Ngày 20/2, Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang do ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang làm trưởng đoàn đã đến viếng thăm địa điểm ra mắt đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phòng Miền Nam Việt Nam tỉnh An Giang cách đây 62 năm ngày 20/12/1960..
Theo đó, cách đây 62 năm ngày 20/12/1960, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (DTPMN) Việt Nam tỉnh An Giang được thành lập tại Bãi Đá Chày, vách Núi Tô, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, gồm 14 Ủy viên, do Giáo sư Bùi Đức Tâm làm Chủ tịch. Do phải tập trung cho đồng khởi, đánh địch mở rộng vùng giải phóng, nên hai tháng sau, ngày 20/02/1961, Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh mới tổ chức Lễ ra mắt nhân dân tại chùa Tà Miệt trên, ấp Tà Miệt, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn).
Từ khi, Ủy ban Mặt trận DTGPMN Việt Nam tỉnh ra đời đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang trên địa bàn chiến đấu chống giặc trên khắp các chiến trường. Thực hiện lời kêu gọi của mặt trận, Đảng bộ và nhân dân huyện Tri Tôn vừa xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, vừa ra sức đấu tranh bảo vệ, chống địch càn quét lấn chiếm.
Ngày 9/4/1961, Ủy ban Mặt trận DTGPMN Việt Nam tỉnh đã tổ chức phát động phong trào đấu tranh chống phá cuộc bầu cử tổng thống ngụy. Sau đó, Mặt trận giải phóng từ huyện đến xã lần lượt được thành lập, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân xây dựng cuộc sống mới, phát triển các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ…
Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, qua từng thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam không ngừng được củng cố, tăng cường và mở rộng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động luôn được MTTQ các cấp quan tâm thực hiện và xem đây là giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Trong đó, chú trọng đến việc ký kết các chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông; tổ chức các cuộc hội nghị chuyên đề, tọa đàm để đánh giá lại kết quả thực hiện. Qua đó, tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ. Đặc biệt là quan tâm đổi mới cách nắm tình hình tư tưởng dư luận quần chúng để phản ánh kịp thời cho cấp ủy, UBND các cấp, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và trên phạm vi cả tỉnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, qua các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động, nhiều địa phương, cộng đồng dân cư có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả. Ngày càng huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia cùng với MTTQ thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. Sự phối hợp và thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng thiết thực, hiệu quả, thông qua việc ký kết chương trình, kế hoạch có phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng cũng cho biết thêm: Trong thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tăng cường việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Với truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, mỗi cán bộ, công chức và người lao động của mặt trận cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận để MTTQ Việt Nam thật sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh
Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã trao 50 phần quà cho người dân là đối tượng hộ nghèo trên địa bàn xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), mỗi phần 400.000 đồng.