Thời hạn “chốt” mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp (DN) đã ở rất gần (hết năm 2020). Thế nhưng, đến thời điểm này, số DN hiện đang hoạt động trên cả nước vẫn chưa vượt quá con số 800 ngàn, chưa kể nhiều DN đang có nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản. Làm sao để hiện thực hóa mục tiêu này? Đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi khi mà vẫn còn quá nhiều rào cản khiến cho nhiều DN e ngại và sợ hãi.
Chỉ dành thời gian tiếp thanh tra
Việc phải thường xuyên tiếp xúc với các đoàn thanh tra, kiểm tra là một trong những “cực hình” của các DN, là lý do lớn nhất “cản chân” khiến DN không cảm thấy hào hứng khi tham gia môi trường kinh doanh. Nhiều DN cho biết, họ phải dành nhiều thời gian cho việc ứng phó với các đoàn kiểm tra, thay vì tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhận định về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra khiến cho các DN lúc nào cũng trong tâm trạng bất an, làm ăn không yên khi hôm nay chưa lo xong đoàn thanh tra này, mai lại phải gặp đoàn kiểm tra khác. Nhiều DN cho biết, họ phải tốn nhiều chi phí “lót tay” cho các đoàn thanh tra, kiểm tra nếu không muốn bị “hành”.
Thanh tra, kiểm tra, lẽ ra là một hoạt động tích cực nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của DN, đồng thời giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Song, nay các cuộc thanh tra, kiểm tra lại trở thành nỗi “ám ảnh” của cộng đồng DN, khi họ phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Không chỉ phải tiếp các đoàn kiểm tra cấp trung ương, cấp tỉnh, DN còn phải tiếp các đoàn kiểm tra cấp quận, thậm chí cấp phường, cấp xã, rồi cả các đoàn... nhà báo tới “tìm hiểu” thực tế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), ở nhiều nơi, hiệu quả quản lý của việc thanh tra, kiểm tra chưa thấy đâu, mà thực tế gánh nặng thanh tra lại là ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp. Đó là tần suất thanh tra, kiểm tra quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà, thậm chí có đoàn công khai vòi vĩnh lót tay. Từ đó tạo thêm chi phí lớn gây áp lực cho DN, làm gián đoạn công việc kinh doanh và triệt tiêu khả năng cạnh tranh.
Chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Đặng Nguyễn T., chủ một DN nhỏ và vừa chuyên sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nhôm kính, vật liệu xây dựng cho biết, mấy ngày qua ông đau đầu, khốn khổ vì phải tiếp một đoàn nhà báo. Chìa cho tôi xem hình chụp tấm giấy giới thiệu của một tờ báo điện tử tên lạ hoắc, ông T. hỏi tôi có biết vị tổng biên tập của tờ báo này không? Tôi đọc tên và cố lục trong trí nhớ của mình nhưng không thể nhớ nổi vì tên của vị tổng biên tập tờ báo điện tử kia quá lạ trong làng báo. Theo chia sẻ của vị chủ DN, mấy hôm nay, có vài nhà báo mang giấy giới thiệu đến và tra hỏi đủ thứ chuyện. “Khổ nỗi, cứ nhằm tôi đi vắng là họ lại mò đến hành nhân viên của tôi. Cực chẳng đã tôi đã yêu cầu nhân viên tìm cách “lót tay” để đoàn “kiểm tra” đi cho yên chuyện nhưng được vài hôm họ lại đến hạch sách này nọ”- ông T. bức xúc.
Không “lót tay” sẽ bị hành
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ một xưởng sản xuất đồ nhựa gia dụng tại Phú Thọ cũng rất bức xúc cho biết, ông phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra rất thường xuyên. Ông Dũng chia sẻ: “Mỗi lần tiếp, là lại mất một khoản “lót tay”. Nếu không, lại bị “hành” đủ kiểu”. Trao đổi với chúng tôi, một CEO hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm sạch cho biết, có đợt chỉ trong vòng 20 ngày đã phải tiếp tới... 7 đoàn vừa thanh tra, vừa kiểm tra.
Số liệu khảo sát trên 10.000 DN cả nước của VCCI cho thấy, có đến xấp xỉ 80% số DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. Đối với những doanh nghiệp mới thành lập, mức chi phí này còn cao hơn, ít thì vài triệu, nhiều thì vài chục triệu đồng. Nếu không chịu bỏ ra khoản phí này, DN có thể sẽ bị “hành” đủ kiểu. Việc phải bỏ ra những khoản chi phí không nhỏ cho các đoàn thanh tra, kiểm tra khiến cho DN đội thêm gánh nặng chi phí, kéo giảm sức cạnh tranh. Đó là còn chưa kể không thể tập trung sản xuất kinh doanh mà chỉ nơm nớp nỗi lo bị... hành.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, những cuộc thanh tra, kiểm tra với tần suất lớn như vậy trở thành rào cản lớn khiến các DN cảm thấy lo sợ không yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh. Điều này vô hình chung làm ảnh hưởng đến mục tiêu đến hết năm 2020, cả nước đạt 1 triệu DN của Chính phủ. Đó còn chưa kể, đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 3 tháng đầu năm khiến cho số DN buộc phải rời bỏ thương trường gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2020, có tới 86% DN tạm ngưng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Con số này thực sự rất đáng lo với mục tiêu 1 triệu DN cho đến hết năm nay.
Đáng chú ý, theo số liệu mới nhất vừa được VCCI công bố, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có tới 14.2% DN cho biết, họ vẫn phải tiếp đón các đoàn thanh tra, kiểm tra. Trước đó, giữa tháng 3/2020 Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng chỉ đạo tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra để DN tập trung thời gian khắc phục khó khăn trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Vậy nhưng, với con số trên 14% DN vẫn phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra ngay trong mùa dịch cho thấy, dường như một số bộ, ngành, địa phương đã đi ngược lại chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Dường như tâm lý DN cứ kinh doanh lớn tất yếu sai phạm nhiều đã ăn sâu vào tư duy của nhiều cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước. Chính bởi vậy mới có tình trạng DN càng lớn, càng làm ăn bài bản lại càng phải tiếp đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Theo đại điện VCCI, điều tra các DN thời gian qua của cơ quan này đã khẳng định thực tế trái chiều này. Giới chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Nếu môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại thực tế đó, làm sao DN có động lực để lớn, để phát triển? Và như vậy, mục tiêu 1 triệu DN liệu trong năm nay liệu có thể trở thành hiện thực?
(Còn nữa)