Quy định pháp luật về việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã đã có, cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền song tình trạng này vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó yêu cầu kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Tuy nhiên, từ quy định đến thực tế vẫn còn nhiều điều phải bàn. Động vật hoang dã vẫn được buôn bán công khai và lén lút, nhỏ lẻ và có tổ chức trước sự bất lực của cơ quan chức năng.
Cần siết chặt quản lý
Vấn nạn buôn lậu động vật hoang dã tại Việt Nam đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái tự nhiên và tác động tiêu cực lên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Dù các cơ quan chức năng đưa ra các hình thức tuyên truyền, hình phạt về việc mua bán động vật hoang dã, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, tình trạng quảng cáo, rao bán các sản phẩm động vật hoang dã trên Internet rất đáng báo động.
Trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ghi nhận tới hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tik tok cùng các trang mạng điện tử khác năm trong 2019 và con số này không có dấu hiệu giảm trong năm 2020.
Luật sư Lê Lưu Phú, Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với hành vi mua bán động vật hoang dã, dù là buôn bán trên mạng xã hội hay hình thức khác đều vi phạm pháp luật và không tránh khỏi các mức xử phạt nặng với hành vi này.
Cụ thể, tại Điều 234, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về việc buôn bán động vật hoang dã có nêu rõ, người săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm,… thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
Quy định pháp luật về việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã đã có, tuy nhiên theo Luật sư Phú, để ngăn chặn việc mua bán động vật hoang dã tràn lan trên mạng xã hội, cơ quan chức năng cần có biện pháp chặt chẽ hơn nữa. Nếu cần thiết nên sửa đổi Luật, tăng mức phạt tù cũng như phạt tiền.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã như: không ăn uống các món chế biến từ thịt chim, thú rừng; không sử dụng sản phẩm mỹ nghệ, thời trang được chế biến từ động vật hoang dã.
Về phía người dân, Luật sư Phú cho rằng, mỗi người nên nâng cáo ý thức và hiểu biết pháp luật. Việc mua bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm, ngoài việc phải đối diện với việc bị xử lý theo pháp luật hình sự thì còn bị phạt một khoản tiền rất lớn.
Đừng tự biến mình thành lâm tặc
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, việc săn bắt thú rừng là hoạt động sinh nhai từ xa xưa của người dân. Cách đây khoảng hơn chục năm, hoạt động săn bắn, hái lượm vẫn phổ biến ở nhiều tộc người tại vùng cao. Đến nay hoạt động này đã giảm dần vì con người đã biết cách chăn nuôi, trồng chọt, chủ động nguồn thức ăn cho mình.
Tuy nhiên vẫn có người dân vùng cao duy trì ở mức độ khác nhau việc săn bắt thú rừng. Song, từ chỗ tự khai thác, người dân bản địa hành nghề buôn bán, phục vụ nhu cầu thích “của lạ” của một bộ phận người dân thì là vi phạm pháp luật và tự biến mình thành lâm tặc.
Để giảm vấn nạn này, PGS.TS Thịnh cho rằng, việc kiểm soát, điều tra, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã đòi hỏi quyết tâm hơn nữa của chính quyền địa phương cũng như tính trách nhiệm của bộ phận thực thi pháp luật.
Địa phương cần phải tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân nâng cao nhận thức, giảm tình trạng săn bắn, hái lượm; không được kiếm sống để thương mại hóa sản phẩm từ thú rừng.
PGS.TS Thịnh cũng cho rằng, các phương tiện truyền thông đại chúng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ về rủi ro của việc tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thông tin về vi phạm mua bán động vật hoang dã và không cổ súy các món ăn hay phương thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
“Tôi cho rằng, Đài truyền hình quốc gia nên giảm bớt các chương trình giải trí thay vào đó là tổ chức một chương trình về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã mang tính giáo dục cộng đồng cao để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường và động vật hoang dã”, PGS.TS Thịnh nêu quan điểm.