nạn? Đã bao giờ các cơ quan hữu trách đặt vấn đề, hoặc “tìm hiểu sâu” những vụ việc phương tiện giao thông mất phanh, bốc cháy, hay mất lái do thủng lốp trước... là do trách nhiệm của các trung tâm đăng kiểm chưa? Chắc chắn là chưa hoặc nếu có thì cũng chưa điều tra đến nơi đến chốn, bởi cho đến nay chưa có nhân viên đăng kiểm hay trung tâm đăng kiểm nào phải chịu trách nhiệm cho những vụ TNGT trên đường cả.

Qua những phân tích ở trên có thể thấy rằng, việc kéo giảm số vụ TNGT, số người chết, bị thương hoàn toàn có thể thực hiện được chứ không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”. Khi đã “bắt mạch” đúng bản chất thực sự của các vụ TNGT thì có thể đưa ra được liệu pháp chữa trị chuẩn, kê đơn thuốc đặc trị để kiềm chế, kiểm soát vấn nạn TNGT. Liệu người tham gia giao thông có dám nhờn luật không nếu chế tài nghiêm khắc, không được lực lượng chức năng bảo kê mà kiên quyết xử lý? Liệu có xuất hiện những tay lái non trên đường, thậm chí còn không đọc được biển báo đường bộ, khi công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe làm chặt, chuẩn, đúng quy định, không có sự nhấm nháy móc ngoặc? Liệu có phương tiện nào quá cũ nát gây TNGT nếu như cơ quan đăng kiểm làm tròn phận sự của mình, không có sự “tặc lưỡi” cho qua những phương tiện không đảm bảo kỹ thuật? Liệu có thể xảy ra TNGT nếu hạ tầng giao thông không bị quá tải do tăng dân số cơ học quá nhanh tại các tỉnh, thành phố? Một sự việc những có quá nhiều câu hỏi. Các cơ quan chức năng cần đối diện với sự thật mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một sự việc, nhiều câu hỏi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO