Chính nhờ những tổ hòa giải này đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời nhân rộng mô hình“ tổ hòa giải 5 tốt”.
Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp nhận 4.596 vụ việc hòa giải (giảm 467 vụ việc so năm 2019). Trong đó, đã tiến hành hòa giải thành công 3.615 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,7%, 226 vụ việc đang tiến hành hòa giải… Đến nay, thành phố có 5.043 tổ hòa giải với 31.773 hòa giải viên. Đáng chú ý, Hà Nội đã có 2.447 hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.
“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí nhằm gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền. Để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn.
Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải, thì ngoài tiêu chí chung thì phải có từ 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” trở lên. Quá trình thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó khuyến khích chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành công, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giải quyết các điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Trên thực tế, tỷ lệ hòa giải thành công trên địa bàn thành phố tăng dần, số vụ việc phát sinh hằng năm giảm từ khi có “ Tổ hòa giải 5 tốt”. Năm 2019, toàn thành phố phát sinh 5.063 vụ việc tiếp nhận hòa giải, giảm 1.579 vụ việc so năm 2018. Năm 2020, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 4.596 vụ việc hòa giải (giảm 467 vụ việc so với năm 2019).
Từ những kết quả đạt được trong việc xây dựng, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hòa giải từ cơ sở, phát huy hiệu quả các “ Tổ hòa giải 5 tốt”, kịp thời chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở, góp phần bảo vệ trật tự, an ninh chính trị ngay từ thôn, tổ dân phố. Một số địa bàn duy trì và tích cực triển khai mô hình này là quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình... Trong đó, các quận Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa đã đưa hoạt động hòa giải thành một tiêu chuẩn thi đua, làm cơ sở khen thưởng cuối năm.
Ông Bùi Ngọc Thanh, thành viên Tổ hòa giải tổ dân phố số 1, phường Trung Liệt, quận Đống Đa cho biết, từ thực tiễn cho thấy, các vụ hòa giải thành đều có phương pháp dân vận khéo ở trong đó. Ngoài ra, để hòa giải thành công cán bộ hòa giải phải có năng khiếu về vận động, thuyết phục người khác, kết hợp giữa lý và tình để làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp, từ đó sẽ có được tín nhiệm, thành công.
Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và gắn kết mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố trong công tác hòa giải giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản.
“Quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở. Khuyến khích chính quyền nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giải quyết các điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô”, ông Huân chia sẻ.