Nhiều người nói rằng Hà Nội đang “được mùa phố đi bộ”. Nhưng nơi thì “bội thu”, nơi lại “thất bát”. Vì rằng, thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là có nhiều người đến hay không.
Có thể kể đến phố đi bộ quanh hồ Gươm, đường Trịnh Công Sơn, mới đây là khu vực phố Trần Nhân Tông, Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Còn cách xa trung tâm chừng hơn 40 km là khu vực đi bộ ở Thành cổ Sơn Tây.
Nhưng xem ra, chỉ có phố đi bộ hồ Gươm mới đủ sức hấp dẫn. Người dân đến đây có thể vui chơi ở nhiều địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Lớn, tháp Rùa, cầu Thê Húc.., vào Tràng Tiền Plaza mua sắm, ăn uống và check in. Nhiều người, cả tây cả ta lại thích đến phố cổ để la cà quán xá cho đến “tàn canh”.
Nhà quản lý cho biết, trung bình mỗi đêm cuối tuần khu phố đi bộ quanh hồ Gươm đón khoảng 20.000 khách. Khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Đặc biệt, tối 31/12/2022 và tối 1/1/2023 vừa qua, khu vực này có tới cả trăm nghìn người, thật là cả một biển người.
Trong khi đó các khu vực còn lại không được như kỳ vọng của nhà tổ chức. Cụ thể là Đảo Ngọc - Ngũ Xá loanh quanh vẫn chỉ là những nhà hàng ăn uống. Người Hà Nội nói rằng muốn thưởng thức nghệ thuật ẩm thực thì đã có khu Cấm Chỉ, Tống Duy Tân, nào cần đến Đảo Ngọc - Ngũ Xá. Khu vực đường Trần Nhân Tông dù rất lợi thế bởi hàng rào Công viên Thống Nhất đã được “hạ giải” và mặt nước hồ Thiền Quang mang vẻ đẹp dịu dàng, thì cũng không đông người tới. Đáng nói hơn nữa là phần vỉa hè bên hồ Thiền Quang, hàng loạt dãy hàng dựng lên, che mất tầm nhìn. Ai muốn nhìn hồ nước thì phải… né ra chỗ khác.
Cũng có thể nói chút ít về phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Tới nay, càng ngày càng thưa thớt. Vào buổi tối cuối tuần, cả phố chỉ có thêm một vài quán ăn, quán nước và những cá nhân hoạt động nghệ thuật đơn lẻ. Như vậy là không gian văn hóa này từng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước đã không thành.
Được biết, Hà Nội còn dự định mở rộng từ 3 đến 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ. Trong năm 2023 này có thể sẽ có thêm 2 phố đi bộ mới là Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) và tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) đi vào hoạt động. Cũng theo kế hoạch, khu vực xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được định hướng quy hoạch thành không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển mô hình kinh tế ban đêm.
Mở các tuyến phố đi bộ, tạo không gian văn hóa công cộng mới cùng phát triển kinh tế đêm là văn minh. Nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều khu phố đi bộ đến vậy, trong khi thiếu rất nhiều điều kiện thu hút người dân. Chưa nói, nó lại gây xung đột giao thông, ùn ứ một cách khó chấp nhận. Cụ thể là với tuyến đi bộ Trần Nhân Tông, ngay cả người sinh sống ở Hà Nội đã lâu cũng khó mà biết cách “né” nó, tìm đường thoát một cách hợp lý.
Vậy, phải chăng người ta đang làm phố đi bộ theo lối phong trào?