Ngày 27/6, một nhóm các nhà khoa học Đại học Colorado (Mỹ) đưa ra nhận định: Mùa bão Đại Tây Dương năm nay giống như thùng thuốc súng chực chờ phát nổ.
Theo Tiến sĩ (TS) Phil Klotzbach - nhà dự báo bão cấp cao tại Đại học Colorado, đầu tháng 7 mùa bão Đại Tây Dương sẽ bắt đầu. Ngay từ hồi tháng 4, ông Klotzbach đã dự báo mùa bão năm nay sẽ có khoảng 23 trận được đặt tên. 11 trong số đó lên đến mức cuồng phong.
Nhóm dự báo bão Đại học bang Colorado cũng cho biết sẽ công bố dự báo cập nhật tiếp theo cho mùa bão Đại Tây Dương năm nay vào ngày 9/7 và ngày 6/8.
Tuy nhiên dù chưa có dự báo chính thức nhưng với 11 trận cuồng phong cũng vẫn là số lượng bão cực mạnh có thể xảy ra trong mùa bão Đại Tây Dương năm nay, cao hơn mức dự báo cao nhất trước đó là 10 trận vào năm 2010. Từ trước tới nay, mùa bão Đại Tây Dương trung bình có 14 cơn bão được đặt tên, trong đó có 7 trận cuồng phong và 3 cơn bão lớn.
Cùng với dự báo của Đại học Colorado, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cùng 14 cơ quan dự báo bão khác cũng đều cho rằng mùa bão năm nay trên mức trung bình. Hầu hết dự báo bão cho mùa bão Đại Tây Dương 2024 đều nhận định có khoảng 20-25 cơn bão đủ mạnh để được đặt tên. Điều này có nghĩa là danh sách 21 tên bão cho mùa bão này sẽ cạn kiệt và có khả năng sử dụng tới danh sách tên bổ sung.
Hiện NOAA đã tập trung lực lượng theo dõi biến động ở Vịnh Mexico để có thể “đón bão”. Chuyên gia bão Bryan Norcross của NOAA cho biết, các dự báo máy tính tầm xa cho thấy đầu tháng 7 nhiều vùng hội tụ trên biển có khả năng phát triển thành vùng áp thấp nhiệt đới, nhưng chưa chắc chắn có trở thành bão hay không. Dù vậy, hiện tại, cánh cửa đến Caribbean dường như đang mở ra cho những cơn bão mùa Đại Tây Dương.
Người ta cũng biết rằng, trong lịch sử, khi mùa bão bắt đầu muộn thì sau đó lại mạnh lên nhanh chóng, thậm chí tàn khốc. Mùa bão Đại Tây Dương “bận rộn nhất lịch sử” là năm 2005 với 27 cơn bão. Trong đó có bão Katrina làm vỡ hồ chứa nước Pontchartrain khiến 80% của thành phố New Orleans (Mỹ) ngập lụt, có chỗ sâu gần 8 mét; 1.833 người thiệt mạng. Còn cơn bão Mich trong mùa bão năm 1998 đã trút một lượng mưa lịch sử xuống các quốc gia Honduras, Guatemala và Nicaragua; có tới gần 11.000 người thiệt mạng và 11.000 người khác mất tích.
Ngày 27/6, nói với Yahoo News, đại diện NOAA cho biết mùa bão Đại Tây Dương năm nay có 85% khả năng cực kỳ khắc nghiệt. Mùa bão thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, với đỉnh điểm bão vào cuối mùa hè. Tuy nhiên, đến tuần cuối tháng 6 nó vẫn chưa xảy ra, càng khiến mối hiểm nguy tăng thêm.
Trong khi đó, TS Ben Kirtman - nhà khoa học khí tượng Đại học Miami (Mỹ) cho rằng sự chuyển giao giữa El Nino sang La Nina chậm, không nhiều khả năng làm nước Đại Tây Dương mát đi. Vì thế, nó càng cung cấp thêm năng lượng cho các áp thấp để hình thành bão. Nhiệt độ nước biển cao là nhiên liệu lý tưởng cho các cơn bão. “Chúng ta cần nhận thấy rõ rằng, mùa bão Đại Tây Dương năm nay càng đến muộn bao nhiêu thì càng có khả năng tấn công châu Mỹ mạnh hơn bấy nhiêu. Các thành phố ven biển sẽ phải chống chọi cực kỳ vất vả trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11” - TS Kirtman nói.
Còn theo Brian McNoldy - chuyên gia về bão nhiệt đới cũng tại Đại học Miami thì “nôi bão” năm nay rất có thể là biển Caribe và Vịnh Mexico. Không loại trừ 2 cơn bão xuất hiện cùng một lúc, thổi theo hai hướng khác nhau. Và cũng rất có thể xảy ra tình trạng “bão chồng bão” khi cơn bão này chưa qua hẳn thì cơn bão khác lại xuất hiện trên Đại Tây Dương. TS McNoldy cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 1935, chỉ có 4 cơn bão cấp 5 (với sức gió trên 252km/h) đổ bộ vào nước Mỹ. Nhưng đây đều là những cơn bão mạnh lên chóng vánh khiến các nhà dự báo bão đã không kịp phân loại là bão trước khi nó đổ bộ vào bờ biển.
“Như vậy, với những gì đang diễn ra, rất có thể mùa bão Đại Tây Dương năm nay sẽ là thách thức dự báo của các nhà khí tượng học” - TS McNoldy nói.
Đáng chú ý, bão Đại Tây Dương không chỉ có sức gió rất mạnh mà còn mang theo lượng mưa lớn, kéo dài, nên sức tàn phá cũng dữ dội hơn. Phần rất lớn mối nguy hiểm mà các cơn bão mùa Đại Tây Dương gây ra có liên quan đến nước, từ cả nước mưa và nước biển: Khoảng 90% số ca tử vong do bão trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2023 là do các mối nguy hiểm về nước.
“Cho dù các dự báo đều tương đối nhưng có thể thấy chắc chắn rằng, khi tháng 7 tới, thì mùa bão Đại Tây Dương năm nay cũng sẽ bắt đầu” - theo TS McNoldy.
Nhiều cơn bão hình thành trên Đại Tây Dương với sức gió khủng khiếp khi đổ bộ vào đất liền. Trong đó có bão Katrina (2005), sức gió mạnh nhất lên tới 280 km/h. Bão Andrew (1992), sức gió mạnh nhất 265 km/h. Bão Camille (1969) sức gió mạnh nhất 305 km/h. Bão Mitch (1998), sức gió lên đến 290 km/h. Bão Florida Keys (1935), sức gió ở mức “không tưởng” lên tới 310km/h, xô một đoàn tàu ra khỏi đường ray. Bão Gilbert (1988), sức gió 298 km/h. Bão Wilma (2005), sức gió mạnh nhất 298 km/h. Bão Irma (2017), sức gió mạnh nhất 297 km/h.