Mưa lớn, nhiều nơi sạt lở, ngập sâu

Tấn Thành - Thanh Tùng 13/09/2021 06:40

Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, bão số 5 (bão Conson) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hầu như ít di chuyển. Tuy nhiên đã gây mưa lớn, ngập sâu và sạt lở ở nhiều nơi.

Quảng Nam: Vùng cao bị chia cắt, vùng biển bị sóng công phá

Tại Quảng Nam, sáng ngày 12/9 bão số 5 đã trở thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn (có nơi trên 200 mm) khiến nhiều tuyến giao thông huyết mạch bị chia cắt, nhiều nơi bị cô lập, ngập sâu.

Xã vùng cao Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn nước lũ đổ về làm trôi ngầm tạm ở địa phương. Hiện thôn Trà Văn A với 76 hộ dân, hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng đã bị cô lập hoàn toàn. Trong khi đó tại huyện Bắc Trà My nhiêu tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở, giao thông bị chia cắt như tuyến xã Trà Đốc đi xã Trà Bui; tuyến Trà Giác đi Trà Ka. Còn tại huyện Đồng Giang, đoạn nối giữa xã Jơ Ngây và Kà Dăng tại ngầm tràn Ba Nga nước lũ dâng cao ngập sâu khoảng 1m, khiến việc đi lại hầu như bị tê liệt.

Huyện Nam Trà My, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Cách UBND xã Trà Vân khoảng 300m, sạt lở một đoạn dài hơn 3 m. Còn tại thành phố Tam Kỳ, mưa lớn đã khiến nhiều ngôi nhà tại khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận ngập sâu hơn 1m. Người dân phải di chuyển đến khu vực cao ráo để tránh nước dâng.

Bà Trần Thị Hoa (70 tuổi), trú khối phố Mỹ Thạch Trung cho biết: “Khu vực nay trũng thấp, mưa lớn luôn gây ngập sâu. Hiện con đường dẫn vào khối phố nước dâng cao hơn 1m. Nhiều nhà có trẻ con, người già đã chuyển đi nơi khác tránh trú. Nhiều gia đình đã phải chuẩn bị ghe để đi mua lương thực nhằm tránh việc thiếu hụt lương thực khi bị cô lập”.

Ở vùng biển, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết sáng 12/9, khu vực phía Bắc bãi tắm Cửa Đại, hàng trăm mét bờ biển bị sóng to công phá. Những cơn sóng cao hơn 2 mét liên tục tấn công dọc bãi biển này. Sóng lớn bắt đầu từ tối ngày 10/9 và đã đánh trôi nhiều mảng bờ kè bằng bê tông. Người dân ven biển thành phố Hội An, từ hôm qua đến nay đang gia cố bờ biển Cửa Đại trước sự công phá của sóng to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 5. Đây không phải lần đầu người dân đối diện với nỗi lo triều cường tấn công, mà nhiều năm qua cứ tới mùa mưa bão, bờ biển của Hội An lại đặt trong tình trạng báo động, khiến người dân lo sợ.

Người dân gia cố bờ biển Cửa Đại. Ảnh: Chí Đại.

Các địa phương tập trung ứng phó, hạn chế thiệt hại

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với bão và mưa lớn. Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai, chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 và mưa lớn như chủ động di dân vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập sâu, lũ dữ đến nơi an toàn, triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho vụ Hè-Thu; tăng cường công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền cũng như duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại những địa phương khác được dự báo có ảnh hưởng từ cơn bão số 5 (đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới) như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị… từ nhiều ngày gần đây đã lên các phương án ứng phó.

Tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, dù thành phố đang tạm dừng hoạt động âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để phòng, chống Covid-19 nhưng vẫn đón 314 tàu cá ngoại tỉnh với 849 ngư dân vào trú bão. Đồng thời lên phương án sơ tán 39.000 người dân khi cần thiết để bảo đảm an toàn khi mưa bão và phòng, chống Covid-19. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập úng, các công trình trọng điểm... Đồng thời, cũng đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi cần thiết có thể di dời 39.000 người ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, nhà ở không an toàn... về nơi trú ẩn an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch...

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, hiện đã có 1.236 tàu, thuyền đang neo đậu trong bờ, trong đó có 314 tàu cá ngoại tỉnh với 849 ngư dân. Các tàu du lịch trên sông Hàn đã di chuyển lên sông Cổ Cò và 646 ghe, thuyền thúng đã đưa lên bờ tránh bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố bố trí 150 cán bộ, chiến sĩ và 13 phương tiện (tàu, xuồng, ô tô); Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng bố trí tàu công vụ hàng hải và 3 tàu thường trực để hỗ trợ phòng, chống bão…

Những địa phương khác như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế… cũng đã chỉ đạo, hỗ trợ người dân gia cố, neo giữ lồng bè, chòi canh và lên bờ để bảo đảm an toàn. Đồng thời cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường để hạn chế rủi ro khi mưa lớn ập đến.

Cảnh sát biển vùng 2: Cứu hộ thành công 18 thuyền viên gặp nạn

Ngày 12/9, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 2 (CSB2), đóng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, tàu 8002 đã cứu thành công 5 ngư dân của tàu cá và 13 thuyền viên trên sà lan gặp nạn ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

Trước đó, vào khoảng 13 giờ ngày 11/9, CSB2 nhận thông tin tàu cá QNg 95058 TS của ngư dân Dương Văn Thạch, ở tỉnh Quảng Ngãi trên đường tránh bão số 5 thì tàu bị phá nước, hỏng máy. CSB2 đã chỉ đạo tàu 8002 đi ứng cứu. Đến 18 giờ 15, tàu 8002 tiếp cận tàu được bị nạn. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 8002 đã nhanh chóng cứu thành công cả 5 thuyền viên đưa lên tàu. Ngư dân được chăm sóc y tế, xét nghiệm nhanh Covid-19. Ngay sau khi cứu nạn thành công tàu cá QNg-95058 TS, tàu 8002 tiếp tục nhận lệnh tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu kéo số hiệu ĐNa-0494 gồm 13 ngư dân. Tàu kéo này do ông Nguyễn Dũng (SN 1964), trú Sơn Trà (Đà Nẵng) làm thuyền trưởng đang trôi dạt về hướng Nam của đảo Lý Sơn, cách phía Đông Đông Nam Lý Sơn khoảng 17 hải lý. Sau gần 6 giờ liên tục tìm kiếm và liên lạc với tàu bị nạn, trong điều kiện đêm tối và biển động dữ dội, đến 1 giờ 30 phút ngày 12/9, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận với tàu ĐNa-0494, triển khai các biện pháp cứu nạn, chăm sóc sức khỏe các thuyền viên và tổ chức lai dắt tàu bị nạn về đất liền.

Nhiều nơi tiếp tục có mưa to

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia: Từ nay đến ngày 13/9, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 200mm; Từ đêm nay đến ngày 14/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới cấp 3. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0 m, biển động.

G.B.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa lớn, nhiều nơi sạt lở, ngập sâu