Xã hội

Mùa câu cá thu

ĐOÀN XÁ 03/03/2024 15:42

Có giá trị kinh tế cao vượt trội so với các loại hải sản thông thường, mỗi con cá thu câu thường được bán với giá hàng triệu đồng. Vì thế, thời gian từ sau Tết tới mùa mưa hàng năm là lúc hàng trăm ngư dân ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận lại hối hả bước vào mùa câu cá thu.

img_8823.jpg
Ngư dân La Gi thả câu cá thu.

Nghề câu chạy

Cũng như nhiều nghề câu khác, câu cá thu thường vất vả và bấp bênh hơn các nghề khác như lưới kéo, lưới vây, lưới đăng rất nhiều vì tính chọn lọc cao và phải là những ngư dân am hiểu ngư trường, biển cả mới có thể đeo đuổi được. Đặc biệt hơn, câu cá thu lại càng khó vì đây là loài cá sống ở tầng nước giữa.

Tuy nhiên, ở vùng biển Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ vẫn có hàng trăm ngư dân làm nghề câu cá thu. Các ngư dân thường đi theo nhóm dăm người thả câu trên những vùng biển cách bờ vài cây số.

Anh Nguyễn Đăng Hải, 41 tuổi, một ngư dân ngụ ở xã Tân Tiến (thị xã La Gi, Bình Thuận) cho biết thường từ sáng sớm ngư dân đã lên ghe hoặc thúng để chạy ra ngư trường và kết thúc buổi câu khi chiều về. “Khi chọn được ngư trường, mình bắt đầu móc mồi vào lưỡi câu, thường là mấy loại cá nhỏ được ủ trước một ngày cho lên mùi để thu hút cá. Lưỡi câu cá thu cũng thường gắn đơn, cách nhau chừng 3 mét rồi gắn vào vàng câu.

Tuỳ theo ngư dân, có thể vàng câu dài vài trăm mét cho tới cả ngàn mét. Khi thả xuống biển, vàng câu thường lơ lửng ở tầng nước giữa rồi ngư dân bắt đầu mở máy cho ghe chạy từ từ. Lúc này các mồi cá sẽ như một đàn cá con bơi đều đều giữa biển theo tốc độ ghe chạy và cá thu thấy mồi chạy sẽ đuổi theo để bắt. Khi cá dính lưỡi, mình sẽ chạy chậm lại, kéo dây và sử dụng móc để đưa cá lên bờ. Trong khi hầu hết các loại cá khác thường neo đậu để câu thì cá thu phải cho mồi di chuyển, mồi mà nằm yên chúng sẽ không bao giờ ăn đâu”, anh Hải cho biết thêm.

Theo anh Hải, ghe của anh nhỏ nhưng có 3 bạn ghe cùng đi câu cá thu. Mỗi ngày, họ chạy ghe tới các khu vực cách bờ chừng 5-10 hải lý rồi móc mồi giăng câu. Sau đó một người sẽ điều khiển cho ghe chạy vòng vòng, hai người còn lại sẽ cầm dây câu bằng tay để nhanh chóng phát hiện ra cá dính lưỡi.

“Cá thu dính lưỡi dễ biết lắm vì chúng quẫy rất mạnh, giật vàng câu bần bật. Mình sẽ chạy chậm lại, kéo đoạn lưới đó lên để vớt cá. Vớt cá thu cũng phải dùng móc sắt ngoặc vào đúng mang cá chứ nếu dùng vớt thì cá quẫy đạp khiến chất lượng thịt của chúng giảm đi, còn nếu móc trượt vào thân cá thì càng khó bán hơn. Khách hàng giờ họ kén ăn lắm, cá thu phải ngon mới có giá trị”, anh Hải kể.

Lúc này, quan sát tay anh Hải chúng tôi mới thấy ngay cả việc móc mồi câu cũng là một nghệ thuật và phải rất có kinh nghiệm mới làm được.

Theo đó, những con cá nhỏ có thể chặt đôi ra, cẩn thận móc vào phần thịt cá 2 lần để lưới câu chìm đi và khi thả xuống, phần mồi sẽ nằm ở trên của phần móc câu. Do đặc tính của cá thu sinh sống ở tầng nước giữa và đáy nên chúng sẽ bơi từ dưới lên đớp mồi. Phần lưỡi nằm ở dưới phần mồi để đảm bảo lưỡi sẽ không tuột ra ngoài khi cá đớp từ dưới lên.

Có kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề biển câu cá thu, ông Sáu Thảo, bạn ghe của anh Hải kể thêm rằng mùa này ở vùng biển La Gi cá thu khá lớn, có trọng lượng từ 3 tới 15 kg mỗi con.

“Cá thu thường sống ngoài khơi, chỉ mùa này chúng mới vào vùng nước lộng (gần bờ) để săn bắt mồi và sinh sản mà thôi. Những mùa biển động thì cũng có nhưng ít và rất khó câu. Từ trước Tết anh em chúng tôi đã thả câu cá thu rồi.

Ngày nào cũng được gần chục con, có tuần trước thì trúng được 4 con trên 10 kg. Bình thường cá chỉ 3 tới 6 kg thôi. Cá thu bây giờ bán ở cảng La Gi là 210 ngàn, cá trên 10kg thì được 240 ngàn. Nhưng câu cá thu tốn dầu lắm, mỗi ngày mất 500 ngàn đồng tiền dầu đó. Trừ chi phí mỗi anh em cũng được triệu mấy, hai triệu một ngày. Nhưng tới tháng 5 khi mưa xuống là không câu nữa, phải chuyển sang nghề khác rồi”, ông Sáu Thảo cho biết.

Ông Sáu Thảo là người miền Thượng nhưng từ trẻ đã lưu lạc xuống vùng biển La Gi rồi lập gia đình, sống cùng nghề biển luôn.

Sau mùa câu cá thu, ông lại đi lưới ghẹ, lặn ốc. Dù không sinh ra ở làng biển nhưng ông thuộc vùng biển La Gi như lòng bàn tay, từ vùng cửa sông Dinh, sông Phan cho tới hòn Bà, hải đăng Kê Gà ông đều biết rất rõ. Ông cười bảo hơn 40 năm gắn bó với La Gi, ông ở trên biển nhiều hơn ở trên bờ.

img_3710.jpg
Sơ chế cá thu vừa câu được.

Những ghe câu cuối cùng

Cá thu là loại hải sản kỳ lạ bởi chúng chỉ được mua với giá cao khi đánh bắt bằng hình thức câu. Cũng là cá thu cùng trọng lượng nhưng nếu được đánh bắt bằng nghề lưới vây, lưới kéo thì giá của chúng chỉ bằng hơn một nửa so với nghề câu.

Nói về việc này, ông Sáu Thảo bảo cá thu có thịt thơm ngon nhưng da và thịt cá rất mềm, khi chúng bị đánh bắt bằng nghề lưới thì thân cá sẽ bị bầm dập do va chạm vào lưới và do chúng quẫy đạp, làm cho thịt cá bị mềm đi dù chúng vẫn còn sống. Ngoài ra, khi quẫy đạp trong lưới thì lớp phấn trắng ở ngoài da cá cũng sẽ bong chóc khiến chúng nhìn nhợt nhạt, không đẹp mắt.

“Ở cảng La Gi người ta lưới cá thu được nhiều lắm. Mấy ghe lớn đi xa tới ngoài đảo Phú Quý họ bắt cả tạ cá thu mỗi chuyến biển, đủ kích cỡ từ nửa ký lô cho tới cả chục ký. Nhưng cá thu lưới không ngon bằng cá thu câu, bán cũng rẻ hơn rất nhiều. Chỉ dân biển nhìn con cá thu ở cảng mới biết đâu là cá câu, đâu là cá lưới. Cá câu thường được thương lái thu mua giá cao, mang cho mấy nhà hàng lớn sang trọng ở Phan Thiết, Mũi Né hay tận TPHCM. Còn cá lưới thì chủ yếu bán ở chợ đầu mối. Cá câu bây giờ hiếm lắm vì ít người làm nghề câu. Nghề lưới kiếm cá dễ hơn rất nhiều”, ông Sáu Thảo kể.

Theo những ngư dân làm nghề câu cá thu ở La Gi, trước kia vùng này có vài chục ghe, thúng làm nghề câu cá thu khi mùa tới nhưng hiện nay chỉ còn vài ghe, bởi chi phí cho ghe câu rất lớn. Nếu ngư dân không có tay nghề chỉ cần vài ngày không câu được cá là lỗ cả triệu đồng, buộc phải bỏ nghề.

Ngoài ra, việc đầu tư lưới để chuyển sang nghề khác dễ đánh bắt hơn vì ngoài cá thu, lưới cũng giúp ngư dân đánh bắt được các loại hải sản khác để có thêm thu nhập.

Là người thu mua cá thu lâu năm ở cảng La Gi, bà Nguyễn Thị Bảy cho biết mỗi ngày bà mua khoảng 50 - 60kg cá thu, gồm cả cá câu và cá lưới. “Cá của tôi được ướp đã gửi cho bạn hàng trong TPHCM hết. Mùa này cá câu nhiều chứ 2 tháng nữa thì chỉ có cá lưới thôi. Cá lưới mình phải chọn rất kỹ để chắc chắn là loại ngon mới dám gửi cho bạn hàng. Ngoài cá tươi, mấy năm gần đây tôi cùng với đứa con gái út còn làm cá thu một nắng nữa. Cá thu được cắt lát mỏng, ướp muối rồi phơi một ngày cho đậm thịt sau đó gửi cho bạn hàng. Cá thu đã ngon rồi mà cá thu một nắng thì đúng là đặc sản luôn”, bà Bảy nói.

Không chỉ nghề cầu cá thu, nhiều nghề câu của ngư dân vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ từng rất thịnh hành nhưng nay đã mai một đi ít nhiều, chủ yếu do các loại ngư cụ hiện đại dễ đánh bắt hơn. Nhưng đâu đó dọc theo bờ biển dài hàng trăm cây số này vẫn còn những ngư dân như anh Hải, ông Sáu Thảo gắn bó với nghề câu. Họ vẫn tìm được sinh kế và niềm vui của mình trên mênh mông vùng biển này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa câu cá thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO