Pháp luật

Mua bán, ủy quyền sổ bảo hiểm xã hội online: Cảnh báo sập bẫy lừa đảo

Lê Bảo 10/04/2025 08:20

Hiện nay, trên mạng xã hội (Tiktok, Facebook, Zalo) xuất hiện tình trạng một số đối tượng đăng công khai số điện thoại mua sổ bảo hiểm xã hội của người lao động hoặc nhận làm các thủ tục liên quan đến cơ quan Bảo hiểm xã hội có thu phí cao, một số thủ tục thu phí rất cao.

Anh bai tren
Từ ngày 1/7/2025, hành vi cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội sẽ bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Ảnh: Ngọc Yến.

Tại TPHCM, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) liên tục ghi nhận hiện tượng một số cá nhân đăng tải công khai số điện thoại, livestream, dùng logo, hình ảnh ngành BHXH để chào mời người lao động bán sổ hoặc làm thủ tục BHXH một lần có tính phí. Theo đó, các cá nhân này sử dụng hình ảnh, logo của cơ quan BHXH trên các trang cá nhân để gây nhầm lẫn, tư vấn miễn phí các quy định đơn giản cho người lao động để tạo lòng tin và qua đó nhận mua sổ BHXH, làm thủ tục có thu phí cho người lao động không hiểu biết quy định pháp luật hoặc ngại liên hệ với cơ quan BHXH để giải quyết các sai sót về hồ sơ BHXH.

Thủ đoạn quen thuộc là đề nghị người lao động "ủy quyền" nhận trợ cấp BHXH một lần. Người bán sẽ ký giấy ủy quyền, nộp sổ và giấy tờ tùy thân cho người mua - thực chất là một giao dịch ngầm để bên mua chiếm đoạt khoản trợ cấp. Nhiều người vì cần tiền gấp, thiếu hiểu biết hoặc sợ thủ tục rườm rà nên đồng ý.

“Đây là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ cho người lao động mà còn đối với cả người mua sổ BHXH. Nhiều trường hợp do lộ lọt thông tin cá nhân trong quá trình mua bán sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng danh tính cho các hành vi trái pháp luật khác. Về phía người mua, rủi ro cũng không nhỏ khi toàn bộ quyền lợi BHXH theo quy định chỉ thuộc về cá nhân người lao động” - đại diện BHXH TPHCM cho biết.

Một hình thức lừa đảo khác là dịch vụ làm giúp thủ tục BHXH: Gộp sổ, điều chỉnh thông tin, thu hồi tiền sai quy định... với giá “cắt cổ”. Không ít người chuyển tiền xong thì bị chặn liên lạc, hoặc bị yêu cầu nộp thêm nhiều lần với lý do "thiếu giấy tờ", "phát sinh phí"... Trong nhiều trường hợp, toàn bộ thông tin cá nhân người lao động bị đánh cắp, dẫn đến việc bị lợi dụng hoặc gặp khó khăn nếu sau này muốn làm lại sổ, điều chỉnh thông tin chính chủ.

Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, thời gian gần đây số người rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Đặc biệt ở các thành phố lớn như: TPHCM, Hà Nội... số người rút BHXH tăng vọt, bình quân mỗi tháng có hàng chục nghìn người rút BHXH. Chính xu hướng rút sổ ồ ạt cùng với tâm lý cần tiền gấp, ngại thủ tục đã tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho các dịch vụ "cò" BHXH lộng hành. Trong khi đó, toàn bộ các thủ tục này hoàn toàn miễn phí nếu người dân tự thực hiện qua kênh chính thức.

Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này, BHXH TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục yêu cầu các bộ phận tiếp nhận hồ sơ của BHXH TP Thủ Đức, quận, huyện, văn phòng BHXH thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của người lao động, kiểm tra tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền, đặc biệt là việc Ủy quyền cho 1 người nhiều lần nhận BHXH, BHXH một lần.

BHXH TPHCM cũng khuyến cáo tới người dân, người lao động không nên vì mối lợi nhỏ trước mắt mà đánh đổi cả quyền lợi thông qua việc bán sổ BHXH. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo, đề nghị người dân, người lao động chủ động tố giác tới cơ quan Công an, cơ quan BHXH gần nhất để xử lý theo quy định.

Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, cầm cố sổ BHXH trên môi trường internet. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo người lao động nêu cao cảnh giác; đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Tuy vậy theo quy định tại khoản 6, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Do vậy, người được ủy quyền không bị cấm và có thể làm thủ tục hưởng chế độ một lần. Chính vì vậy, việc xử lý hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, trong đó điểm mới là tại Điều 9, nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, lúc đó, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội để trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua bán, ủy quyền sổ bảo hiểm xã hội online: Cảnh báo sập bẫy lừa đảo