Mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung: Đảm bảo an toàn vận hành hồ, đập

Tấn Thành - Chí Đại 17/10/2023 06:37

Mưa lớn tại kéo dài tại miền Trung những ngày qua đã khiến nhiều tỉnh, thành chìm trong biển nước. Đặc biệt, tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình mưa lớn diễn ra trên diện rộng gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương đã cấp tốc đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó với mưa lũ, trong đó chú trọng công tác đảm bảo vận hành các hồ, đập trong mùa mưa bão.

Kế hoạch xả lũ tại các đập, hồ thủy điện tại Quảng Nam đã được lên kế hoạch đảm bảo tính an toàn cao nhất. Ảnh: Tấn Thành.

Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn trên diện rộng gây ngập cục bộ nhiều nơi, thậm chí một số nơi đã xảy ra sạt lở núi. Sáng 16/10, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết, đối phó với mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chủ động chỉ đạo siết chặt quản lý vận hành hồ đập, đảm bảo an toàn cho các vùng hạ du.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân lưu thông khi nước ngập đường.

Cảnh báo sạt lở đất do mưa lớn

Tại huyện Duy Xuyên, mưa lớn nhiều ngày qua khiến đường qua thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn bị ngập sâu gần 1m, các phương tiện qua lại đoạn đường này gặp nhiều khó khăn. Lực lượng dân quân tự vệ đã thường xuyên có mặt để điều phối và hướng dẫn các phương tiện di chuyển đảm bảo không ách tắc. Hay như tuyến đường quốc lộ 14H, các phương tiện như xe máy, ô tô phải tìm hướng khác di chuyển và những xe đến tháp Mỹ Sơn phải quay đầu vì nước ngập sâu.

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Hiện tại khu vực đoạn quốc lộ 14H, qua xã Duy Sơn bị ngập nước sâu, chúng tôi đã cử lực lượng đến chốt chặn, đồng thời hướng dẫn người dân, phương tiện lưu thông qua tuyến đường khác để đảm bảo an toàn”.

Tại huyện miền núi Đông Giang, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng ở xã Kà Dăng. Tuyến đường huyết mạch lên trung tâm xã bị sạt lở nặng nề. Ông Alăng Den - Bí thư Đảng ủy xã Kà Dăng cho biết, những ngày qua, mưa lớn gây sạt lở khiến một số điểm cầu ngầm bị nước lũ chia cắt. Điểm cầu tràn nối xã Kà Dăng với Jơ Ngây cũng bị lũ gây ngập, giao thông bị chia cắt tạm thời. Tại QL14G nước lũ đã băng ngầm sông Vàng và ngầm Dốc Rùa.

Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam cũng đang bị ngập trong biển nước, ách tắc giao thông trầm trọng. Đáng lo ngại, hiện nay mưa lớn vẫn tiếp diễn trên diện rộng. Do đó, để chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam (PCTT TKCN) đã đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại và sẵn sàng các phương án ứng cứu.

Biển báo đường ĐT615 qua xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh (tỉnh Quang Nam) bị ngập nước.

Chủ động quản lý vận hành an toàn hồ, đập

Là địa phương có nhiều công trình thủy điện nên công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, nhất là trong mùa mưa lũ luôn được tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng. Tổng số thủy điện đang vận hành phát điện trên địa bàn tỉnh là 29 công trình với tổng công suất hơn 1.574MW.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, Ban Chỉ huy PCTT TKCN tỉnh đã phối hợp các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức thực hiện đảm bảo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quyết định số 1865 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 7/9/2023, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản số 6027/UBND-KTN về việc, vận hành các hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mùa lũ năm 2023.

Sở TNMT tiếp tục đôn đốc các chủ hồ chứa thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát tài nguyên nước, thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn và cung cấp thông tin, số liệu quan trắc cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Tham gia phối hợp tham mưu chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn khi có nguy cơ xuất hiện các tình huống mưa, lũ...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, chủ các hồ thủy điện cho biết, đã và đang tăng cường việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành điều tiết lũ, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra tổng thể vùng hạ du các hồ chứa. Các hồ chứa có tràn xả lũ tự do cũng tổ chức theo dõi chặt chẽ, thông báo dự kiến thời gian mực nước qua tràn đến các địa phương, nhân dân vùng hạ du, các đơn vị có liên quan để chủ động ứng phó.

Đơn cử, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa lũ 2023, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn thành công tác rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện đúng theo các quy định hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hồ chứa thủy điện và Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đáng chú ý, nhà máy đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thông tin, liên lạc, cảnh báo an toàn đập cho vùng hạ du và xây dựng phương án đảm bảo thông tin, liên lạc nhằm vận hành đảm bảo thông tin thông suốt trong mùa mưa lũ; hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 năm 2023.

Nhà máy thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) trong phòng, chống thiên tai khi có các thông báo, cảnh báo các hình thái thời tiết gây mưa, lũ ảnh hưởng đến khu vực nhà máy. Tổ chức trực Ban Chỉ huy PCTT TKCN 24/24h khi có thông tin cảnh báo, dự báo xuất hiện bão, lũ ảnh hưởng đến khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...

Còn ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cũng cho biết: “Công tác ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo an toàn hồ chứa, an toàn đập và hạ du được lãnh đạo công ty đã xác định là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Do đó ngay từ đầu năm, các phân xưởng vận hành Sông Bung 4 và Sông Bung 2 đã xây dựng, tổ chức thực hiện các mặt công tác theo đúng kế hoạch đề ra. Công ty đã tiến hành tổng kiểm tra các hạng mục công trình, các thiết bị vận hành hồ đập, tổ chức diễn tập các tình huống vận hành có thể xảy ra”.

Xây dựng kịch bản điều hành sát thực tế

Mưa lớn hoành những ngày qua đã khiến nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng bị thiệt hại nặng nề.

Trước tình hình mưa đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ra nhiều công văn chỉ đạo ứng phó, đồng thời phối hợp với các địa phương bị ngập lụt để triển khai những phương án chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặc biệt, từ ngày 15/10, Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn tại Đà Nẵng và một số địa phương. Tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cấp chính quyền địa phương theo sát tình hình thời tiết, di dời người dân đến nơi an toàn, triển khai cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân bị ngập úng trong thời gian mưa lũ kéo dài. Sau khi nước rút, chính quyền địa phương và nghành y tế phải nhanh chóng hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước dự báo mưa lớn còn có thể còn kéo dài, Cục đã có những phương án ứng phó để có thể giảm thiểu thiệt hại. Cụ thể, đã tăng cường các lực lượng, các bộ phận quản lý hồ chứa trực, tổng hợp xây dựng các kịch bản di dời dân; có thể điều động các lực lượng từ trung ương đến địa phương khi cần thiết; đồng thời, cử ngay các đoàn công tác đến ngay các địa phương để phối hợp chỉ đạo, điều phối tại những trọng tâm vùng ngập lụt. Nắm bắt tốt nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất những thông tin từ thực địa để cùng với các thông tin từ dự báo, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành sát nhất với thực tế.

THÁI NHUNG

Quảng Bình: Chủ động dự trữ lương thực, đề phòng bị chia cắt dài ngày

Liên tiếp những ngày qua, địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khiến nhiều nơi ngập cục bộ, giao thông chia cắt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Tình hình thời tiết những ngày tiếp theo dự báo còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng tại các vùng thấp, trũng.

Để chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp và mưa lũ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, thực hiện các phương án chủ động di dời, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt là tại các khu vực hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa...

Các địa phương chủ động đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, pin dự phòng, vật tư y tế... phòng bị chia cắt dài ngày, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống.

P.V

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung: Đảm bảo an toàn vận hành hồ, đập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO