Tắm quá lạnh, cơ thể không kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi nhanh. Mạch máu không kịp co lại hay giãn nở trong quá trình điều nhiệt, gây tăng huyết áp kịch phát. Hậu quả, người tắm có nguy cơ đột quỵ.
Vào mùa lạnh, nhiệt độ đêm và sáng sớm có xu hướng hạ thấp nhất, vì vậy không nên tắm vào hai thời điểm này.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị khuyên không nên tắm ở khu vực quá lạnh, không kín gió, trống trải, sức đề kháng của đường hô hấp mùa lạnh giảm, khả năng mắc bệnh đường hô hấp tăng lên.
Tắm quá lạnh, cơ thể không kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi nhanh. Mạch máu không kịp co lại hay giãn nở trong quá trình điều nhiệt, gây tăng huyết áp kịch phát. Hậu quả, người tắm có nguy cơ đột quỵ não, suy tim hoặc viêm phổi, chuột rút. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao rất nhiều lần ở người có bệnh nền cao huyết áp, suy tim, dị dạng mạch máu não.
Ban đêm là thời gian cơ thể cần nghỉ ngơi, nhiệt độ toàn thân ở mức thấp nhất, dễ mắc bệnh, không nên tắm. Cũng không tắm ngay sau khi làm việc nặng nhọc.
Không nên tắm quá lâu bằng nước nóng để tránh khô da, thoát nhiệt. Tắm xong, lau người thật khô, mặc đủ ấm, giữ ấm chân tay dù ở trong nhà. Không nên ra ngoài trời lạnh khi vừa tắm xong.
Người có bệnh nền mạn tính, người già, trẻ em cần cẩn trọng thời điểm tắm trong ngày. Tốt nhất nên tắm khi trời ấm, tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, từ nơi quá ấm ra nơi quá lạnh.
Mới đây, Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội) đã tiếp nhận một cô gái 27 tuổi, ở Vĩnh Phúc bị đột quỵ sau tắm.
Bệnh nhân được chồng đưa đến bệnh viện địa phương rồi chuyển đến trung tâm Đột quỵ cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội, không bị liệt người. Theo kết quả chụp MRI cho thấy, bệnh nhân bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não, chảy máu dưới nhện. Bệnh nhân được các bác sĩ hút khối dị dạng mạch thành công, ngày 16/12 qua cơn nguy kịch. May mắn, bệnh nhân chưa bị vỡ mạch máu não. Nếu vỡ, máu tràn ra, tình trạng nguy cấp có thể dẫn tới liệt, hôn mê, tử vong.
Chính vì thế các bác sĩ luôn khuyến cáo không nên tắm đêm vì khi tắm huyết áp thay đổi đột ngột, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Nhiệt độ cơ thể cũng thay đổi, tạo áp lực gây vỡ động mạch hoặc các mao mạch. Ngoài những người có nguy cơ cao bị đột quỵ thường do mắc tăng huyết áp (chiếm 80% các ca đột quỵ), tiểu đường, loạn nhịp tim, béo phì, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ… thì trời lạnh cũng là một trong các yếu tố cơ hội gây đột quỵ.
Thời tiết lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Nhiều người trời lạnh thường ít vận động, dẫn tới tăng cân cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, một số yếu tố bất thường khác như căng thẳng, tai nạn giao thông, dẫn đến vỡ mạch máu não.
Lắng nghe cơ thể, phòng tránh đột quỵ
Thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều ca đột quỵ, đặc biệt là ở lứa tuổi tưởng chừng sức khỏe đang sung sức nhất. Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong 1 tháng trở lại đây có khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó có tới 10% (tức là 100 ca) là bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi), thậm chí có ca mới 14 tuổi đã bị đột quỵ.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời tiết lạnh như hiện nay người dân đặc biệt phải chú ý đến các vấn đề về sức khỏe, khi có các dấu hiệu như: đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu.
Để phòng đột quỵ, người dân nên vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.
Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Để tránh biến cố đe dọa tính mạng, bác sĩ khuyên không chỉ người cao tuổi cần chụp kiểm tra mạch máu não mà người trẻ cũng nên chụp tầm soát, tối thiểu một lần trong những năm tháng tuổi trẻ.