MTTQ Việt Nam: Trung tâm xây đắp khối Đại đoàn kết dân tộc

Lê Ái 10/09/2016 11:10

61 năm trước (ngày 10/9/1955), MTTQ Việt Nam ra đời với mục đích đoàn kết dân tộc, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ, xây dựng nước Việt Nam hoà bình thống nhất. 61 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là trung tâm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, lắng nghe ý kiến của nhân dân, động viên nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

MTTQ Việt Nam: Trung tâm xây đắp khối Đại đoàn kết dân tộc

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
với nhân dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ngày 16/11/2014.

Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập trên cơ sở kế thừa những thành tựu, đóng góp của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt trước đây, là điểm mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, điểm mới là trước đây chúng ta nói đến đại đoàn kết toàn dân tộc là nhấn mạnh nhiều đến thông điệp thống nhất về chính trị. Bây giờ thông điệp này vẫn nhấn mạnh nhưng sâu hơn nữa là chúng ta tìm đến đồng thuận xã hội. Đặc biệt, khi nói đại đoàn kết dân tộc đã nhấn mạnh đến lợi ích, đó là lợi ích của Nhà nước, quần chúng nhân dân, cá nhân.

“Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận chính là trung tâm vì Mặt trận là một trong những lực lượng chính trị có khả năng vận động bậc nhất. Bây giờ, vai trò của Mặt trận có nét mới là một tổ chức rộng lớn nhất của dân tộc ta về phương diện chính trị -xã hội và nhân dân nói chung. Vị thế của Mặt trận hiện nay là mở rộng sự đoàn kết hơn trước, tính đại diện cao hơn. Chính vì thế, Mặt trận có vai trò củng cố hệ thống thiết chế chính trị của đất nước”- Giáo sư Đỗ Quang Hưng khẳng định.

Là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giờ đây, Mặt trận còn tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo sự thống nhất hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…vv.

Đặc biệt, Mặt trận là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân khi trực tiếp tham gia giám sát và phản biện xã hội.

Nhìn lại 3 tháng qua, MTTQ Việt Nam đã vận động số tiền trị giá 204 tỷ đồng. Từ nguồn vận động này, đã hỗ trợ được hơn 193 nghìn lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Qua hoạt động giám sát của Mặt trận cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại là kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót.

Các chính sách của Chính phủ đã được thực hiện tương đối tốt như hỗ trợ gạo cho ngư dân, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ chủ tàu thuyền buộc phải ngừng khai thác.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, MTTQ sẽ tiếp tục tham gia giám sát việc bồi thường hợp lý, công bằng.

“Những tháng qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam thường xuyên đến các vùng bị thiệt hại và chia sẻ với khó khăn của bà con. Mặt trận Trung ương sẽ giám sát theo đúng như Luật MTTQ và Nghị quyết 217, 218 của Bộ Chính trị để những điều doanh nghiệp hứa phải thành hiện thực”- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Cũng với tinh thần đó, ông Nguyễn Túc cho rằng trong thời gian tới, Mặt trận cần vào cuộc mạnh hơn nữa để đảm bảo lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp.

Việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, nói cho nhân dân hiểu được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hệ thống Mặt trận trong những năm gần đây và cũng là đòi hỏi, yêu cầu thúc giục Mặt trận phải đổi mới phương pháp, đổi mới mình để làm tròn trách nhiệm với nhân dân.

Trong khi đó, hiện nay có tình trạng một số người trong bộ máy chính quyền chưa thật sự lắng nghe ý kiến người dân, từ vấn đề quy hoạch, môi trường, vấn đề chính sách đến nhiều lĩnh vực khác...

Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh đại đoàn kết, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời điểm hiện nay, bên cạnh việc tổ chức thu nhận ý kiến của người dân để phản ánh lên chính quyền các cấp, 6 tháng 1 lần Mặt trận có báo cáo trước Quốc hội và Chính phủ về tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời chăm lo các phong trào ở từng khu vực, địa bàn dân cư.

“Mặt trận chăm lo tạo ra các phong trào cách mạng ở từng khu vực, địa bàn phù hợp với khả năng và điều kiện của nhân dân để người dân thấy Mặt trận nghe dân, cùng nhân dân làm những điều có ích cho đất nước và cho chính nhân dân.

Khi người dân có ý kiến với Đảng, Nhà nước nếu thấy những ý kiến đó chưa được trả lời thỏa đáng thì Mặt trận các cấp đều là chỗ cuối cùng sẵn sàng nghe ý kiến của người dân, phối hợp tổng hợp ý kiến người dân”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Kỷ niệm 61 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng là điểm mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn làm tròn trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lắng nghe ý kiến nhân dân, nói cho nhân dân hiểu, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ Việt Nam: Trung tâm xây đắp khối Đại đoàn kết dân tộc