Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị do bị rắn cắn.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân Công Quốc Thắng (54 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ông thấy trong vườn có con rắn nên bắt cho vào túi lưới và bị rắn cắn vào tay qua lớp túi. Sau đó ông đến Bệnh viện E, được sơ cứu lại và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là ca bệnh điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc sơ cứu và nhập viện kịp thời khi bị rắn cắn: “Ngay sau khi bị thương, bệnh nhân đã buộc ga-rô rồi tới ngay bệnh viện để được sơ cứu kịp thời, và hệ quả là kết quả điều trị rất tốt, ít để lại di chứng, thời gian được xuất viện cũng sớm hơn”.
Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, vẫn ghi nhận rất nhiều trường hợp đến viện muộn, thậm chí là sử dụng các bài thuốc cổ truyền, thuốc truyền miệng hay các cách chữa mẹo chưa được kiểm chứng sau khi bị rắn cắn khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch, để lại nhiều di chứng nặng nề.
Cũng tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Hà Văn L. (53 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã nhập viện vài ngày nay nhưng cánh tay bị rắn cắn vẫn đang bị hoại tử tím đen. Được biết, sau khi bị cắn, thay vì sơ cứu đến viện luôn, người đàn ông này lại tìm đến thầy lang để dùng thuốc lá. Ông L. đã uống 3 cốc nước lá và đắp lá tươi lên vùng tay bị rắn cắn. Sau gần 30 tiếng khi tay hoại tử nhiều, cơ thể mệt mỏi ông L. mới được đưa tới bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, nhưng mọi thứ đã quá muộn. Bệnh nhân L. trong tình trạng nặng, nguy kịch, cả vùng cổ tay đã bị hoại tử và sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục.
Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nam bệnh nhân (46 tuổi), vào viện trong tình trạng sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ, ấn đau.
Khai thác tiền sử, các bác sĩ phát hiện, trước khi vào viện 7 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn, thế nhưng không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà. Cùng ngày nhập viện, bàn tay bệnh nhân bị chảy mủ kèm theo sốt, tự uống 1 viên paracetamol tại nhà nhưng không đỡ nên đã đến bệnh viện cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã giảm đau, dùng kháng sinh, xử trí vết thương và chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.
BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, những trường hợp này sẽ mất nhiều thời gian điều trị, ngoài xử lý các tổn thương đến mạch máu, gân thì còn phải phối hợp phẫu thuật thẩm mỹ phần da bị hoại tử.
Đồng thời BS Nguyên lưu ý, sau khi bị rắn cắn, có một số biện pháp không nên áp dụng vì sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh nhân rắn cắn. Ví dụ như trích rạch vết rắn cắn, đặc biệt là với vết cắn của rắn lục sẽ gây chảy máu vô cùng nguy hiểm. Hoặc sơ cứu bằng cách nặn vết rắn cắn sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Ngoài ra cần tránh sử dụng các bài thuốc dân gian vì không có tác dụng. Không nên làm mất thời gian của bệnh nhân bị rắn cắn, như vậy sẽ làm bệnh diễn biến nặng lên, nọc độc vào trong cơ thể sâu hơn, dễ dẫn tới tổn thương hoại tử không hồi phục. Thậm chí nhiều trường hợp không cấp cứu kịp thời dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Hầu hết các trường hợp rắn cắn do chủ động bắt rắn. Vì vậy khi thấy rắn người dân không nên bắt. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng gậy đuổi đánh. Người dân tuyệt đối không nên chạm, tiếp xúc trực tiếp với rắn. Kể cả rắn đã chết, bởi có những trường hợp rắn chết rồi vẫn còn độc.