Tại cơn gió mà dòng tơ trăng trở lạnh, tại bông hoa cũng không muốn nở một mình, ông tơ bà nguyệt lại đã buộc đủ tơ duyên, nên con trai con gái yêu nhau rồi phải về ở chung nhà thôi, không thì nhớ nhau lắm.
Vắt qua mùa, qua năm, những mùa thu đẹp nhất, mùa đông ấm nồng, mùa xuân tha thiết, được gọi chung là “mùa cưới’’. Chẳng phải xưa mà nay vẫn thế. Chạm mùa cưới năm nay, tôi kể về mùa cưới ở làng xưa.
Mưa Ngâu chuyển tiết mùa sang Thu, người trong làng bận bịu với những nghi lễ mùa vu lan, chùa làng đèn sáng khuya hơn, vang vang những lời tụng niệm của đạo tràng, tiếng thỉnh chuông mõ của người dâng lễ. Các cụ lại nhắc “Xuân thu nhị kì’’, từ đây những việc làng hay lễ hội sẽ lại diễn ra đến Tết, mang tâm nguyện khang thịnh, an hòa của người làng đến tới những linh thần.
Rồi qua tháng Ngâu, Thu về sâu hơn, mát rượi. Hương lúa theo gió về làng thơm nồng. Có buồng hoa cau mới nở thơm ngát, có buồng cau lại đã lên mã, nghe nói tuần sau gia chủ sẽ xé đi dạm ngõ (chạm ngõ). Giàn trầu bên bể nước qua tháng mưa ngâu xanh om, non mướt, hanh hao cái là thành bánh tẻ, lá to, ngọn dài thật đẹp. Lá trầu này têm cánh phượng, đi với cau xanh, vỏ quạch đỏ, lại được tay bà Khán Cỏn têm thì nhất - Người làng vẫn nói thế.
Xưa, trai gái trong làng phải lòng nhau, thường thì con trai cứ đi mòn ngõ nhà con gái, mà chưa biết thế nào. Có anh thì công cốc, những cũng có anh chuyển bại thành thắng. Cô gái từ trốn suốt trong buồng, dưới bếp, nhất định không tiếp, ấy thế mà có khi chỉ qua vụ mùa, nhìn đường cày của anh ấy đã “cảm”, cùng với nhìn thấy tính “kiên trì” của anh ấy mà nghĩ lại. Hơn nữa bố mẹ, họ hàng cùng vun vào nên đã xiêu xiêu rồi ưng ý.
Người làng xưa, bao giờ cũng kén nết làm ăn, nên trai tài, gái đảm bao giờ cũng “đắt hàng’’ có khi “đuổi đi’’ không hết. Nhiều bà mẹ cũng phải nói xa, nói gần, khuyên con gái sớm chọn ai đi, kẻo rồi “lắm mối, tối nằm không’’, mà nếu con gái có chọn người thiên hạ, đôi khi còn lo “trai làng nó phá’’. Nhà gái thì lo thế, còn nhà trai cũng sợ “cánh thoát ly’’, sợ “mạnh mối’’ nên cũng tính “cưới liền tay ‘’hay là phải có cơi trầu “dạm” cho yên tâm. Chính vì thế mà những đám “dạm ngõ” cũng khá dềnh dang. Nhà gái nhận cơi trầu này cũng coi là nhận lễ, không còn là chuyện đi lại tìm hiểu của đôi trẻ mà đã là chuyện của 2 gia đình, hai họ. Đôi trẻ sau đó càng mải yêu nhau hơn, anh trai làng chăm việc nhà hơn hẳn và cứ vãn việc là “tót’’ sang nhà kia “làm giúp’’ rồi ăn cơm luôn bên ấy. Có bà mẹ thì mừng, có bà đã sớm lo’’ Nó đội vợ lên đầu’’.
Ai cũng nghĩ vụ tháng 10 xong, nhà cô gái xây bể, xây tường hoa, chủ ren lại giục trả hàng thì có lẽ việc cưới cũng phải sau giêng, có khi không vội thì đến mùa Xuân năm sau. Thế mà không phải, nhà trai đi xem ngày, thầy lại bảo năm nay cưới đẹp hơn và nhà bên ấy đã sang nói chuyện. Cô gái bối rối, chàng trai chẳng nói gì. Nhà gái xin thư thư, sau Tết này, nhưng bà bác đại diện bên nhà trai nói khéo quá, bà bảo:
- Ông thầy bên bãi nhẩm mãi vẫn bảo năm nay hai đứa nên duyên là nhất. Chị em tôi sợ vội không lo được chu đáo vì bên nhà gái con đầu cháu sớm, ông nhà lại thoát ly nên xuống làng Phượng xem lại, thì bà ấy nói ngay: “Cưới liền tay’’. Cô này như bông hoa đẹp, chọn đúng cái bình quý, nên duyên là số giời rồi...
Bà mối nói thế thì nhà gái biết giả nhời ra sao nữa.Thế là kéo dây điện ra xây tường hoa cho chóng. Một cánh thợ lát sân, một cánh thợ đắp trang trí để kịp ngày ăn hỏi, bắc rạp, kê bàn cho đẹp.
Nhà trai cũng vội. Thợ Mộc xứ Đoài vay gỗ đóng giường, tủ cho nhà chú rể kịp ngày ăn hỏi là giường, tủ phải về đến buồng. Bà mẹ cũng đi chợ tổng đặt đôi chiếu hoa, tạt qua bà hàng vải xem có cách nào mua được màn tuyn nhà máy. Bà còn đương kén người trải chiếu đây? Trăm thứ phải lo, cũng may là đôi lợn trong chuồng ngót tạ, gạo nếp, gạo tẻ năm nay được mùa đủ cả cho 50 mâm cỗ.
Nhà hai buồng gói, một buồng thì giàn khoai tây, sào quần áo, lặt vặt, linh tinh chứa đồ không tính. Buồng còn lại phải thu dọn ngay để làm buồng cô dâu. Hai bố con với đám đàn ông con trai họ hàng, bạn bè thân cận phải được triệu tập ngay với công việc cụ thể: Đảo ngói, quyét vôi, dọn cái buồng.
Mọi việc hòm hòm cũng là lúc đôi trẻ dắt nhau đi sắm cưới. Anh chị đèo nhau đi chợ tỉnh bằng xe Phượng Hoàng mới cóng. Mấy người rửa rau đi chợ sớm cứ bàn tán váng cầu ao chùa, dù chưa biết rõ ngày nào hỏi cưới. Mấy ông trung niên ăn sáng ở phố về đã vòng ra bụi tre ngắm tre, như thể lo dựng rạp đến nơi. Mấy chị năm ngoái tầm này đang mới sắp làm cô dâu năm nay đã dong con đi ăn bột. Cái áo kẻ bẩy màu may hồi cưới đã ngả màu và chật căng vì đang tức sữa vừa bàn tán, vừa nhắc chuyện mình cưới tầm này năm ngoái và luôn miệng kêu thời gian nhanh quá.
Chợ làng mùa này mấy bà hàng vải, hàng xén rất đắt hàng. Từ giấy hồng điều cắt chữ hỉ, giấy màu cắt xúc xích cho đến vải sa tanh, lon trắng đều được buôn về. Áo mút Lào cổ cao nữa chứ, cô dâu nào chẳng cần cái áo ấm, chưa kể cặp ba lá, cặp mái, quai nón... đều đắt hàng. Nhiều làng xa, xã trên, xã dưới hay bên bãi vẫn kén chợ tổng làng này để mua bán. Vì không xa như chợ tỉnh, lại dễ mua. Ấy thế nhưng người làng chỉ có cánh mẹ chồng, mẹ đẻ thiếu gì thì sắm ở chợ này thôi, chứ cánh thanh niên là rồng rắn đi chợ tỉnh sắm hết. Một cô cưới thì đến 5-7 toán túi xách, nón trắng đi chợ tỉnh mua áo quần, dép, guốc để diện đám cưới bạn. Các cô thường hẹn nhau ở ngã ba Chằm hay đầu phố làng, chuyện như ngô rang, khi đủ người chỉnh trang lại quai nón cái là đạp xe đi tỉnh ngay. Cả mấy tháng ngồi làm ren, cả lễ hội bán hàng, gom góp để mùa cưới được đi mua sắm thế này thật là vui. Gái làng ai chẳng có thời như thế. Nhiều bà, nhiều chị còn ríu rít nhờ mua hộ món này, món kia. Người nhờ mồm, người vạch bụng lấy tiền trong bị ra gửi. Các cô đi rồi, các chị, các bà còn đứng chuyện trò mãi.
Có ngôi nhà chọn ngày đẹp cất nóc người làm giúp qua lại từ tinh mơ. Khi nắng lên việc quan trọng đã xong ai cũng mừng vì mọi việc thuận. Cánh chị em bếp núc xào nấu đã thơm om, rộn ràng bát đĩa, sắp mâm. Mùi giả cầy, mùi rượu trắng dậy lên trong nắng hanh. Chẳng nói thì người làng cũng biết nhà bà Khán Sinh xây nhà mới để cưới cho anh cả lấy vợ thoát ly. Cụ thể tháng nào thì nhà bà còn kín, chưa thấy nói ra.
Mùa cưới trong làng, trong xã nhiều nhà phải trông nhau, chọn ngày ăn hỏi, ngày cưới không trùng các đám khác, chứ nếu trùng, phân tán người, đám nhà mình lại ít người làm giúp và vắng người tham dự. Có khi cái đèn măng xông, đèn bão của nhà này chạy luân phiên khắp xóm, cả tuần chưa về lại nhà chủ nhân. Đám trẻ con tối học qua qua bằng ngọn đèn dầu nhỏ rồi nghểnh tai lên nghe thấy đám cưới có tiếng hát là tót sang xem cho mãi đến khi bố mẹ gọi mới về đi ngủ.
Mùa này thường đẹp giời, sau bữa cỗ dăm bẩy chục hay đến hàng trăm mâm là họ nhà trai sẽ đi đón dâu. Thường là đi một về hai, tức là nhà trai sẽ đi lúc 1 giờ, đón dâu xong về đến nhà mình 2 giờ là đẹp. Nhưng để căn được giờ này phải là lấy vợ làng, chứ lấy người thiên hạ thì đường xa, e khó.
Đám cưới đi qua con ngõ nhỏ, bọn trẻ con gọi nhau í ới đi xem. Có cô dâu e lệ, vân vê khăn mùi xoa trong tay, cái áo trắng may khéo lộ eo thon rõ đẹp, quần sa tanh may ống xéo đi với áo ấy lại tôn dáng. Chú rể cũng mặc quần đen, áo trắng, cái khóa thắt lưng mới bóng loáng. Cả cô dâu và chú rể thèn thẹn, ngại ngùng chứ không được “bạo”, nói cười tự nhiên như đôi phù dâu, phù rể đi sau.
Đám đón dâu rẽ khuất ngõ, vào đến sân nhà trai là anh dẫn chương trình đã đon đả mời chào, cánh tiếp nước cũng cô bê trầu, cô rót nước nhanh chóng. Cô dâu, chú rể vào nhà trong làm lễ gia tiên, bên ngoài “hội hôn’’ cũng bắt đầu thuốc nước. Không ít người được “chấm” trong những đám cưới như thế này để rồi nên duyên. Tiếng loa đài được kích âm vang vang, nhiều bà, nhiều chị cũng tất tả sang “xem” đám cưới chứ không nói chỉ mỗi bọn trẻ con vòng trong, vòng ngoài xem từ lễ gia tiên đến “hội hôn” hát.
Đám cưới chưa tan, có người trở ra ngõ ngoài. Chị đưa tay, dứt cái lá duối cõi vê vê.
Nhà bác cả đã xây mới khang trang chỗ bụi tre xưa, căn nhà gỗ thời các cụ vẫn còn nguyên bộ cửa bức bàn. Mẹ đã già, lưng gù gập, ngồi ở trường kỉ gian bên. Mẹ biết thế nào chị cũng sẽ sang nên hãm nước chè xanh đợi. Mẹ ôm chặt lấy chị, sau khi chị thắp hương cho anh xong. Rồi mẹ lại nói:
- Nếu nó không hi sinh, con đã là con trong nhà.
Chị khóc, chị nhớ hết những mùa xưa. Anh chị quen nhau độ hội Xuân, qua vụ tháng 10 là dạm ngõ. Tết năm ấy, chụp ảnh ngoài phố làng, anh nắm tay chị nói muốn chụp chung một kiểu, nhưng chị thẹn không dám, bảo cứ chụp riêng, tặng nhau đã.
Ăn Tết xong anh nhận được giấy báo trúng nghĩa vụ quân sự. Hai họ động viên anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chị thủy chung đợi, sau 3 năm về làm đám cưới cũng không muộn.
Ngày anh lên đường nhập ngũ, anh tròn 20, chị cũng vừa qua tuổi 18. Ngày đón anh về chị mới 19 tuổi. Trai làng vẫn ra trận, biên giới mịt mù đạn lửa. Mùa cưới năm ấy , xã cũng lỡ mất mấy đám các anh không trở về như đã hẹn.
Chị nghĩ ở vậy, nhưng mẹ lại khuya sớm khuyên chị lấy chồng. Ba năm sau, chị mới nên duyên về bên bãi. Ngày lại mặt vợ chồng chị xách lễ về bên nhà đẻ, mẹ lúc ấy mới tặng quà. Mẹ bảo chị cứ mở ra, nào là hạt cải, hạt mùi, hạt mướp và cả đồng vàng. Mẹ bảo:
- Mẹ vẫn dành cho con.
Cả nhà lặng đi, chồng chị cũng rơm rớm nước mắt, hứa với mẹ sẽ tốt với chị, mẹ cứ yên tâm.
Đã bao mùa cưới đi qua, mẹ đã đi hỏi vợ cho các cháu nội ngoại, mẹ đã có chắt từ lâu, chị cũng sắp lên chức bà ngoại. Mẹ chẳng còn đi têm trầu giúp đám cưới được như vài ba năm trước nữa, chỉ loanh quanh trong nhà, ngoài sân, ra đến đầu ngõ là cùng.
Chị về đây, để mẹ ôm lấy chị, để chị ôm lại thật chặt.
Chiều muộn, mẹ nhắc chị về mà bàn tay vẫn nắm...
Mùa cưới vẫn xôn xao như thủa nào.