Trước thông tin từ nay tới ngày 14/6, cảnh sát giao thông toàn quốc được dừng xe, thực hiện tổng kiểm soát tất cả các loại giấy tờ theo quy định, trong đó có bảo hiểm xe, nhiều người đang vội vàng đi tìm mua bảo hiểm xe máy với tâm lý lo ngại bị xử phạt.
Người dân cần phân biệt các loại bảo hiểm để tránh bị lừa. Ảnh: Quang Vinh.
Mấy ngày gần đây, do nhu cầu tăng đột biến nên các điểm bán bảo hiểm xe máy xuất hiện ở rất nhiều tuyến đường của Hà Nội như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ,… thậm chí trên mạng xã hội, bảo hiểm xe máy cũng được rao bán nhan nhản với các mức giá, thậm chí chỉ 10.000 đồng/ năm. Việc mua bảo hiểm cũng khá dễ dàng, chỉ cần đưa giấy đăng ký xe để điền thông tin, khoảng vài phút là xong.
Hiện có rất nhiều loại bảo hiểm xe máy với những tuỳ chọn khác nhau, dao động từ 55.000 – 70.000 đồng/năm. Trường hợp khách chỉ mua bảo hiểm dành cho phương tiện (không bảo hiểm cho người) là khoảng 50.000 đồng/năm và 70.000 đồng/2 năm. Nếu chỉ mua bảo hiểm cho người mà không mua cho xe thì 10.000 đồng/năm và 15.000 đồng/2 năm. Bảo hiểm xe máy được bán tại các cây xăng với mức giá từ 55.000 đồng – 66.000 đồng/năm. Người dân có thể mua loại 2 năm với giá khoảng 80.000 -100.000 đồng…
Tuy nhiên, nhiều người hiện cũng chưa hiểu rõ về tác dụng cụ thể của bảo hiểm xe máy, chỉ nghĩ đó đơn thuần là một giấy tờ mà nếu mình không có sẽ bị phạt. Bên cạnh đó, nhiều người chưa phân biệt được mua loại nào để không bị CSGT xử phạt?
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn bảo hiểm InFair), sản phẩm bảo hiểm xe máy có 4 loại, gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS); Bảo hiểm vật chất xe; Bảo hiểm mất cắp; Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Trong đó bảo hiểm TNDS là bắt buộc, nếu không có sẽ bị xử phạt theo quy định tại Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính. Trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS còn hiệu lực có thể bị phạt số tiền từ 100.000 - 200.000 đồng, theo quy định tại Nghị định 100/2019.
Nhưng cũng có một thực tế là việc mua bảo hiểm để đối phó với lực lượng chức năng mà chưa tìm hiểu tường tận điều kiện, quyền lợi từ các loại bảo hiểm này. Trước câu hỏi về mức bồi thường TNDS cho xe máy là bao nhiêu, theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, chi trả theo quy định quy định tại Điều 9, Thông tư 22/2016. Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn do ô tô gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Không ít trường hợp chủ xe máy đã mua bảo hiểm TNDS, khi chẳng may gây tai nạn cho người khác lại không làm việc với bên bảo hiểm để đền cho bên thứ ba, là tự ý từ bỏ quyền lợi của mình. Do đó, người mua bảo hiểm TNDS cần lưu tâm để tránh bị thiệt hại trong trường hợp chẳng may gây tai nạn.
Tuy nhiên, với hàng loạt thủ tục nhiêu khê, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy. Hiện các công ty bảo hiểm vẫn ở “cửa trên” với khách hàng khi đưa ra hàng loạt thủ tục rườm rà, đẩy thế khó cho người dân.
Về loại bảo hiểm đang bán đầy ngoài đường với giá rất rẻ 10.000 đồng, theo các chuyên gia, đó là bảo hiểm tự nguyện dành cho việc bồi thường thiệt hại cho người ngồi phía sau người lái. Giá trị bồi thường cao nhất khoảng 10 triệu đồng/vụ. Đó vẫn là loại bảo hiểm hợp pháp, nhưng là bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc phải có. Đối với loại bảo hiểm này vẫn sẽ bị CSGT xử phạt.
Các chuyên gia khuyến cáo không nên mua các loại bảo hiểm được bày bán trên các vỉa hè tại Hà Nội, TP HCM hay trên các trang mạng bởi không được cơ quan chức năng kiểm định nên có thể là hàng giả, hàng sai quy định.