Đóng góp tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, ông Nguyễn Bật Khánh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên đã nêu bật 4 giải pháp để nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Theo tham luận của Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Bật Khánh, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ nói chung và hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước nói riêng của MTTQ tỉnh Hưng Yên đã đạt được một số kết quả tích cực, giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề vướng mắc, dư luận xã hội quan tâm.
Nhận thức về dân chủ và hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ là đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân ngày càng được nâng lên. Nhiều hình thức giám sát của MTTQ các cấp được phát huy, tăng cường. MTTQ các cấp từ tỉnh đến xã đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền vững mạnh.
Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ các cấp tỉnh Hưng Yên đã chủ trì thực hiện gần 2.600 cuộc giám sát, tham gia với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thực hiện gần 4.000 cuộc giám sát. Tổ chức 540 hội nghị phản biện xã hội, tham gia góp ý 1.545 văn bản về các dự thảo luật, Nghị quyết, Chương trình, Đề án…
Điểm nhấn là MTTQ tỉnh Hưng Yên đã triển khai 100% các khu dân cư có “Hòm thư góp ý” để Ban công tác Mặt trận thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân ở cơ sở; Tích cực tham gia các tổ hòa giải tại địa phương đã hòa giải thành 3.270/3.880 vụ việc. Giám sát thông qua hình thức tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử để tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, khiếm khuyết trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: “Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp Nhân dân; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa cao, đa phần không chuyên trách mà kiêm nhiệm nhiều nên chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo tham luận, để phát huy vai trò của MTTQ trong giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Xây dựng cơ chế thông tin đa chiều, thực hiện minh bạch, công khai thông tin, đáp ứng quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tuyên truyền theo hướng tăng cường đối thoại, trao đổi, tương tác phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Làm cho người dân hiểu rõ các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ hai, Kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của MTTQ theo hướng đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Các ban này phải xây dựng kế hoạch hành động hàng năm cụ thể và họp theo định kỳ; xác định được nội dung hạn chế cấp mình để tập trung chỉ đạo thực hiện. Kịp thời có thay đổi về nhân sự, tăng chuyên trách, giảm kiêm nhiệm, đảm bảo các ban hoạt động nền nếp.
Thứ ba, MTTQ các cấp phải là nòng cốt tích cực phát huy tăng cường thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước trong sạch vững mạnh; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng chính quyền thực sự thân thiện, gần dân, sát dân, trong lòng dân. Chính quyền thân thiện là chính quyền gần gũi với Nhân dân, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của Nhân dân để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Chính quyền thân thiện bắt nguồn từ bản chất Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Thứ tư, Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng là kênh dân chủ gián tiếp của Nhân dân làm rõ và giải quyết dứt điểm các vụ việc từ cơ sở, nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Kịp thời phát hiện những sai sót, khiếm khuyết, hạn chế, yếu kém và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các chính sách cho phù hợp...