Chính phủ đã ban hành Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với nhiều đối tượng: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009, Nghị định 34/2019, Nghị định 121/2003, Nghị định 09/1998 của Chính phủ.
Cùng đó, là những người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000, Quyết định 613/QĐ-TTg, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 206-CP về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc. Đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT về việc sửa đổi một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường; Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008 (được sửa đổi bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg); Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg; Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, cũng được tăng lương hưu đợt này.
Bên cạnh đó, các đối tượng nêu trên nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định Nghị định 108/2021/NĐ-CP mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng cũng sẽ được tăng lương hưu từ ngày 1/1/2022.
Như vậy, có thể thấy đợt tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng lần này dành cho nhiều nhóm đối tượng, cũng có nghĩa là số người được thụ hưởng trong cả nước là khá lớn.
Thực tế cho thấy, người về hưu, đối tượng bảo trợ cấp thu nhập của họ thấp. Nhiều người hầu như không có thu nhập thêm ngoài lương hưu hàng tháng, với những người thuộc đối tượng bảo trợ lại càng khó khăn hơn. Nhiều người trong số họ phải dựa vào con cái nên đời sống khó khăn, bí bách.
Tuy người cao tuổi, người thuộc diện trợ cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày không nhiều nhưng số tiền dành cho việc duy trì sức khỏe, khám chữa bệnh lại rất lớn. Cho dù có bảo hiểm y tế đi chăng nữa thì bản thân họ cũng như người thân trong gia đình phải tìm cách có tiền để lo cho việc đó.
Nói riêng về người đã về hưu, thì nhìn chung nguồn thu nhập duy nhất của họ chỉ là trông vào những đồng lương hưu từ bảo hiểm xã hội mỗi tháng. Trong khi người nhận được lương hưu thấp thì họ lại phải chấp nhận cuộc “rượt đuổi” với giá cả thị trường. Trong cuộc rượt “đuổi ấy”, họ luôn là người rớt lại phía sau.
2 năm qua, dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống của người dân nói chung gặp khó khăn, càng khó khăn hơn với người về hưu, tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút lại chỉ có rất ít nguồn thu nhập, không có tích lũy. Vì thế sự độc lập tương đối của họ bị thu hẹp trong lúc sự phụ thuộc lại tăng lên.
Vì vậy việc Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cho các nhóm đối tượng này kể từ ngày đầu tiên của năm mới 2022 là một tin vui, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân, trong đó có những người yếu thế.
Đất nước đang rất khó khăn khi dịch Covid-19 kéo dài vắt từ năm này sang năm khác, phía trước cũng chưa rõ dịch bao giờ chấm dứt, thì việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng là nỗ lực rất lớn, thể hiện tính ưu việt của chế độ.
Sau đợt điều chỉnh này đối với người về hưu, đối tượng trợ cấp xã hội, người lao động cũng rất mong sớm được điều chỉnh tăng lương, vì rằng đã 2 năm “lỡ hẹn”, chưa tăng.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 ngay trong quý I/2022. Điều đó được đông đảo người lao động mong đợi.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dù đang trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh kéo dài cũng ủng hộ việc tăng lương này.