MTTQ tỉnh Nghệ An: Không giám sát theo kiểu 'lựa chiều'

Bắc Vũ 14/08/2015 07:30

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Tại Nghệ An, sau khi có Quyết định 217 của Bộ Chính trị, công tác này lại càng được MTTQ tỉnh chọn lựa, quan tâm thực hiện, tuy nhiên không thực hiện việc giám sát theo kiểu “lựa chiều”, bởi nếu thế công tác giám sát chỉ mang tính hình thức.

Ông Vương Quang Minh – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An dẫn đầu
đoàn giám sát việc sử dụng thuốc BVTV tại huyện Diễn Châu.

Giám sát những gì dân quan tâm

Lâu nay, tại Nghệ An, ngành nông nghiệp khá được chú trọng, việc áp dụng các công nghệ khoa học vào sản xuất được người dân thực hiện nhiều. Trong đó, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) diễn ra khắp nơi, tràn lan và khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, MTTQ tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu, tìm hiểu, quyết định thực hiện công tác giám sát với vấn đề này.

Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể là rất lớn. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: tham gia giám sát với cơ quan Nhà nước; vận động nhân dân giám sát; tự mình giám sát. Việc tự mình giám sát đã làm cho MTTQ tỉnh Nghệ An bước đầu “nhìn” ra được các mục tiêu và yêu cầu đề ra mà không “trộn lẫn” với các ngành khác.

Cụ thể, vào tháng 9-2014, MTTQ tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn giám sát tiến hành giám sát tại hai huyện Anh Sơn và Diễn Châu, nơi được xem là “thủ phủ” của TBVTV. Qua giám sát, đoàn đã đi sâu vào kiểm tra các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên đối với các Trạm bảo vệ thực vật và một số cơ sở kinh doanh TBVTV, hướng dẫn, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quy định của pháp luật về quản lý sử dụng thuốc BVTV. Kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Kết quả trên địa bàn huyện Anh Sơn có 81 cơ sở, ki ốt kinh doanh thuốc BVTV trong đó: Loại A (có chứng chỉ kinh doanh thuốc BVTV và các điều kiện khác đảm bảo) 10 cơ sở (chiếm 12,3 %), Loại B (có chứng chỉ kinh doanh thuốc nhưng các điều kiện về kho bãi, phòng cháy chữa cháy,… không đảm bảo) 25 cơ sở (chiếm 31%), Loại C (không có chứng chỉ KD thuốc): 46 cơ sở (chiếm 57,7%). Về sử dụng, người dân địa phương khi sử thuốc BVTV chưa tuân thủ đúng theo nguyên tắc “4 đúng” đó là đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng lúc và đúng cách, kỹ thuật. Tại huyện Diễn Châu cũng cho kết quả tương tự.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 6/2015 MTTQ tỉnh Nghệ An tiếp tục giám sát việc thực hiện các kết luận, quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về xử lý ô nhiễm môi trường, MTTQ tỉnh đã thành lập 2 đoàn giám sát việc khắc phục ô nhiễm tại các huyện như bãi rác thải thị xã Thái Hòa, Nhà máy chế biến nông sản Đa Hợp, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn; Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam, Trang trại chăn nuôi Bò thịt Úc thuộc Công ty cổ phần đầu tư SX-DV-TM Kế Phát Thịnh ở xóm 4 xã Nghi Lâm, Nghi Lộc… Nhìn vào thực tiễn, việc giám sát này của Mặt trận rất được người dân đồng tình, bởi những cơ sở này trong nhiều năm qua đã “hành hạ” đến cuộc sống của rất nhiều người dân.

Qua giám sát, ngoài những yêu cầu về môi trường mà UBND tỉnh Nghệ An bắt buộc khắc phục. Quá trình giám sát của MTTQ đã phát hiện, việc triển khai hệ thống xử lý nước thải còn chậm. Kinh phí đầu tư cho công tác xử lý ô nhiễm chưa đảm bảo Đối với Nhà máy chế biến nông sản Đa Hợp, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn; Đối với trang trại chăn nuôi bò thịt xã Nghi Lâm thì chưa thực hiện quan trắc giám sát chất lượng môi trường theo quy định, chưa hoàn thiện việc xây dựng mương thoát nước mưa xung quanh khu vực trang trại bằng bê tông, chưa xây dựng kè bờ taluy khu vực thoát nước mưa dọc sườn núi…; Đối với Trại lợn giống ngoại Thái Dương: Chưa thực hiện bê tông hóa đường giao thông khu vực hệ thống xử lý nước thải, chưa bê tông hóa hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn trong khuôn viên trang trại...

Giám sát thực chất

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thành – Trưởng ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết, việc lựa chọn giám sát của MTTQ tỉnh trong thời gian qua vừa thực hiện đúng chức năng của Mặt trận vừa thực tế của vấn đề cần giám sát. Qua giám sát, đã cho thấy việc sự dụng TBVTV tại nhiều địa phương còn bất cập, thiếu nhiều thứ, việc giám sát này để các cơ quan ban ngành thấy rõ những tồn tại để có biện pháp khắc phục. Riêng vấn đề môi trường, MTTQ tỉnh Nghệ An chọn giám sát, bởi ô nhiễm môi trường là vấn đề “muôn thuở” khi mà tốc độ công nghiệp hóa như hiện nay, nhưng việc chấp hành, thực hiện các kết luận của UBND tỉnh Nghệ An về ô nhiễm môi trường nhiều nơi còn hạn chế khiến người dân bức xúc.

Theo lãnh đạo MTTQ tỉnh Nghệ An, việc thực hiện vai trò giám sát là rất quan trọng đối với Mặt trận hiện nay, qua các cuộc giám sát đã thực hiện, có thể nói rằng Mặt trận đã bắt đầu đi sâu vào những vấn đề cốt lõi mà người dân quan tâm, đồng thời khẳng định vai trò Mặt trận trong tình hình mới. Điều khác biệt của Mặt trận khi giám sát là không “lựa chiều” mà thực hiện giám sát trên cơ sở vấn đề và dư luận quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ tỉnh Nghệ An: Không giám sát theo kiểu 'lựa chiều'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO